Thành ngữ Việt Nam có câu “lời nói đi đôi với việc làm”, nghĩa là nói thế nào thì làm thế ấy, không được “nói một đằng, làm một nẻo”.
Đây là một trong những đạo lý làm người, góp phần hình thành nên đạo đức của mỗi cá nhân trong xã hội. Bởi vậy, trong ứng xử hằng ngày của cuộc sống, những người lời nói luôn đi đôi với việc làm được người khác tin tưởng, quý trọng và ngược lại, những người “nói một đằng, làm một nẻo” thường bị chê trách. Đối với cán bộ, công chức Nhà nước, việc “nói một đằng, làm một nẻo” thì hệ lụy sẽ không dừng lại ở chuyện yêu hay ghét mà có thể gây ra hậu quả nặng nề đối với xã hội. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Những ngày này, thông tin Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên Huế bị khởi tố về tội vi phạm đấu thầu trong mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) khiến dư luận quan tâm. Nhiều người vẫn còn nhớ đến câu nói của ông khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có nhận “hoa hồng” của Công ty Việt Á hay không, rằng: “…Cơ quan công an làm việc mà các ông ở Việt Á khai dù chỉ mua một ly cà phê cho tôi thì tôi đi tù cũng xứng đáng”. Bởi lẽ vào thời điểm đó, khi vụ vi phạm đấu thầu trong mua sắm kit xét nghiệm COVID - 19 của Công ty Việt Á bị phát hiện, đây là một trong những phát ngôn sớm nhất của người liên quan đến vụ việc.
Người thì tin rằng với phát ngôn đó, vị giám đốc này không thể có hành vi khuất tất trong đấu thầu và mua sắm thiết bị y tế của Công ty Việt Á. Người lại hoài nghi, cho rằng mọi việc phải đợi đến khi vụ án kết thúc mới rõ ràng. Và nay, khi vụ án dần được làm rõ thì sự hoài nghi của dư luận không sai. Không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà giám đốc trung tâm CDC một số tỉnh như Hưng Yên, Nghệ An, Bắc Giang… đều khẳng định không nhận bất kỳ quà hay khoản “hoa hồng” trái quy định nào từ Công ty Việt Á.
Tuy nhiên, kết quả điều tra lại đi ngược lại với những lời khẳng định đó và những người này đều đã bị cơ quan chức năng khởi tố. Trước đây, đã từng có không ít cán bộ phát ngôn thể hiện sự “trong sạch”, đấu tranh đến cùng với các hành vi vi phạm pháp luật.
Trước những phát ngôn đó, dư luận kỳ vọng rằng trên cương vị mình công tác, những người này sẽ cống hiến hết mình cho đất nước. Tuy nhiên, không lâu sau đó, họ lại làm ngược với lời nói của mình, trở thành đối tượng vi phạm pháp luật. Hẳn nhiều người còn nhớ trước đây, một số tờ báo đã hết lời khen ngợi ông Trần Hùng - thời điểm bị khởi tố là Tổ trưởng Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường về những phát ngôn thẳng thắn liên quan đến các hành vi chống tiêu cực. Vậy nhưng chỉ một thời gian sau, ông Hùng lại bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến vụ án tiêu thụ hơn 3 triệu sách giả (lớn nhất trong cả nước từ trước đến thời điểm bị phát hiện). Mới hay, với một số cán bộ, lời nói thật khác xa với việc làm!
5 đức tính cần có của mỗi con người là “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” luôn được người đời coi trọng, trong đó chữ “tín” có nghĩa là thực hiện đúng như lời đã nói ra. Đối với những người có vị trí, “vai vế” trong xã hội lại càng cần phải coi trọng và bảo đảm thống nhất giữa lời nói, hành động. Nhất là trong bối cảnh xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, bất cứ lời nói, phát ngôn nào của cán bộ khi đã được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng dễ trở thành tiêu điểm của dư luận. Đồng thời đó cũng là bằng chứng để người dân theo dõi, giám sát lời nói và việc làm của họ có phù hợp, nhất quán với nhau hay không. Không thể có cán bộ tốt nếu “nói một đằng, làm một nẻo”.
Trên thực tế, trong xã hội có rất nhiều người không cần hô hào khẩu hiệu vẫn âm thầm làm những việc thiện giúp đời. Vẫn còn đó những tấm gương sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư, lao vào tâm dịch để sớm đẩy lùi COVID-19; vẫn còn đó những người lính nơi biên giới ngày đêm canh cho Tổ quốc bình yên hay nhiều cá nhân thầm lặng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Họ luôn chọn lấy khó khăn, gian khổ về mình bằng những việc làm cụ thể chứ không phải bằng lời nói suông. Bác Hồ từng căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Với mỗi cán bộ, đảng viên thì “lời nói đi đôi với việc làm” rất quan trọng và cần thiết, vì cán bộ là gốc của mọi công việc, là những tấm gương để quần chúng noi theo.
Điều đáng lo ngại là trên thực tế, không ít người có chức, có quyền chỉ nói mà không làm, chỉ hứa hão mà không thực hiện. Có những đại biểu khi vận động tranh cử thì nói hay nhưng khi trúng cử thì không thực hiện lời hứa của mình với cử tri. Tuy không phải những ai “nói một đằng, làm một nẻo” đều dính đến pháp luật nhưng việc nói suông, hứa suông ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào thể chế chính trị, bộ máy công quyền và những người giữ vai trò “cầm cân nảy mực” trong xã hội.
Do đó, thước đo cơ bản để đánh giá phẩm chất, năng lực và uy tín của từng người vẫn thể hiện ở công việc mà người đó đã và đang làm. Làm ở đây còn bao hàm cả việc tự giác rèn luyện, tu dưỡng để bảo vệ danh dự và hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên trong lòng Nhân dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)