Khó ai có thể nghĩ ông trùm đế chế cà phê lớn nhất thế giới Howard Schultz hay nhà tài phiệt người Nga Roman Abramovich có xuất thân là những đứa trẻ sống trong khu lao động nghèo hay trẻ mồ côi. Câu chuyện về những tỷ phú tự thân là động lực để mỗi người quyết tâm thay đổi số phận, vươn tới ước mơ của chính mình.
Quyết tâm thay đổi số phận
Bất kể người Mỹ nào cũng biết đến thương hiệu cà phê Starbucks và vị CEO nổi tiếng Howard Schultz, người đứng sau thành công của thương hiệu nổi tiếng có hơn 27.000 cửa hàng ở 75 quốc gia. Chỉ trong vòng 3 thập kỷ, Schultz đã đưa thương hiệu Starbucks mở rộng ra toàn cầu và làm nên cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp cà phê. Tuy nhiên cũng không nhiều người biết đến để có những thành công này là sự nỗ lực không ngừng của vị CEO Howard Schultz- vốn sinh ra ở quá xa vạch đích.
Howard Schultz lớn lên tại Bayview Houses - một dự án nhà ở xã hội dành cho lao động nghèo ở Canarsie, Brooklyn (Mỹ) với bố mẹ chưa học hết trung học. Cuộc sống khốn khó của gia đình ông nói riêng và những người hàng xóm nói chung trong các tòa căn hộ giá rẻ chính là một mảng màu đối lập với khu Midtown Manhattan hào nhoáng của nước Mỹ.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau này ông cho biết:“Tôi luôn cảm thấy như mình thuộc về thế giới của những người giàu có. Tôi biết những người ở thế giới đó có nhiều tài sản hơn, nhiều tiền hơn và gia đình hạnh phúc hơn. Và vì một lí do gì đó, tôi luôn muốn vượt qua hàng rào đó và biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể”. Tuy nhiên chính tại khu lao động nghèo này đã giúp ông Howard Schultz trải qua một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời mình với quyết tâm thay đổi số phận. Đó là thời điểm khi ông lên 7 tuổi, đi học về thấy cha mình nằm trên ghế với băng nẹp vì tai nạn tại nơi làm việc. Bị tai nạn trong lúc lao động nhưng bố của ông không nhận được khoản bồi thường nào dành cho công nhân vì ông không có hợp đồng lao động hay bất kỳ khoản bảo hiểm y tế. Bố ông là trụ cột gia đình nên cuộc sống những ngày sau đó của gia đình ông trở nên khó khăn hơn với các cuộc cãi vã thường xuyên cũng như các cuộc gọi của chủ nợ. Khi đã trở thành ông chủ của Starbucks, vị CEO Howard Schultz cho biết, những ngày khó khăn đó còn ám ảnh ông đến tận thời điểm hiện nay: “Tôi đã thấy Giấc mơ Mỹ tan vỡ và tôi thấy cha mẹ tôi trải qua những ngày tháng vô vọng và tuyệt vọng ... Những vết sẹo đó vẫn ám ảnh tôi cho đến ngày hôm nay”.
Vài năm sau đó bố ông qua đời, tình hình kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, mẹ ông- một phụ nữ nội trợ đã phải tự bươn chải kiếm sống để nuôi gia đình. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng hiểu rõ những vất vả của người không có học, bà luôn xác định nền tảng giáo dục tốt chính là cánh cửa mở ra cơ hội thoát khỏi cái nghèo cho con trai và gia đình. Chính vì vậy, bà luôn khuyến khích và động viên các con tiếp tục học tập. Nhờ sự ủng hộ của mẹ, ngoài thời gian làm việc giúp mẹ, nhặt rác thêm kiếm tiền, Howard Schultz vẫn cố gắng học hành tử tế, thậm chí còn nhận được một suất học bổng thể thao của trường Đại học Bắc Michigan.
Khi vào trường học, cậu sinh viên Howard Schultz đã làm rất nhiều công việc làm thêm như phục vụ tại cửa hàng rượu, thậm chí còn phải đi bán máu để trang trải sinh hoạt phí trong thời gian học tập. Kể lại về quyết tâm và động lực của mình, Howard Schultz chia sẻ: “Cha mẹ đã cho tôi thấy cuộc sống cơ cực, nhưng đồng thời cũng truyền cho tôi niềm tin rằng không điều gì là không thể xảy ra và tôi luôn tin vào điều đó”.
Howard Schultz tốt nghiệp Đại học Bắc Michigan vào năm 1975. Ông là người đầu tiên trong gia đình lao động nghèo của mình tốt nghiệp đại học.
Sau khi tốt nghiệp đại học ông làm nhiều công việc khác nhau và luôn cố gắng để có những vị trí cao trong công việc. Là người không bao giờ hài lòng với bản thân và luôn đặt ra câu hỏi “mình sẽ làm gì tiếp theo”, Howard Schultz đã phải cố gắng rất nhiều. Để tự mở quán cà phê đầu tiên có tên II Giornale, Howard Schultz đã phải tìm đủ mọi cách để huy động nguồn vốn. Trong vòng một năm, ông đã gặp 242 người để xin tài trợ nhưng bị từ chối tới 217 lần. Tới năm 1982, cuộc đời ông thay đổi khi được nhận vào Starbucks và thăng chức giám đốc điều hành 5 năm sau đó. Dưới sự điều hành của Howard, Starbucks trở thành nhà bán lẻ cà phê khổng lồ với 27.000 cửa hàng bán lẻ ở 75 quốc gia. Hiện đã là một tỷ phú nhưng Howard vẫn giữ lối sống giản dị và lao động không mệt mỏi, với mong muốn cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Ước mơ và không từ bỏ
“Tiền mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên của công ty còn nhiều hơn tiền mua cà phê làm nguyên liệu”- Đây là điều ông Howard Schultz đã từng tự hào tuyên bố về những chính sách lao động với nhân viên của mình. Trong suốt sự nghiệp của mình, ưu tiên hàng đầu của vị CEO này là sức khỏe, chế độ của nhân viên. Điều này được thực hiện một phần cũng vì ám ảnh về giai đoạn thời thơ ấu với người cha ra đi khi không có một khoản trợ cấp nào. Kể cả nhân viên bán thời gian của Starbucks cũng được ông mua bảo hiểm lao động đầy đủ, đảm bảo mọi điều kiện phúc lợi lao động.
Howard Schultz đã từng có chia sẻ khá thú vị với báo giới, Starbucks không cần phải tuyển những người được đào tạo chính quy mà tuyển những người yêu thích công việc, yêu cà phê, thể hiện niềm đam mê với cà phê. Việc đào tạo kỹ năng là phần việc sau này.
Trong suốt sự nghiệp của mình tại Starbucks, Howard Schultz đã luôn quan tâm đến nhân viên của mình, người mà ông gọi là đối tác. Không dừng lại ở những tách trà hay cà phê miễn phí mỗi tuần, Starbucks còn biến giấc mơ đại học của nhân viên trở thành hiện thực bằng cách hợp tác với Đại học Arizona. Năm 2015 công ty quyết định sẽ trả đầy đủ 4 năm học phí đại học cho nhân viên, thông qua chương trình học trực tuyến của đại học Arizona. Tổng giám đốc điều hành của Starbucks – viết trong cuốn Onward nổi tiếng: “Nếu bạn đối xử với nhân viên của mình như các bánh răng có thể thay thế được trong một cỗ máy, họ cũng sẽ nhìn bạn với một thái độ tương tự”. Howard Schultz tin rằng, một khi nhân viên được chăm sóc tốt và mãn nguyện, họ sẽ nỗ lực hết sức để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.
Trong buổi nói chuyện với các sinh viên sắp tốt nghiệp tại Đại học bang Arizona (Mỹ), sau khi chia sẻ câu chuyện vượt qua nghịch cảnh để xây dựng một doanh nghiệp thành công của riêng mình, Howard Schultz gửi gắm: “Thế hệ chúng tôi không tạo ra mọi thứ dễ dàng hơn cho các bạn sẵn hưởng thụ đâu. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ có động lực, sự tò mò và sợ thất bại nếu tôi không xuất thân từ nghèo khó. Các bạn trẻ, hãy có những ước mơ. Sau đó là hoài bão lớn hơn. Giấc mơ càng vĩ đại, càng lớn thì càng tốt” . Tuy nhiên, kết thúc bài phát biểu, ông Howard Schultz nhấn mạnh: “Các bạn hãy luôn ghi nhớ lời khuyên này. Hãy mơ lớn nhưng đừng ỷ lại vào thế hệ đi trước, vào cha mẹ”.
May mắn do mình tạo ra
Nhiều tỷ phú nổi tiếng thế giới đều phải trải qua hành trình dài mới có chỗ đứng như ngày hôm nay. Xuất phát điểm của họ khác nhau, khó khăn mỗi người mỗi khác, nhưng hầu hết họ tin rằng may mắn do chính họ tạo ra chứ không phải sẵn có.
Những tỷ phú tự thân nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến ông trùm sản xuất mắt kính hàng đầu thế giới Leonardo Del Vecchio, với tài sản lên đến 22,9 tỷ USD, vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khổ ở Milan, Italy.
Del Vecchio và 4 anh chị em đã bị gửi vào trại trẻ mồ khôi khi mới ra đời. Không được học hành và phải làm thợ máy từ năm 14 tuổi nhưng với nỗ lực của bản thân ông đã phát triển hãng sản xuất kính mắt hàng đầu thế giới với các thương hiệu Ray- Ban và Oaklay. Nhà tài phiệt người Nga Roman Abramovich- người tạo ra một đế chế dầu mỏ khổng lồ của nước Nga sinh ra trong gia đình nghèo khổ và mồ côi khi mới lên 2. Trong khi Larry Ellison- ông chủ hãng phần mềm Oracle, một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới là con của một người mẹ đơn thân nghèo khó. Francois Pinault - ông trùm thương hiệu thời trang cao cấp đã phải bỏ học vì bị bạn bè kỳ thị do nhà nghèo.
Thông qua dự án nghiên cứu mang tên Những thói quen của người giàu (Rich Habits), tác giả Thomas C. Corley đã thu thập dữ liệu của 177 triệu phú tự thân trong vòng 5 năm. Trong quá trình nghiên cứu của mình, tác giả Thomas C. Corley đã phát hiện ra những điểm chung thú vị ở những tỷ phú tự thân này:
Trước hết, họ là những người ham học hỏi và học suốt đời. Họ rất chăm chỉ. Họ có nhiều bạn, đặc biệt là những người có cùng chí hướng. Tiếp xúc với những người thành công giúp họ có khả năng mở rộng tư duy và tạo ra thu nhập.
Những người giàu họ biết tiết kiệm để đầu tư. Tỷ phú tự thân Grant Cardone đã từng viết “Đầu tư tiền là cách giúp bạn trở nên siêu giàu. Lý do để tiết kiệm tiền đó là để một ngày trở thành tiền đầu tư”.
Họ đam mê sự giàu có. Họ quyết tâm thiết lập và đạt được mục tiêu, kiên trì theo đuổi ước mơ đến cùng. Tác giả C. Corley cho biết, những người giàu có thường đam mê kiếm tiền. Họ sẽ không chỉ dựa vào một nguồn thu nhập. 65% những tỷ phú tự thân có ít nhất 3 nguồn thu nhập trước khi họ có đủ 1 triệu đôla Mỹ đầu tiên.
Những người thành công thường có tham vọng và hoài bão lớn. Tỷ phú tự thân Siebold từng viết: “Nếu bạn đặt kỳ vọng của mình đặc biệt cao và sẵn sàng cho bất kỳ thử thách nào, bạn đang đi đúng hướng. Không ai có thể giàu có và sống theo ước mơ của họ mà không có những kỳ vọng lớn lao”.
Ngoài những yếu tố trên, tác giả Thomas C. Corley cho rằng, những người thành công cũng được dạy những thói quen tốt từ cha mẹ, được cha mẹ yêu thương, chăm sóc và được nuôi lớn lên từ niềm tin “không có gì là không thể”.
Họ có ít nhất một người hướng dẫn, dạy về những thói quen thành công, truyền cảm hứng và khích lệ họ đi đến thành công. Những người thành công cũng tập thể dục mỗi ngày, luôn tràn đầy năng lượng và có sức khỏe tốt.
Có thể bạn không nhất thiết phải sinh ra đã ngậm chiếc thìa bạc để đạt được những điều tuyệt vời trong cuộc sống - mặc dù điều đó chắc chắn có ích. Tuy nhiên, nhiều tỷ phú ngày nay có khởi đầu rất khiêm tốn. Lớn lên trong nghèo khó không ngăn cản những CEO, người nổi tiếng và chuyên gia kinh doanh này đạt đến đỉnh cao của thành công - và điều đó cũng có thể không ngăn cản được bạn.
(Nguồn: Ngày Nay)