Làm từ thiện hãy bằng cái tâm và xuất phát từ tình yêu thương đồng cảm giữa người với người. Đừng lấy tiếng làm từ thiện để trút bỏ rác cho sạch nhà mình.
Việt Nam có truyền thống "lá lành đùm lá rách", "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Chính vì vậy mà khi người dân ở các địa phương gặp khó khăn như bão lũ, hạn hán, hoả hoạn... họ sẽ không cô độc. Nghĩa đồng bào, tình người lúc này mới thực sự lan toả, truyền hơi ấm, ngọn lửa cho nhau.
Bão lũ đang khiến cho miền Trung oằn mình. Người dân các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đang căng mình chống chọi với thiên tai. Nhà cửa hư hỏng, đồ dạc, vật nuôi, cây trồng tất cả cuốn theo dòng nước. Người dân trắng tay, bất lực nhìn vô định về phía trước.
Cùng sống trên một dải đất hình chữ S, tại sao đồng bào ta có những nơi lại khổ cực như vậy. Ông trời liệu có trêu đùa, thử thách lòng người? Chỉ cần chứng kiến những cảnh đời tang thương như vậy, người dân Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc, kiều bào ở nước ngoài đều không ngồi yên, ai cũng nóng lòng cùng chung tay hướng tình cảm và đóng góp vật chất gửi về với miền Trung thương yêu.
Chỉ cần theo dõi thông tin trên các phương tiện đại chúng, chúng ta sẽ thấy ấm lòng khi cả nước hướng về miền Trung. Những chuyến hàng cứu trợ nối đuôi nhau đưa những món đồ vật dụng hàng ngày như thực phẩm, quần áo, nước uống... đến tận tay người dân. Không một ai bị bỏ lại phía sau và cũng không một ai bị đơn độc giữa cảnh màn trời chiếu đất.
Những món hàng gửi vào miền Trung chứa đựng tất cả tình cảm của người dân đất Việt. Ai cũng muốn gửi gắm một chút tình cảm của mình tới người dân miền Trung. Thực là đáng quý.
Nhưng cũng thật là đáng buồn khi mà nhìn thấy những món đồ ủng hộ như thế này.
Cũ người mới ta, thực sự không phải cứ đồ cũ là bỏ đi. Nhiều bộ quần áo cũ của người này lại là món đồ mới và đáng quý với nhiều người khó khăn. Ngay ở thành phố đôi khi tặng nhau những bộ quần áo đã qua sử dụng cũng đều được đón nhận bằng cả tấm chân tình. Nên việc ủng hộ quần áo cũ không phải là không hiệu quả mà thực sự rất đáng quý khi mà đồ đạc người dân đều trôi theo dòng nước. Nhưng quan trọng là cách cho như nào mới đáng nói.
Vì thế phong trào kêu gọi ủng hộ đồ cũ trở nên quen thuộc với người dân Việt bao lâu này rồi. Nhưng hai năm trở lại đây những người từng đứng ra kêu gọi nhận đồ cũ đều ái ngại khi triển khai việc tiếp nhận đồ cũ. Bởi không phải ai tặng đồ cũ cũng có ý thức trước việc tặng. Nhiều khi ở cơ quan hay khu dân cư kêu gọi quyên góp đồ cũ với nhiều người đây là dịp được dọn tủ quần áo. Có gì là nhét vô túi mang đi tặng. Còn việc phân loại như thế nào là việc của người nhận.
Gần đây nhất là việc quyên góp đồ cũ cho miền Trung, nhiều món đồ khiến khi phân loại nhìn thấy cười chảy nước mắt. Chị Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ: "Tôi thực sự không hiểu những người mang đồ cũ đi tặng nghĩ gì khi họ mang đến những món đồ như đồ lót, áo dây, váy ngủ để đi tặng. Chúng tôi kêu gọi nhận đồ cũ không có nghĩa là nhận tất cả kể cả rác. Những ai đã từng làm như vậy hãy nghĩ lại và thật tâm hơn với việc làm thiện. Đừng coi làm thiện là cái cớ và cũng đừng nghĩ chúng tôi là nơi nhận rác của mọi người".
Chị Nguyễn Thanh Phương ở Hà Nội cũng chia sẻ rằng:" Bao năm làm công việc này tôi thực sự ái ngại. Dù nhiều hay ít thì đều đáng quý nhưng mà mang đến những món đồ nhìn thôi đã thấy xấu hổ thực sự rất đáng trách".
Những người dân ở những vùng khó khăn rất cần sự chung tay giúp sức của cộng đồng. Những lúc hoạn nạn như vậy, dù là món quà nhỏ thôi cũng đáng quý và giúp họ có thêm nghị lực vượt qua khó khăn. Nhưng họ cũng cần được tôn trọng khi nhận quà.
Làm từ thiện hãy bằng cái tâm và xuất phát từ tình yêu thương đồng cảm giữa người với người. Đừng lấy tiếng làm từ thiện để trút bỏ rác cho sạch nhà mình.
Chị Phương Linh, giám đốc một trung tâm đào tạo ngoại ngữ Hà Nội có chia sẻ cách làm của mình: "Tặng đồ cũ nếu thật tâm thì đáng quý lắm. Thời gian vừa qua chúng tôi cùng với những học viên của trung tâm đã kêu gọi người dân ủng hộ đồ cũ. Những món đồ mang đến chúng tôi cho giặt sạch và phân loại từng chiếc một. Mỗi một chiếc áo hay cái quần đều được đóng gói và ghi rõ thông tin để người nhận thấy được và tìm cho mình đúng món đồ phù hợp. Thực sự là rất đáng trân trọng".
Đồ cũ không có nghĩa là bỏ đi. Đồ cũ không có nghĩa là không còn giá trị. Nhưng đồ cũ nếu được người tặng bằng cái tâm thì chắn chắn sẽ đến tay người cần nó.
Việc ủng hộ đồ cũ sẽ vẫn còn và chỉ mong người tặng hãy phân loại trước khi gửi tặng tới người khó khăn. Đừng biến nơi nhận là chỗ thải đồ và cũng đừng biến mình thành người "vô tâm" làm cho có.
(Nguồn: VOV.VN)