Làm giấy tờ giả, đi tù thật

Hoài Nam |

Từ một cán bộ công an huyện, bị cáo đã đánh mất tương lai, sự nghiệp vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Từ đầu tới cuối phiên tòa, bị cáo liên tục đưa tay gạt nước mắt. Với bản án 9 năm tù của hai tội danh trên, bị cáo không những phải trả giá bằng năm tháng dài sau song sắt mà còn không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ khi chừng đó thời gian không ở cạnh để chăm sóc, nuôi dạy con nên người.

Thời gian qua, nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn giả danh người có chức vụ cao trong ngành quân đội, công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đã bị trừng trị theo pháp luật để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Thủ đoạn chung của những đối tượng này là thường lợi dụng uy tín, sự tin yêu của người dân đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an để tạo dựng lòng tin, từ đó tìm cách lừa đảo người dân khi có cơ hội.

Vậy nhưng trong vụ án này, đối tượng lừa đảo chính là cán bộ công an. Điều này quả thực xót xa cho bị cáo và cho nhiều người dân khi chứng kiến sự sa ngã của người mà lẽ ra họ phải đặt trọn niềm tin ở đó.

Một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác bị Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử -Ảnh: H.N
Một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác bị Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử -Ảnh: H.N

Con đường dẫn dắt bị cáo đến với phiên tòa hôm nay bắt đầu từ con số nợ 300 triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến số nợ nần này không rõ là vì đâu nhưng với thu nhập ổn định từ đồng lương của một cán bộ công an huyện, lại chỉ mới có một đứa con thì cuộc sống cũng không đến nỗi chật vật.

Không hiểu vì sao bị cáo lại túng quẫn chuyện tiền nong để rồi từ đó dẫn tới một loạt sai phạm sau này. L. (tên viết tắt của bị cáo) nợ người khác 300 triệu đồng nhưng mãi không trả khiến người này dọa báo cáo sự việc lên cơ quan nơi bị cáo công tác.

Vì lẽ đó, bị quay sang mượn tiếp một người khác là bà H. để trả nợ nhưng bà này không cho, chỉ gợi ý rằng nếu có đất bán thì sẽ mua. Đem câu chuyện nợ nần kể với một người quen biết trên mạng xã hội tên Q., người này lại tiếp tục gợi ý cho bị cáo làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả bán cho bà H. để có tiền trả nợ.

Lẽ ra, là một cán bộ trong ngành công an, bị cáo phải hiểu hơn ai hết về cái giá phải trả của hành vi vi phạm pháp luật này. Số tiền 300 triệu đồng tuy nhiều nhưng bị cáo có thể vay mượn thông qua các ngân hàng và hệ thống tín dụng tại địa phương rồi trả dần.

Vậy nhưng không hiểu tại sao, từ gợi ý của Q., bị cáo lại cho rằng đó là một “lối thoát” để giúp mình thoát khỏi nợ nần.

Thông qua Q., bị cáo được giới thiệu với một người tên P. rồi đưa ra yêu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang tên bị cáo với kích thước 7,5x20, diện tích đất 150 m2 (là lô đất mà bị cáo biết trước đó). Tiền công mà L. trả cho người làm giấy tờ giả là 11 triệu đồng.

Sau khi có giấy tờ giả, bị cáo liên lạc với bà H. rao bán lô đất nói trên với giá 350 triệu đồng rồi hai bên đi làm thủ tục công chứng. Theo thỏa thuận giữa hai bên, bị cáo được nhận trước 300 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ được thanh toán khi bà H. nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình.

Sau khi nhận số tiền 300 triệu đồng, L. đến phòng công chứng lấy hồ sơ cùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả rồi đưa cho Q. để tiếp tục đặt mua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang tên bà H. Vậy nhưng lần lừa mãi đến 5 tháng sau, kể từ nhận được tiền mua đất, L. vẫn chưa đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả cho người mua.

Tuy nhiên, thấy không thể trì hoãn được mãi, L. tiếp tục đặt vấn đề với Q. và được Q. giới thiệu với một người có tên trên zalo là “sổ đỏ, sổ hồng”. Cũng như lần trước, bị cáo yêu cầu người này làm giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang tên bà H. và trả tiền công.

Nhưng “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, mặc dù thủ đoạn làm giả giấy tờ của các đối tượng rất tinh vi, lại qua được khâu công chứng nhưng không vì thế mà trót lọt. Chỉ một thời gian ngắn sau, bà H. nghi ngờ hành vi của L. có dấu hiệu sai trái nên đã tố cáo lên cơ quan chức năng.

Một chuỗi hành vi nối nhau trong khoảng thời gian khá dài, vậy nhưng bị cáo không hề chùn tay mà cố đi đến cùng. Giá như, ở một mốc thời gian nào đó, khi tĩnh tâm trở lại, bị cáo suy nghĩ thấu đáo hơn mà dừng lại trước khi hậu quả xảy ra, thì bây giờ cuộc sống của bị cáo vẫn yên ổn. Những giọt nước mắt và nỗi ân hận ngập tràn tại phiên tòa không thể làm giảm đi mức án phạt mà tòa tuyên đối với bị cáo.

Nhìn về phía người thân và đứa con thơ bé bỏng năm nay mới chỉ lên 5, ánh mắt bị cáo cứ đau đáu nỗi niềm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khởi tố nhóm đối tượng buôn bán thuốc chữa COVID-19 giả

Gia Hân |

Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam với các đối tượng vụ sản xuất thuốc điều trị COVID-19 giả trên địa bàn.

Vĩnh Linh: Trao tặng giải thưởng “Bông Sen Hồng” cho 42 cá nhân tiêu biểu

Nguyên Đồng |

Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954-2021), hôm nay 25/8/2021, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức Lễ trao tặng giải thưởng “Bông Sen Hồng” lần thứ XIV nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực của các cá nhân xuất săc trong phong trào “ Học hay- Làm sáng tạo- Sống văn hóa” trên địa bàn.

Đẩy mạnh giải ngân 290 nghìn tỉ vốn đầu tư công

PV |

Số liệu Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm 2021 đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 ở mức 40,67%. Trong đó, vốn trong nước đạt 40,38% trong khi cùng kỳ đạt 44,05%; vốn nước ngoài đạt 7,52% trong khi cùng kỳ là 17,15%.

Các ngân hàng thương mại không chịu giảm lãi cho vay

Thanh Mai |

Các ngân hàng vẫn không giảm lãi suất để chia khó với khách vay, dù đạt lợi nhuận khủng.