Nhằm hỗ trợ người lao động (NLĐ) trở lại nhà máy, xí nghiệp sau dịch bệnh, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ.
Theo đó, đối tượng được thụ hưởng là NLĐ đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ 500.000 đồng/người/ tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng khi có đủ các điều kiện theo quy định; NLĐ đang làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ 3 tháng đối với những người đáp ứng các điều kiện theo quy định. Có thể nói, quyết định trên là chính sách mang tính nhân văn, giúp NLĐ vượt qua khó khăn trước mắt. Nhìn rộng ra, chính sách này còn giúp doanh nghiệp thu hút, giữ chân NLĐ trong giai đoạn thích ứng an toàn, khôi phục, phát triển sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Cách đây chưa lâu, trên chuyến bay TP. Hồ Chí Minh - Huế, ngồi cạnh tôi là một thanh niên người gầy guộc, đôi mắt trũng sâu ôm đứa con nhỏ chừng hai tuổi. Người cháu nổi đầy mẩn ngứa, cứ ho ngằn ngặt. Anh thanh niên hỏi, làm quen, đặt vấn đề khi xuống máy bay xin đi nhờ xe về Hải Lăng, Quảng Trị. Biết hoàn cảnh của anh, tôi đồng ý để hai cha con đi cùng. Trên đường đi, anh công nhân vừa dỗ con ngủ vừa kể chuyện. Hai vợ chồng họ là người cùng quê, vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân may cho một công ty; mỗi tháng làm tăng ca cật lực tiền lương hai vợ chồng cộng lại chưa tới 9 triệu đồng, trong khi tiền thuê phòng trọ đã hết 1 triệu đồng. Như vậy chỉ riêng tiền phòng trọ đã chiếm hơn 10% thu nhập, còn lại chỉ đủ chi tiêu ăn uống và nuôi con nhỏ. Đứa con của anh bị bệnh dị ứng với hơi vải nên thuốc thang, chăm sóc rất tốn kém; lần này họ đưa con về quê gửi cho ông bà rồi trở vào làm việc.
Đó là một trong hàng trăm, hàng nghìn NLĐ có hoàn cảnh sống khó khăn. Năm ngoái, trong dòng NLĐ ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hồi hương vì COVID-19, có vô vàn hoàn cảnh gia đình khó khăn như anh công nhân mà tôi đã gặp. Phần lớn những NLĐ đi làm ăn xa, trong các chi phí tối thiểu cho đời sống, tiền thuê phòng trọ là một khoản chi trả không nhỏ trong nguồn thu nhập ít ỏi của họ. Cũng bởi thấy được khó khăn của NLĐ mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền nhà trọ cho NLĐ.
Sau làn sóng COVID-19 lần thứ tư tạm lắng xuống, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố đang nỗ lực thích ứng an toàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu nhân lực vì do nhiều NLĐ hồi hương, một số người đã chuyển đổi nghề hoặc tìm được việc làm mới ở quê nhà nên không trở lại nhà máy, xí nghiệp đã từng làm việc trước đây. Nhiều doanh nghiệp đã có giải pháp tuyển lao động, đào tạo mới, hay tìm cách liên lạc với NLĐ cũ trước đây với hứa hẹn nhiều ưu đãi mới khi trở lại… để có đủ nhân lực thực hiện các đơn hàng sau dịch bệnh.
Trong hoàn cảnh đó, rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho NLĐ. Việc hỗ tiền nhà trọ cho NLĐ là một trong những chính sách thiết thực, vừa giúp đỡ cho NLĐ trong thời gian trước mắt, cũng là một cách giúp các doanh nghiệp ổn định nhân lực để duy trì, phát triển sản xuất. Dĩ nhiên để nhận được tiền hỗ trợ thuê phòng trọ cho NLĐ cần phải thực hiện các thủ tục theo quy định, như xác định thời hạn hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; nếu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị trả tiền thuê nhà…
Để chính sách hỗ trợ tiền nhà trọ cho NLĐ sớm đi vào cuộc sống, cần có sự chung tay của các cấp công đoàn phối hợp với doanh nghiệp để làm các thủ tục hỗ trợ cho NLĐ sớm tiếp cận được nguồn hỗ trợ tiền nhà trọ. Cần áp dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê, lập danh sách, chứng nhận, cách thức trao nhận tiền hỗ trợ để giảm bớt thủ tục phiền hà; tránh tình trạng NLĐ đúng đối tượng hỗ trợ nhưng không nhận được tiền hỗ trợ hay các hình thức lợi dụng chính sách để trục lợi.
Cũng cần thấy rằng chính sách hỗ trợ NLĐ tiền nhà trọ trong thời hạn 3 tháng chỉ mới là một trong các chính sách hỗ trợ trước mắt bên cạnh những chính sách ưu đãi khác để tạo điều kiện cho NLĐ trở lại nhà máy, xí nghiệp sau một thời gian dài gián đoạn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, các cấp công đoàn, địa phương cần có thêm nhiều sự quan tâm, như xây dựng thêm nhà ở xã hội, các công trình phúc lợi, nhà trẻ, trường học, khu vui chơi giải trí, tăng lương, thưởng… cho NLĐ.
Trong hoàn cảnh COVID-19 chưa thể chấm dứt; lại thêm bất ổn về chính trị trên thế giới làm tăng giá nhiên liệu, cước vận chuyển; các đơn hàng xuất khẩu bị cắt giảm…thì các chính sách của Nhà nước như hỗ trợ tiền nhà trọ cho NLĐ là rất cần thiết để ổn định đời sống. Một khi các địa phương, các doanh nghiệp có đủ nhân lực mới có thể duy trì, khôi phục, phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động; tăng chất lượng, số lượng hàng hóa; cùng với sự mở cửa lại nền kinh tế sẽ góp phần đưa đất nước sớm trở lại “đường băng” để cất cánh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)