Nhiều ý kiến trái chiều về việc lùi giờ vào học

Thanh Mai |

Theo ý kiến của một số phụ huynh cũng như các trường, việc học sinh phải vào lớp lúc 7 giờ hay 7 giờ 15 phút là quá sớm.

Từ ngày 24.10, nhiều trường học trên địa bàn quận 12, TPHCM đã lùi thời gian vào học muộn hơn 15 - 30 phút so với thời gian hiện tại. Thời gian vào học của nhiều trường được điều chỉnh sang 7h15 hoặc 7h30 thay cho 7h vào học như trước. Một số trường tiểu học đã thực hiện điều chỉnh như: Trường Nguyễn Văn Thệ, Nguyễn Thị Định, Võ Thị Thừa, Nguyễn Khuyến, Võ Thuận Kiều...

Tuy vậy, một số trường lại vấp phải sự không đồng tình của phụ huynh khi điều chỉnh thời gian vào học. Các phụ huynh TP HCM tranh luận sôi nổi về thời gian vào học của học sinh TP. Có ý kiến cho rằng thời gian vào học của học sinh tiểu học quá sớm, có trường tổ chức học lúc 7 giờ, thậm chí sớm hơn là 6 giờ 45 phút, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Có ý kiến đề xuất lùi giờ đi học của trẻ em là 8h30-9h, một khung giờ phổ biến nhiều quốc gia khác.

(Ảnh: Mạnh Quân).
(Ảnh: Mạnh Quân).


Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lại cho rằng giờ vào học như trên là hợp lý, phù hợp với đa số phụ huynh hiện nay vừa đi làm vừa đưa con đi học. Đồng thời kiến nghị nên mở cửa trường sớm để nếu phụ huynh có nhu cầu đến sớm có thể đưa con vào trường.

Một số giáo viên, đại diện trường ở Hà Nội cũng có những ý kiến về việc này. Cô Lê Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay, học sinh của nhà trường đều bắt đầu tiết học lúc 7 giờ 45 phút. Trước đó 15 phút, các em đã phải có mặt để ổn định lớp học.

Buổi sáng, học sinh được ra chơi 20 phút. 10 giờ 45 phút, các em học xong tiết 4 rồi nghỉ ngơi, ăn trưa và đi ngủ đến 13 giờ 20 phút. Giờ học buổi chiều của các em bắt đầu từ 14 giờ đến 17 giờ. Buổi chiều, học sinh cũng có 15 phút ổn định lớp trước khi vào tiết học. Lịch học này đã được nhà trường triển khai nhiều năm nay. Tất cả phụ huynh đều ủng hộ vì giờ đi học và tan học của các con phù hợp với lịch trình của họ. Quan trọng hơn, học sinh có thể ngủ đủ giấc, có thời gian ăn sáng.

Cô Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Dư (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng cho rằng, học sinh nên được vào học từ 7 giờ 30 phút. Trước giờ học, các em còn phải xem lại bài vở, ổn định chỗ ngồi trong 15 phút. Theo cô Lan, vào học lúc 7 giờ hay 7 giờ 15 phút là sớm. Nhà trường cho học sinh vào học muộn hơn khung giờ đó nhưng thỉnh thoảng còn có em đi học muộn với lý do là ngủ quên. Đa số học sinh tự đạp xe đi học chứ bố mẹ không đưa đón. Nhiều phụ huynh phải đi làm sớm, không gọi con dậy được.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo của một trường tư thục tại Hà Nội cho rằng, hầu hết học sinh tiểu học và trung học cơ sở đã học bán trú. Nếu lùi giờ vào lớp buổi sáng thì nhà trường phải cắt bớt giờ nghỉ trưa để đảm bảo đủ thời gian dạy và học. Như vậy, học sinh sẽ không có đủ thời gian nghỉ ngơi.

Trong trường hợp đảm bảo đầy đủ giờ nghỉ trưa thì nhà trường phải lùi giờ vào học buổi chiều. Kết quả là thời gian tan học buổi chiều sẽ muộn hơn, khoảng 17 giờ, giờ này là giờ tan tầm dễ gây ảnh hưởng đến giao thông. Vị lãnh đạo này cho rằng, ở miền Bắc vào mùa đông, trời tối sớm. Nếu tan học muộn, học sinh sẽ về nhà trong thời tiết lạnh giá hơn vì trời đã tối.

Chia sẻ với Dân trí, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục-Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết càng ở cấp học nhỏ, chất lượng giấc ngủ càng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ và cảm xúc.

Đặc biệt giai đoạn dậy thì khi các em đang trải qua những tác động của yếu tố tâm sinh lý ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học. Do đó, thời gian biểu học tập buổi sáng quá sớm, chắc chắn các em sẽ thiếu ngủ và đến lớp trong trạng thái không hoàn toàn tỉnh táo.

Lãnh đạo một số phòng giáo dục và trường học cho rằng việc học sớm vất vả cho các phụ huynh, học sinh nhưng số đông phụ huynh vẫn ủng hộ, việc lùi giờ học là khó có thể thực hiện. Trao đổi với báo chí, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, cho biết hầu hết trường tiểu học trên địa bàn quận đều cho học sinh vào học lúc 7h30 và thời gian này là khá phù hợp.  Giờ vào học trễ hay sớm so với thói quen đi học của học sinh cũng còn lệ thuộc vào phụ huynh bởi có nhiều người đi làm xa thường đưa con đến trường sớm. 

“Với những học sinh học 2 buổi/ngày, khi bắt đầu ngày học vào lúc 7h30, nếu học 4 tiết (tính cả giờ ra chơi), phải sau 10h30, các em mới kết thúc buổi học để chuẩn bị cho việc ăn trưa, nghỉ trưa và làm các công tác khác trước khi vào học buổi chiều lúc 14h. Còn những học sinh học một buổi/ngày sẽ học 5 tiết buổi sáng nên cũng sau 11h mới kết thúc buổi học. Lúc đó, các em mới được đưa đón về nhà để ăn trưa, nghỉ ngơi", Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 Dương Văn Dân nói về thời khóa biểu của một học sinh tiểu học.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, cho hay học sinh trên địa bàn quận vào học các khung giờ từ 7h đến 7h15 và muộn nhất là 7h30 (tùy trường và tùy bậc học). Nếu 2 trường đối diện nhau cũng phải tính toán lệch giờ vào học, giờ ra về để hạn chế việc ùn tắc. Ông Tuyên cho rằng, việc quy định giờ học của học sinh hiện nay căn cứ vào các yếu tố xã hội, dân cư, đặc trưng, đặc thù của từng địa phương, yếu tố lệch giờ, lệch ca để hạn chế ùn tắc, kẹt giờ, kẹt xe, trật tự an toàn giao thông vào giờ cao điểm.

Ngày 23/10, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết giờ vào học của học sinh là câu chuyện liên quan đến nhiều yếu tố, phải tham khảo ý kiến của các nhà khoa học và các nội dung khác mới ra được mốc thời gian nên không thể có câu trả lời là ấn định giờ nào vào học. Tuy nhiên, Sở sẽ có hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, cụ thể giờ vào học của học sinh tiểu học là 7 giờ 30 phút. Với các bậc THCS và THPT, giờ vào học từ 7 giờ. Hạn chế và không đơn vị nào được tổ chức giờ vào học trước 7 giờ.

Trao đổi với Tuổi trẻ Online, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, cho biết, Sở không ấn định chung giờ vào học và ra về của trẻ mầm non, học sinh phổ thông các cấp, mà trao quyền tự chủ cho các trường, căn cứ vào điều kiện từng đơn vị. Theo lãnh đạo nhiều trường, giờ vào học còn phải tùy thuộc vào từng địa bàn, khu vực. Các trường tập trung ở khu công nghiệp, chế xuất cần có giờ vào học sớm để phụ huynh kịp đi làm; các khu vực văn phòng, công sở có thể sắp xếp giờ vào học trễ hơn. Một số trường giờ học vào sớm còn do vướng chương trình học. 

Việc điều chỉnh giờ vào học cũng có khó khăn khi bậc phổ thông đang dạy song song chương trình mới năm 2018 (khối 1, 2, 3, 6, 7, 10) và chương trình năm 2006 (các khối còn lại).

"Cái khó của các trường phổ thông hiện nay là đang giảng dạy song song hai chương trình. Cụ thể, trường tiểu học thì khối 1, 2, 3; trường THCS thì khối 6, 7; trường THPT thì khối 10 sẽ dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018; các khối lớp còn lại dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. 

Đó là chưa kể các trường phải sắp xếp nhiều loại hình lớp học khác nhau trong cùng một trường, một khối. Có lớp học 1 buổi/ngày, có lớp học 2 buổi/ngày và có lớp 2 buổi/ngày không bán trú… Mỗi lớp có số tiết học khác nhau cộng với các hoạt động giáo dục bổ trợ, hoạt động văn thể mỹ, câu lạc bộ..." - ông Quốc nói. 

Ngoài ra, cũng theo ông Quốc, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã chỉ đạo các trường phải thông tin rõ với cha mẹ học sinh vào đầu năm học về kế hoạch giáo dục, thời gian vào lớp - ra về. Các trường cũng sẽ tiếp nhận ý kiến đóng góp của phụ huynh cho kế hoạch này để có sự thống nhất giữa hai bên, bảo đảm thực hiện những điều tốt nhất cho học sinh.

"Quan điểm của tôi là bậc tiểu học cho học sinh học từ 6h45 hoặc 7h thì hơi sớm. Với bậc học này, giờ vào lớp nên là 7h15 hoặc 7h30. Hiện trên địa bàn TP cũng đã có nhiều trường thực hiện cho học sinh vào học lúc 7h30. 

Riêng bậc trung học thì có thể vào học sớm hơn do học sinh đã lớn, đồng hồ sinh học của cơ thể học sinh lứa tuổi này khác với học sinh tiểu học, chương trình học cũng khác hơn. Do đó, giờ vào học có thể là 7h hoặc 7h15. 

Các bậc học khi xây dựng thời gian vào lớp cũng phải cân nhắc để không quá khác biệt về thời gian vì khi chuyển cấp các em đã quen với giờ vào lớp trễ nên sẽ mất thời gian điều chỉnh" - ông Quốc chia sẻ. 

(Nguồn: Phụ nữ mới)

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải vì sao tỷ lệ người nhập học đại học thấp

PV |

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, có một thực tế rất đáng rất trăn trở khi so sánh tỉ lệ người theo học đại học, tức là toàn bộ sinh viên đang học đại học so với người trong tuổi học đại học (thường là từ 18 - 23 tuổi) của Việt Nam đang thấp so với khu vực và trên thế giới.

Nghiên cứu điều chỉnh quy trình tuyển sinh Đại học đơn giản, gọn nhẹ

PV |

Nhiều chuyên gia đánh giá bên cạnh việc sớm ban hành quy chế tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng đơn giản hóa, gọn nhẹ hơn.

Trường THPT Hướng Phùng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ năm học

Xuân Vinh |

Năm học 2022- 2023, Trường THPT Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có 426 học sinh, trong đó có 329 học sinh người dân tộc thiểu số.

Đông Hà: Chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường

Hải Phi |

UBND TP. Đông Hà (Quảng Trị) vừa có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn thành phố.