Trong kỷ nguyên số, với sự ra đời và phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông trên nền tảng internet như các mạng xã hội, thế giới ngày càng phẳng hơn, kết nối hơn trong trao đổi, tương tác thông tin.
Các cơ quan báo chí những năm qua cũng đã khai thác mạng xã hội để lan tỏa, định hướng thông tin, mở ra kênh tương tác với bạn đọc, người nghe/xem phát thanh, truyền hình. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội cũng có những trang cá nhân, tổ chức đưa thông tin xấu, độc; thông tin chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, những người bất mãn, cơ hội chính trị. Nguy hại hơn có một số người làm báo sử dụng mạng xã hội vào mục đích phi nghề nghiệp; có những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng; thậm chí có trường hợp vi phạm 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.Thực tế những năm qua, bên cạnh số đông đội ngũ những người làm báo biết rèn luyện, giữ gìn đạo đức trong sáng, luôn dấn thân cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp báo chí phục vụ công chúng rộng rãi thì vẫn còn tồn tại một số người làm báo suy thoái về phẩm chất, đạo đức. Theo báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, trong năm 2021, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp trung ương đã xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trong đó có một số vụ việc hội viên, phóng viên bị bắt vì chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản.
Trong thực tế ở đây đó, có trường hợp là phóng viên, hội viên hội nhà báo nhưng lại sử dụng mạng xã hội để phát ngôn thiếu chuẩn mực, có khi còn dùng mạng xã hội để công kích, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để phục vụ cho lợi ích bản thân, làm ảnh hưởng đến cơ quan báo chí nơi người đó làm việc. Cũng có một số người đưa nhiều vấn đề nhạy cảm lên mạng xã hội một cách thiếu kiểm chứng gây tác hại đến cộng đồng, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Khi bị người quản lý phê bình, nhắc nhở, họ còn không nhận ra, cho rằng trang cá nhân của mình thì muốn đưa gì thì đưa, không ai có thể can thiệp được, trong khi đó là những thông tin vi phạm pháp luật và ở góc độ đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, đó là những thông tin không được đăng, chia sẻ, bình luận…
Những biểu hiện vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp, vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam như đã đề cập nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ gây nên những hệ lụy khó lường, làm ảnh hưởng đến thanh danh những người làm báo Việt Nam. Cùng với sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện của một số cá nhân người làm báo bị sa ngã, bị suy thoái đạo đức cũng cần thấy được vai trò của các cấp hội nhà báo.
Trong thực tế, việc tổ chức quán triệt, thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, đặc biệt là Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo ở một số tổ chức hội chưa nghiêm túc, còn mang tính hình thức, do đó vẫn còn trường hợp hội viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của báo chí và tổ chức hội; không ít trường hợp hội viên của một số cấp hội bị thu hồi thẻ và bị xử lý về hình sự. Điều này đặt ra vấn đề các cấp hội nhà báo cần phải đề cao trách nhiệm giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức và quản lý hội viên.
Như chúng ta đã biết, trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam (có hiệu lực năm 2017) có Điều 5 quy định rõ người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Còn Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam khuyến khích người làm báo sử dụng tài khoản mạng xã hội của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước; đăng tải, bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.
Quy tắc này xác định rõ những việc người làm báo không được làm khi tham gia mạng xã hội, trong đó nhấn mạnh không được đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết, đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác.
Không được thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc thi hành công vụ; gây thiệt hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân… Đó là những vấn đề cơ bản mà người làm báo cần nắm vững để tránh vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật.
Được biết, trong thời gian tới Hội Nhà báo Việt Nam cùng các cơ quan báo chí Trung ương sẽ tổ chức phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Để có môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí thì mỗi một người làm báo phải có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng; chấp hành nghiêm Luật Báo chí nói riêng và chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung. Đã là phóng viên, hội viên hội nhà báo thì phải thực hiện nghiêm túc 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Mặt khác, người làm báo phải tận tụy, trách nhiệm với công việc; chuyên nghiệp, trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, không sa ngã trước cám dỗ, giữ gìn phẩm chất, tư cách của người làm báo. Quá trình tác nghiệp phải tôn trọng quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức. Trong tác phẩm cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, người làm báo phải thể hiện quan điểm đúng đắn, tích cực; nêu cao tính nhân văn.
Trong kỷ nguyên số, người làm báo phải tích cực rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp; thường xuyên trau dồi nâng cao kiến thức, trình độ, thúc đẩy chuyển số trong hoạt động nghiệp vụ; nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền báo chí giàu tính chiến đấu, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)