Theo kế hoạch học kỳ 1, thời gian này học sinh phải thực hiện các bài kiểm tra định kỳ giữa kỳ. Do tình hình COVID-19 trên địa bàn TP. Đông Hà (Quảng Trị) tiếp tục có diễn biến phức tạp nên các trường phải tiếp tục duy trì việc học trực tuyến. Hiện các trường đã lên kế hoạch để triển khai việc kiểm tra giữa kỳ cho học sinh ở các cấp học.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, TP.Đông Hà Đặng Hoàng Quý, thời gian học sinh học trực tuyến, nhà trường luôn chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên giao nhiệm vụ học tập cho học sinh và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo chất lượng của việc học trực tuyến cũng như củng cố kiến thức. Trường sẽ có phương án tổ chức kiểm tra trực tuyến giữa kỳ phù hợp, đúng kế hoạch. Đề thi sẽ tương thích với hình thức kiểm tra trực tuyến trên nền tảng công nghệ thông tin như Microsoft Forms hoặc Google Forms… Nhà trường xem đây là động thái để đôn đốc, nhắc nhở học sinh duy trì học tập, là một hoạt động kiểm tra thường xuyên để đánh giá quá trình tiến bộ của học sinh.
Ông Đặng Hoàng Quý phân tích, do khi học sinh làm bài kiểm tra, giáo viên sẽ không kiểm soát được việc các em có người hỗ trợ hoặc dùng tài liệu để làm bài hay không, điều này dễ gây ra sự mất công bằng trong kiểm tra, đánh giá. Vì vậy, trường sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể và các hướng dẫn của Sở GD&ĐT để khi học sinh đi học trở lại, nhà trường sẽ tận dụng thời gian vàng tổ chức ôn tập, kiểm tra định kỳ cho các em để đánh giá đúng thực chất hơn.
Cùng chung suy nghĩ trên, lo ngại việc kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến sẽ không đảm bảo tính khách quan và công bằng khi đánh giá học sinh, ban giám hiệu nhiều trường THCS trên địa bàn thành phố tính toán phương án trước mắt vẫn kiểm tra giữa kỳ 1 bằng hình thức trực tuyến để đôn đốc học sinh học tập, duy trì chất lượng. Đến khi học sinh đi học trở lại sẽ tổ chức kiểm tra trực tiếp nhằm đảm bảo đánh giá sát chất lượng giảng dạy. Về lâu dài, nếu tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, các nhà trường sẽ có phương án kiểm tra tối ưu nhất có thể để thực hiện tổ chức các kỳ kiểm tra.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP. Đông Hà Ngô Thị Khuyên chia sẻ, đối với cấp tiểu học, việc học trực tuyến sẽ không hiệu quả bằng học trực tiếp. Khi học trực tuyến, việc đánh giá toàn diện học sinh cũng được thực hiện thường xuyên và định kỳ, thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học. Không dùng điểm số đối với việc đánh giá học sinh. Theo đó, các năng lực, phẩm chất của học sinh được hình thành và phát triển trong quá trình học tập, rèn luyện, hoạt động trải nghiệm cuộc sống trong và ngoài nhà trường, vì vậy giáo viên đánh giá thường xuyên sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh là đánh giá suốt cả quá trình học tập, rèn luyện. Hằng ngày, hằng tuần, giáo viên quan sát các biểu hiện trong những hoạt động của học sinh để nhận xét sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất; từ đó động viên, khích lệ, giúp học sinh khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các năng lực, phẩm chất riêng, điều chỉnh hoạt động, ứng xử kịp thời để tiến bộ. Hằng tháng, giáo viên thông qua quá trình quan sát sẽ có ý kiến trao đổi với cha mẹ học sinh để nhận xét, ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, với khối 4 và 5, trường có tính đến phương án ôn tập và kiểm tra giữa kỳ vào tuần thứ 10 (8/11/2021) của năm học bằng hình thức trực tuyến.
Các trường học trên địa bàn TP. Đông Hà luôn bám sát hướng dẫn của ngành giáo dục và đào tạo để tổ chức dạy, kiểm tra giữa kỳ đảm bảo đánh giá học sinh chính xác, phù hợp. Trưởng Phòng Giáo dục trung học-Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Lê Văn Tính cho biết, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Công văn số 4040/ BGDĐT-GDTrH ngày 16/9/2021 hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 ứng phó với COVID-19. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường, giáo viên, học sinh có cách tiếp cận tốt nhất đảm bảo yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục trung học trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng như tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học. Hướng dẫn của bộ nhằm tinh giản chương trình nhưng không làm mất đi tính hệ thống và vẫn đảm bảo các nội dung cốt lõi. Qua đó giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực, có được kiến thức và kỹ năng, giúp các em tham gia các kỳ thi do các cấp tổ chức.
Cụ thể, giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học; không yêu cầu học sinh thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp giữa các môn học, các nội dung đã quá cũ so với kiến thức khoa học hiện đại. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với lớp học từ lớp 7 đến lớp 12 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và yêu cầu về phẩm chất, năng lực đối với lớp 6 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Căn cứ công văn này, các cơ sở giáo dục trung học xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm chủ động, linh hoạt ứng phó với các tình huống của COVID-19 tại địa phương. Các trường đồng thời kết hợp tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản đã dạy cho các nhóm đối tượng học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương. Đối với công tác kiểm tra đánh giá định kỳ cho học sinh, theo tinh thần công văn yêu cầu không kiểm tra, đánh giá định kỳ những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, thực hành, thí nghiệm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)