Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV “về tiếp tục chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2030” (sau đây viết tắt là Nghị quyết 35), các tỉnh, thành phố trong nước đang tiến hành sắp xếp lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) theo yêu cầu, tiêu chuẩn đã đề ra. Tinh thần chung là sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã phù hợp tình hình cụ thể mỗi giai đoạn, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đối với tỉnh Quảng Trị, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giao các đơn vị chức năng triển khai thực hiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 35. Các đơn vị chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh triển khai rà soát, đánh giá thực trạng một cách thận trọng, khoa học đối với 10 huyện, thị xã, thành phố và 125 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, qua đó phân loại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030 theo quy định của Nghị quyết 35.
Theo kết quả rà soát, đánh giá của các cơ quan chức năng về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, trong giai đoạn 2023-2025, theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/ UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Quảng Trị có 2 ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp là thị xã Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ (trong đó huyện đảo Cồn Cỏ không phải bắt buộc sắp xếp do có vị trí biệt lập với các ĐVHC khác) và 17 đơn vị cấp xã.
Do hiện tại thị xã Quảng Trị là ĐVHC thuộc diện phải sáp nhập còn gặp một số vấn đề về điều chỉnh diện tích tự nhiên nên các cơ quan chức năng của tỉnh đang đề xuất chuyển việc sắp xếp sang giai đoạn 2026- 2030. Như vậy, giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh có 3 ĐVHC cấp huyện và 33 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.
Phương án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2026- 2030 các cơ quan chức năng sẽ đề xuất cụ thể sau khi trung ương tổng kết việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025.
Chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 là cần thiết, là đòi hỏi từ thực tiễn của đất nước nhằm góp phần sắp xếp bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng và hoạt động hiệu quả của hệ thống nhà nước; được tiến hành trong một thời gian dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó cần tiếp tục có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh, bảo đảm đúng quy định và tiến độ kế hoạch đề ra. Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị và các quy hoạch khác có liên quan.
Để thuận lợi trong việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Gắn việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.
Kinh nghiệm đợt sắp xếp ĐVHC cấp xã vừa qua cho thấy nơi nào thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng thì việc sắp xếp ĐVHC suôn sẻ, nếu không sẽ gây ách tắc, chậm trễ, lãng phí nguồn lực. Những việc đã làm được thì phát huy, những việc chưa làm được cần khắc phục với tinh thần là tinh giản bộ máy nhưng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng công chức, viên chức để bảo đảm hệ thống hoạt động tốt, mang lại hiệu quả chung cho địa phương, đất nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)