Thi tuyển cán bộ là chủ trương lớn của Đảng nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài.
Từ năm 2017, Bộ Nội vụ đã thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng. Sau hơn 3 năm thực hiện, có 12/14 cơ quan trung ương được chọn thí điểm đề án tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng với 42 ứng viên trúng tuyển; 17/22 địa phương được chọn thực hiện đề án tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng với 368 ứng viên trúng tuyển.
Việc thi tuyển mặc dù đang ở giai đoạn thí điểm nhưng đã mang lại kết quả khả quan, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước. Việc đổi mới cách thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo bằng hình thức thi tuyển tạo ra nét mới trong việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo với nhiều ưu điểm so với cách làm truyền thống.
Đó là mở rộng được đối tượng, cán bộ, công chức, viên chức trẻ cũng có thể tham gia thi tuyển; quy trình, thủ tục rõ ràng hơn; hạn chế được tiêu cực, nhất là chuyện chạy chức, chạy quyền, nâng đỡ “không trong sáng”, xóa bỏ tư duy “sống lâu thành lão làng”…
Đối với tỉnh Quảng Trị, thời gian qua công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói chung cơ bản đi vào nền nếp, được thực hiện theo đúng các quy định trung ương và của tỉnh, đảm bảo nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình trên cơ sở mở rộng, phát huy tối đa dân chủ đi đôi với sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của BTV Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp.
Nhờ đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cán bộ được bổ nhiệm cơ bản thể hiện được vai trò cá nhân, cùng với tập thể lãnh đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục chỉ đạo, tham mưu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế, đó là nguồn cán bộ để bổ nhiệm phần lớn là trong cơ quan, đơn vị, chưa mở rộng nhân sự từ bên ngoài; chưa tạo được đột phá trong phát hiện, lựa chọn cán bộ trẻ, được đào tạo chính quy, cơ bản ở trong và ngoài nước, có năng lực nổi trội trong thực tiễn.
Mặt khác, việc bổ nhiệm thông qua quy trình 5 bước có nơi tính dân chủ chưa được phát huy đầy đủ; có đơn vị còn gắn việc bổ nhiệm với thực hiện chính sách đối với cán bộ, nhất là cán bộ công tác lâu năm nên chưa tạo được sự đổi mới, hiệu quả trong công tác bổ nhiệm cán bộ.
Ngày 23/8/2021, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức kỳ thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, mở đầu cho việc thực hiện Kế hoạch số 13 ngày 31/3/2021 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về “Thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh cấp phó các cơ quan thuộc UBND tỉnh”. Đây là nét mới trong công tác cán bộ của tỉnh, được dư luận đồng tình ủng hộ, với kỳ vọng lựa chọn được người có đủ phẩm chất, năng lực để bố trí giữ chức vụ lãnh đạo cấp sở.
Trong lần thí điểm này, tỉnh Quảng Trị thực hiện thi tuyển 2 chức danh Phó Giám đốc Sở Công thương và Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Người tham gia thi tuyển 2 vị trí trên phải đảm bảo đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, có trong quy hoạch chức danh thi tuyển, quy hoạch chức danh tương đương hoặc cao hơn với chức danh thi tuyển trong giai đoạn 2020 - 2025.
Những người có quy hoạch chức danh tương đương phải có chuyên ngành đào tạo phù hợp và phải được quy hoạch trong các cơ quan, đơn vị cùng khối, ngành, lĩnh vực với chức danh thi tuyển; trường hợp đặc biệt do BTV Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Quá trình thi tuyển, thí sinh sẽ trải qua 2 vòng thi gồm xây dựng đề án, lựa chọn chủ đề bằng bốc thăm, trình bày và bảo vệ đề án. Người trúng tuyển là người có điểm số cao nhất trong số những người đạt 50 điểm trở lên (điểm thi được chấm theo thang điểm 100). Trường hợp nhiều người cùng có tổng điểm thi cao nhất bằng nhau thì BTV Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Sau khi xác định người trúng tuyển, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ hoàn thiện hồ sơ nhân sự, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, thẩm định, trình BTV Tỉnh ủy về tiêu chuẩn chính trị. Căn cứ vào kết quả thi tuyển, tiêu chuẩn, điều kiện, BTV Tỉnh ủy sẽ thực hiện các quy trình và quyết định việc bổ nhiệm cán bộ.
Mục tiêu của việc thí điểm thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Phó Giám đốc Sở Công thương lần này bên cạnh việc phát hiện, tuyển chọn, thu hút những người có đức, có tài, có trình độ năng lực để bổ nhiệm, kiện toàn chức danh lãnh đạo quản lý và nâng cao chất lượng cán bộ của hai đơn vị trên còn góp phần nâng cao mặt bằng cán bộ của tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Tạo điều kiện, cơ hội, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho nhiều đối tượng trong việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, khắc phục tình trạng khép kín trong nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thi tuyển cũng tạo động lực để cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ trẻ phấn đấu, rèn luyện, học tập và có cơ hội thể hiện mình.
Có thể nói, việc thí điểm thi tuyển 2 chức danh lãnh đạo trên sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh rút kinh nghiệm, sớm ban hành quy định, quy chế mở rộng việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh, qua đó lựa chọn cán bộ giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, kỳ vọng tạo cơ hội cho cán bộ trẻ có khát vọng, năng lực, trí tuệ thể hiện và khẳng định bản thân. Từ đó, tỉnh có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trong tương lai.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)