Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Trị vừa phối hợp với Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam và các địa phương trong tỉnh tổ chức diễn đàn lấy ý kiến trẻ em năm 2021 bằng hình thức trực tuyến với chủ đề: “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”.
Tại diễn đàn này, 500 trẻ em đại diện cho 183.024 trẻ em Quảng Trị (có độ tuổi từ 7 - 18) được lấy ý kiến về các nội dung: Bạo lực thân thể, bạo lực trên môi trường mạng và bảo vệ trẻ em kịp thời trong bối cảnh COVID - 19.
Đối với vấn đề sử dụng internet, câu hỏi đặt ra tại diễn đàn lần này là những rủi ro nào trẻ em có thể gặp phải trên môi trường mạng và các em có được tập huấn để trang bị kiến thức tự bảo vệ bản thân hay không? Đa số trẻ em được lấy ý kiến đều bày tỏ rằng việc sử dụng internet trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là điều cần thiết, giúp cho việc học tập, vui chơi, giải trí của các em trở nên thuận lợi hơn.
Đề cập đến yếu tố rủi ro, nhóm học sinh ở huyện miền núi Hướng Hóa cho rằng, rủi ro mà các em có thể mắc phải trên môi trường mạng là bị bắt nạt, trộm thông tin, ảnh hưởng về mặt tâm lý và bị xâm hại. Nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do COVID - 19, nhóm trẻ này cho rằng vấn đề sử dụng internet không an toàn ở trẻ em diễn ra với xu hướng tăng. Thời gian ở nhà khiến trẻ dành nhiều thời gian vào internet, xem các hình ảnh, kênh video không lành mạnh; không chú trọng việc học, lợi dụng việc học online để làm việc riêng hay chơi game. Tuy ý thức được những rủi ro mang lại nhưng nhiều ý kiến lại khẳng định rằng chưa được tập huấn về kỹ năng bảo vệ bản thân an toàn trên môi trường mạng.
Với nội dung cài đặt quyền riêng tư và quản lý tài khoản, đây là một nội dung quan trọng để có thể quản lý tốt nhất tài khoản internet và các thông tin của người dùng trên mạng, tuy nhiên chỉ có 59% trẻ em được hỏi nói rằng đã từng được học về kỹ năng này. Ý kiến thảo luận nhóm Đông Hà cho rằng: Mặc dù nhà trường vẫn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về an toàn mạng, cách tham gia và sử dụng mạng đúng cách nhưng không được học sinh quan tâm nhiều vì nội dung tuyên truyền không sinh động, chỉ thiên về lý thuyết chứ chưa thực tế.
Từ góc nhìn của mình về vấn đề trên, các em đã đưa ra những giải pháp để hạn chế thấp nhất rủi ro trên môi trường mạng như: Cần tập huấn kỹ năng và tuyên truyền cho gia đình, học sinh nhận biết rủi ro trên mạng xã hội; ba mẹ cần quan tâm và kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội của con. Trong thời điểm COVID - 19 diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến cũng sẽ khiến học sinh ở một số vùng, miền thường xuyên tiếp xúc với máy tính. Do đó, các em đề nghị trường học nên sử dụng phần mềm có bản quyền được cung cấp bởi các doanh nghiệp có uy tín, không nên sử dụng phần mềm miễn phí, có các lỗ hổng bảo mật dễ gây mất an toàn.
Qua việc lấy ý kiến trẻ em về vấn đề an toàn trên mạng cho thấy kiến thức, kỹ năng của trẻ em Quảng Trị về an toàn mạng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với trẻ em vùng cao. Các hoạt động giáo dục, truyền thông về an toàn mạng đang được triển khai chưa thu hút được trẻ em tham gia học tập và tìm hiểu. Đối tượng được truyền thông mới chỉ chú trọng đến trẻ em, trong khi người lớn cũng là một nhóm đối tượng cần được hiểu để có thể đồng hành với trẻ trên môi trường internet.
Về vấn đề bạo lực, một số ý kiến chia sẻ mình đã từng bị hay chứng kiến trẻ em khác bị bạo lực trong gia đình hoặc ở trường học dưới hình thức mắng chửi, sỉ nhục, đánh đập bằng roi hoặc dùng tay, chân. Một số ý kiến đưa ra nguyên nhân như sau: “Thời gian giãn cách, bố mẹ không có việc làm, kinh tế khó khăn nên thường cãi nhau và đổ lỗi, đánh đập con trẻ (H., học sinh lớp 7, Trường TH&THCS Hải Hòa); “Các bậc cha mẹ thường “giận cá, chém thớt”; “do con cái không vâng lời bố mẹ nên bị đánh đập” (nhóm Gio Linh); “Bố say xỉn, về cầm dao rượt con chạy quanh nhà” (nhóm Triệu Phong).
Và đưa ra ý kiến chung rằng: Dù nặng hay nhẹ thì bạo lực luôn làm tổn thương tinh thần và thể xác trẻ. Không chỉ nghe và thấy, khi được hỏi ý kiến nhìn thấy sự việc trên sẽ làm gì, có 63,7% trẻ cho rằng tìm kiếm sự trợ giúp từ người thân trong gia đình, 47,8% sẽ tìm kiếm sự trợ giúp từ thầy, cô giáo; 41,5% sẽ tìm đến cán bộ bảo vệ trẻ em của xã, phường và tỉ lệ trẻ tìm kiếm đến tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là 26,1%, đường dây nóng của cơ quan công an 113 là 27,6%.
Với các ý kiến thu được tại diễn đàn cho thấy tình trạng trẻ em bị bạo lực về thân thể diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Vấn đề này xuất hiện ở nhiều nơi, từ gia đình đến trường học và ngoài cộng đồng. Việc người lớn sử dụng bạo lực để giải quyết những vấn đề liên quan đến con cái vô tình tạo nên “vòng tròn bạo lực” khi trẻ em vừa có thể là nạn nhân, vừa là người gây ra các hành vi bạo lực thân thể đối với người khác. Điều mà các em mong muốn là người lớn hãy kiềm chế cơn nóng giận của mình, bình tĩnh để trao đổi với con, tránh bạo lực xảy ra làm tổn thương con trẻ. Đối với nhà trường nên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa để tuyên truyền về Luật Trẻ em; gặp gỡ trao đổi trực tiếp với phụ huynh hay có hành động bạo hành trẻ em để tìm giải pháp khắc phục.
Ngoài vấn đề an toàn trên mạng, các nhóm học sinh còn phản ánh thêm một số vấn đề về trẻ em cần được quan tâm tại địa phương mình như nạn tảo hôn, bị lôi kéo sử dụng ma túy, thuốc lá, rượu bia khi còn nhỏ, trộm cắp vặt (nhóm học sinh Hướng Hóa). Hay ở huyện Đakrông, tình trạng học sinh hút thuốc lá xảy ra đối với cả học sinh nam và nữ, tập trung nhiều ở khối lớp 7, 8. Đáng nói là một số bạn thường lén lút ra nhà vệ sinh hút; cùng rủ nhau mua thuốc lá điện tử trên mạng về hút (nhóm ý kiến của học sinh huyện Đakrông).
Những ý kiến được trẻ em nêu tại diễn đàn lấy ý kiến trẻ em năm 2021 đều là những vấn đề được trẻ quan tâm. Việc đưa ra giải pháp và mong muốn đối với các cấp chính quyền cũng là nguyện vọng rất chính đáng của các em. Diễn dàn cũng là dịp để ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương, đơn vị nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trẻ em, từ đó có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền trẻ em theo luật định; có thêm cơ sở thực tiễn để đề xuất giải quyết các vấn đề trẻ em đang đối diện; thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các chính sách có liên quan đến trẻ em một cách hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng phòng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới cho biết: Lắng nghe để hiểu và hành động bảo vệ trẻ em trong môi trường thiên tai, dịch bệnh là một trong những thông điệp mà diễn đàn trẻ em năm 2021 đặt ra. Trong điều kiện COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức hoạt động tham vấn, lấy ý kiến trẻ em tỉnh Quảng Trị bằng hình thức trực tuyến đã tạo cơ hội để trẻ em được thực hiện quyền tham gia và nói lên tiếng nói của mình. Đồng thời, diễn đàn cũng trang bị kỹ năng thực hành xã hội, nâng cao nhận thức cho trẻ em về vai trò, trách nhiệm đối với bản thân và quê hương, từ đó không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi kiến thức, đạo đức để xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)