Những người “trong cuộc” đều có chung nhận xét là chúng ta đã đi quá xa trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học, nên dừng lại để tránh những hệ lụy nặng nề.
Dù gặp nhiều sóng gió dư luận và cả COVID-19, nhưng cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) quốc gia học sinh trung học năm học 2020 – 2021 vẫn diễn ra tại Thừa Thiên - Huế, từ ngày 25-27.3.
Một hiện tượng đáng lưu ý: Theo thông báo từ Ban tổ chức cuộc thi, dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của học sinh Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đạt giải Nhất.
Đáng nói là, đề tài tương tự: “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật (học sinh lớp 12A và 12G Trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình) đã giành giải Nhất KHKT tỉnh Ninh Bình năm 2019.
Hai tác giả đạt giải Nhất năm 2019, hiện đã ra trường, hai năm sau, không hiểu sao đề tài tương tự lại đạt giải Nhất quốc gia năm 2021.
Trước khi cuộc thi diễn ra, báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh những bất cập, tồn tại của cuộc thi như các đề tài vượt quá tầm của học sinh, mang tính chất hoang tưởng, không thực chất, không có tính ứng dụng, các dấu hiệu tiêu cực, sao chép của hàng loạt đề tài đạt giải.
Năm nay, vẫn tiếp tục xuất hiện các đề tài “khủng” vượt quá tầm hiểu biết, khả năng của học sinh phổ thông hoặc đã được cày nát qua nhiều năm là “chữa ung thư” và “cánh tay rô bốt”, “điều trị xơ vữa động mạch”, “hoại tử”, "thiết bị thông minh hỗ trợ người khiếm thị"... đạt giải cao.
Nếu có thống kê đầy đủ, tôi tin rằng tỷ lệ trùng lặp đề tài/dự án, ý tưởng của cuộc thi qua các năm là rất lớn. Một điều trùng hợp nữa, là hầu hết các đề tài, dự án không có khả năng ứng dụng, sản xuất tung ra thị trường.
Như Báo Lao Động đã có nhiều bài phân tích, học sinh trung học chưa đủ độ chín về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, sáng tạo, không có điều kiện và thời gian sáng tạo, nghiên cứu KHKT một cách bài bản, chuyên nghiệp. Vì vậy, cuộc thi tất yếu sẽ sinh ra đối phó, “luồn lách” và đủ hình thức khác nhau để có sản phẩm, có giải.
Là nhà giáo, tôi được nhiều đồng nghiệp là học trò, bạn bè, người thân đang công tác trong ngành giáo dục khắp mọi miền đất nước tâm sự, chia sẻ về cuộc thi KHKT của học sinh. Tất cả đều có chung nhận xét ban đầu cuộc thi có mục đích tốt, nhưng sau đó cuộc đua thành tích, danh hiệu đã đẩy cuộc thi đi quá xa, theo hướng không thực chất, không hiệu quả, gây lãng phí vô cùng lớn, áp lực và nguy hại nhất là làm cho học sinh quen với cách ứng xử dối trá, không trung thực.
“Cuộc thi KHKT đã đi quá xa theo hướng tiêu cực và không thực chất. Hãy dừng lại càng sớm càng tốt, tránh để lại những hệ lụy không đáng có cho thế hệ trẻ”- nhiều giáo viên bày tỏ nguyện vọng tha thiết lên Bộ trưởng Bộ GDĐT-Bộ KHCN.
(Nguồn: Báo Lao Động)