Quan điểm: Nếu giáo viên ở lớp giỏi, có tâm, học sinh muốn học thêm với họ là bình thường, đừng vì "con sâu làm rầu nồi canh"

Thanh Hương |

Nếu học sinh muốn theo học chính giáo viên của mình vì họ tin tưởng và tiếp thu bài giảng tốt hơn, điều đó hoàn toàn hợp lý.

Dạy thêm – học thêm từ lâu đã trở thành một đề tài gây tranh cãi trong giáo dục. Một số người cho rằng đây là hình thức kinh doanh trên tri thức, trong khi những người khác khẳng định đó là nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, cần có một cái nhìn công bằng hơn về vấn đề này để tránh những định kiến không cần thiết.

Dạy thêm xuất phát từ nhu cầu học thêm

Không thể phủ nhận rằng nhiều học sinh thực sự có nhu cầu học thêm để củng cố kiến thức, đặc biệt là trong bối cảnh chương trình học ngày càng nặng. Nhiều phụ huynh cũng mong muốn con mình được học tập với giáo viên giỏi để nâng cao thành tích. Đây là nhu cầu chính đáng, giống như việc người lớn tìm đến các lớp học kỹ năng để phát triển bản thân.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Vậy thì, khi có cầu, tất yếu sẽ có cung. Giáo viên mở lớp dạy thêm để đáp ứng nhu cầu đó là điều bình thường. Hơn nữa, việc dạy thêm cũng giúp giáo viên có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo điều kiện để học sinh tiếp cận kiến thức tốt hơn.

Ép buộc học sinh học thêm – Trách nhiệm thuộc về ai?

Vấn đề đáng nói là một số trường hợp học sinh bị ép buộc học thêm. Nhưng nếu điều này xảy ra, trách nhiệm không chỉ thuộc về giáo viên, mà còn ở phía phụ huynh và học sinh. Nếu cảm thấy bị ép buộc, tại sao phụ huynh không thẳng thắn phản ánh với giáo viên hoặc ban giám hiệu ngay từ đầu năm học? Không ai có thể ép một học sinh phải đi học thêm nếu bản thân và gia đình em không đồng ý.

Thay vì phàn nàn hay chấp nhận miễn cưỡng, phụ huynh nên chủ động trao đổi, thể hiện quan điểm của mình một cách rõ ràng. Nếu giáo viên giỏi, có tâm, học sinh muốn học thêm với chính người đó là chuyện bình thường. Không thể vì một số trường hợp tiêu cực mà cấm hoàn toàn việc dạy thêm.

Dạy thêm thu phí có gì sai?

Nhiều người chỉ trích việc giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình và thu học phí. Nhưng nếu học sinh thực sự có nhu cầu và giáo viên có năng lực đáp ứng, thì tại sao lại cấm? Việc này không khác gì một bác sĩ giỏi vừa làm trong bệnh viện công, vừa khám tư ngoài giờ. Nếu học sinh muốn theo học chính giáo viên của mình vì họ tin tưởng và tiếp thu bài giảng tốt hơn, điều đó hoàn toàn hợp lý.

Cấm đoán một cách cực đoan không chỉ tước đi lựa chọn của học sinh mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Học sinh mất cơ hội tiếp cận với người dạy mà mình tin tưởng, còn giáo viên giỏi cũng mất đi động lực để cống hiến.

Cần cách tiếp cận hợp lý hơn

Thay vì cấm dạy thêm, điều quan trọng là phải quản lý sao cho minh bạch, đảm bảo không có ép buộc, không có tình trạng phân biệt giữa học sinh học thêm và không học thêm. Ở nhiều khu vực vùng sâu vùng xa, việc mời được học sinh đến lớp học đã là một thách thức. Khi đó, dạy thêm không chỉ là bổ sung kiến thức mà còn là cách giúp học sinh duy trì việc học.

Do đó, thay vì tranh cãi về chuyện cấm hay không, hãy tìm ra giải pháp phù hợp để việc dạy thêm – học thêm thực sự phục vụ lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên một cách công bằng và minh bạch.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

“Siết chặt” quy định dạy thêm, nhiều phụ huynh âu lo

Hoài Nam |

Vừa qua kỳ nghỉ tết Nguyên đán, nhiều phụ huynh lo lắng khi nghe giáo viên thông báo ngừng dạy thêm để thực hiện nghiêm Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù tinh thần của quy định mới này là giảm áp lực cho học sinh, nhất là đối với học sinh cấp tiểu học, tuy nhiên trên thực tế, xuất phát từ những lý do khác nhau, nhu cầu của phụ huynh đối với việc cho con đi học thêm là có thực. Vì thế, quy định này khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

Tránh việc giáo viên 'kéo' học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm

Lê Vân |

Ngày 10/2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết, với việc dạy thêm, học thêm, khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm và chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình bên cạnh giáo dục nhà trường… việc dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực.

Nhiều quy định mới về dạy thêm, học thêm

Hồ Sỹ Anh |

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư mới này kế thừa các quy định về dạy thêm, học thêm trước đó, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.

Bộ GDĐT ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm

PV |

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.