Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Có những việc rất cụ thể phải làm, đó là thu hồi xe cũ nát, không sử dụng than tổ ong.
Nếu chịu khó quan sát các phương tiện lưu thông ở hai thành phố Hà Nội và TPHCM, sẽ thấy có rất nhiều xe máy, ôtô cũ nát. Có không ít xe máy không có luôn biển kiểm soát, còn xe chở đất đá, vật liệu xây dựng thì giống như một đống rác kim loại phế thải đang di chuyển trên đường...
Cùng với những đống rác di động này là những ống xả khói dày đặc, nhiều chiếc cộng lại thì không thua gì khói xả ra từ các nhà máy. Thử hỏi, bầu không khí của hai đô thị này không ô nhiễm sao được.
Tháng 9.2020, tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual) áp dụng cách tính AQI của Mỹ xếp hạng Hà Nội đứng thứ 5 trong số 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới...
Hà Nội lọt vào “tóp phai” như trên, ngoài các loại gây ô nhiễm môi trường thường thấy ở các thành phố khác, còn có một thứ rất “đặc sản”, đó là than tổ ong. Cho dù đã giảm từ 56.670 bếp than tổ ong năm 2017, còn 15.418 bếp vào tháng 6.2020, thì vẫn còn số lượng quá cao.
Biết được hai “kẻ thủ ác” với môi trường là phương tiện giao thông cũ nát và than tổ ong, thì chỉ còn cách duy nhất là loại trừ nó, thanh toán nó.
Các cơ quan có thẩm quyền, căn cứ vào các quy định của pháp luật, xử lý ngay. Cố gắng bằng mọi giá, hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2021.
Dẹp các phương tiện cũ nát, không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn dẹp các đống phế liệu di động, làm cho đô thị đẹp hơn, văn minh hơn.
Còn nữa, chính các loại xe cũ nát này là mối đe dọa về tai nạn giao thông. Dẹp hết những thứ này, cũng sẽ kéo giảm tai nạn giao thông.
Nhưng xa hơn, bền vững hơn, đó là xây dựng hệ thống phương tiện giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường, để người dân lựa chọn, thay thế phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy.
Cả hai thành phố lớn đều "tuyên bố" dẹp bỏ dần xe máy, nhưng cho đến nay, mọi phương án vẫn còn nằm trên giấy.
(Nguồn: Báo Lao Động)