Người đứng đầu phải sâu sát cơ sở

Hoài Nam |

Sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong Nhân dân là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là phương pháp, tác phong công tác không thể thiếu của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, một số cán bộ, đảng viên lại chưa thực sự chú trọng đến điều này.

Trong một chuyến công tác đến các xã miền núi trên địa bàn tỉnh để viết bài về chủ trương xóa đói giảm nghèo của địa phương, ấn tượng về một cán bộ xã người Vân Kiều sâu sát với thực tiễn, gần gũi với người dân khiến chúng tôi nhớ mãi. Người cán bộ này thuộc thế hệ 8x, là phó chủ tịch của một xã miền núi đặc biệt khó khăn.

Mặc dù mới được chuyển vị trí công tác mới chưa lâu nhưng anh nắm công việc rất chắc chắn, từ chủ trương của huyện, của xã đến việc triển khai trên thực tế ở địa phương do mình quản lý. Khi về với dân, anh lại có phong cách gần gũi, thân thiện, được người dân chia sẻ về công việc, cuộc sống cũng như tiến độ thực hiện dự án xóa đói giảm nghèo được địa phương triển khai.

Cũng với nội dung đó, nhưng khi làm việc với một xã miền núi khác, chúng tôi lại có ấn tượng ngược lại. Người đứng đầu của xã này so về tuổi đời, tuổi nghề đều hơn phó chủ tịch xã mà chúng tôi đề cập ở trên, lại phụ trách địa bàn có điều kiện tương đối thuận lợi so với các xã miền núi khác trên địa bàn.

Vậy nhưng khi được hỏi về quá trình thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo theo đề án của huyện, người này lại lúng túng, đụng đâu gọi bộ phận giúp việc đến đó. Đáng nói là bộ phận giúp việc cũng lúng túng không kém, ai cũng lấy lý do mới tiếp quản công việc nên chưa nắm rõ.

Thậm chí khi hỏi đến mô hình sản xuất giỏi của địa phương, người đứng đầu chính quyền xã cũng không nhớ hộ để giới thiệu khiến chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Mới hay, cùng một chủ trương lớn nhưng khi về xã, nếu lãnh đạo nào nắm người, nắm việc, sâu sát với thực tiễn thì ở xã đó, việc triển khai sẽ hiệu quả và thực chất hơn.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác Hồ từng viết: “Nếu mỗi cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”. Cán bộ, đảng viên làm việc “đúng hơn, khéo hơn” bao hàm nhiều nội dung, yêu cầu, trong đó có yêu cầu sâu sát cơ sở, nắm người nắm việc, nắm tình hình cụ thể. Đối với người đứng đầu, tiêu chí này cần được đưa lên hàng đầu vì chỉ sâu sát cơ sở thì từ đó mới nắm bắt tình hình cụ thể và xử lý thông tin khoa học, kịp thời.

Đây không phải là tiêu chí mới đối với cán bộ, cũng không phải là một yêu cầu quá khó khăn, đáng tiếc một số cán bộ, đảng viên vẫn chưa thực sự chú trọng. Khi kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ những biểu hiện quan liêu, cửa quyền, xa rời quần chúng, chưa sâu sát thực tế, thiếu kiểm tra, đôn đốc, nắm không chắc tình hình nên bị động trong việc xử lý các vấn đề nảy sinh ở cơ sở của một số cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng đã chỉ ra: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở...”.

Trên thực tế không khó để nhận thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý đứng đầu cơ quan, đơn vị, kể cả một số cán bộ cao cấp, mắc bệnh “quan liêu”, “xa dân”, thiếu sâu sát cơ sở, đánh giá không đúng tình hình nên hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo không kịp thời, kém hiệu quả.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải chú trọng học tập, rèn luyện phong cách lãnh đạo, quản lý; chú trọng nêu gương về phẩm chất, lối sống, đạo đức cách mạng; vừa có tầm nhìn xa, vừa sâu sát thực tiễn.

Nếu không sâu sát thực tiễn thì dễ dẫn đến bệnh chủ quan, duy ý chí, không nắm bắt thời cơ để hành động và đưa ra những quyết định đúng đắn trong mọi tình huống, nhất là trong những tình huống phức tạp, khó khăn.

Khi cán bộ sâu sát cơ sở, gần gũi với dân, biết dựa vào dân thì sẽ phát huy sức mạnh của Nhân dân để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đối với các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, việc người đứng đầu sâu sát cơ sở, nắm vững thực tiễn không những giúp họ đưa ra những quyết định đúng đắn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ mà đây còn là động lực, niềm tin để người dân nỗ lực vượt khó.

Để có phong cách lãnh đạo sâu sát, người đứng đầu phải dành thời gian đi cơ sở, trực tiếp trao đổi, đối thoại với người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức… từ đó tránh được bệnh quan liêu, hạn chế tình trạng ra các chỉ đạo thiếu tính thực tiễn, duy ý chí. Điều này còn giúp cán bộ gần dân, sát dân để lắng nghe tiếng nói của dân.

Trở lại câu chuyện đề cập trên, ở đây việc nắm người, nắm việc và sâu sát thực tế không chỉ là câu chuyện về một vấn đề cụ thể mà rộng ra là cách giải quyết công việc của người đứng đầu của một địa phương. Chỉ với một vấn đề được hỏi là xóa đói giảm nghèo mà người đứng đầu đã lúng túng, không đưa ra được phần việc và số liệu cụ thể để chứng minh cho quá trình triển khai của địa phương mình thì với những lĩnh vực khác liệu có nắm rõ?

Thực tế cho thấy, bất cứ một cán bộ, đảng viên nào, trong lĩnh vực mình phụ trách, nếu nắm vững chuyên môn, kết hợp với sâu sát thực tế thì sẽ đưa ra được những giải pháp triển khai hiệu quả và ngược lại. Do đó, cần xem phong cách sâu sát cơ sở, nắm bắt thực tiễn là một tiêu chí và yêu cầu cần thiết trong quy hoạch, đề bạt cán bộ giữ vị trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Người Việt chi hàng nghìn tỷ đồng cho trà sữa mỗi năm, đứng top đầu Đông Nam Á

Thanh Mai |

Việt Nam đứng thứ 3 với 362 triệu đô la Mỹ (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng), cao hơn Singapore (đứng thứ 4) với 342 triệu đô la (khoảng 8.000 tỷ đồng).

Việt Nam đứng thứ 3 trong số 54 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Lào

PV |

Trong năm 2022, hai nước phấn đấu nâng tổng kim ngạch thương mại lên 10-15% theo mục tiêu hai bên đã thống nhất trong giai đoạn 2021-2025.

Giá xăng tại Việt Nam vượt 31.000 đồng/lít, đứng ở đâu so với các nước Đông Nam Á?

Thanh Mai |

Giá xăng của Việt Nam (1,389 UDS/lít) đang thấp hơn giá xăng của Campuchia (1,392 USD/lít), Thái Lan(1,541 USD/lít)...

Giải ngân vốn đầu tư công chậm và trách nhiệm của người đứng đầu

Trương Quang Hiệp |

Cuối tháng 4/2022, Bộ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ thông tin tình hình giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương trên toàn quốc. Trong văn bản này, một con số liên quan đến Quảng Trị là tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước là 18,48%.