Theo Quyết định vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) gồm bốn môn với hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn.
Cụ thể, hai môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn; hai môn lựa chọn là trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025, tỉnh Quảng Trị có hơn 9.000 thí sinh dự thi. Vậy nên hiểu thế nào cho đúng với tinh thần kỳ thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa công bố?
Từ lâu, Toán và Ngữ văn là hai môn học đại diện cho 2 lĩnh vực tự nhiên và xã hội, cũng là 2 trụ cột quan trọng để phát triển tri thức của con người.
Trên nền tảng đó và cũng nhằm phát huy cao giá trị của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lần này Bộ GD&ĐT có quyết định hoàn toàn mới và nhận được ủng hộ của số đông, đó là đưa số môn thi tốt nghiệp THPT về 4 môn (Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn) nhằm giảm áp lực cho học sinh, gọn nhẹ trong tổ chức thực hiện.
Về lộ trình, theo Bộ GD&ĐT, từ năm 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi tốt nghiệp THPT thí sinh làm bài thi trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm tại địa phương có đủ điều kiện. Khi tất cả địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với tất cả các môn thi trắc nghiệm.
Trở lại câu chuyện về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được nhiều người quan tâm. Theo đó, kỳ thi vẫn được tổ chức trên toàn quốc theo hình thức chung đề, cùng thời gian thi theo quy định.
Phương thức xét công nhận tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa đánh giá quá trình học và kết quả thi. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vẫn chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương, chủ động có phương án về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết tổ chức kỳ thi.
Địa phương cũng chủ động tổ chức thanh tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT theo lịch thi chung và hướng dẫn của bộ.
Mục đích của kỳ thi được xác định để đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nếu xét về hình thức thì số môn thi và việc học sinh biết trước môn thi có nhiều chi tiết rất giống với kỳ thi THPT những năm thuộc thập niên tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc thi bốn môn từ năm 2025 có nhiều điểm mới. Cụ thể, thí sinh có đến 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì chỉ 2 tổ hợp như trước đây và yêu cầu cần đạt là phẩm chất, năng lực chứ không phải kiến thức.
Vì vậy, để đạt mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thì cần thay đổi đồng bộ về giáo dục hướng nghiệp, quan điểm dạy và học để giúp học sinh nhận biết được khả năng, năng khiếu, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, từ đó chọn các môn học và thi tốt nghiệp phù hợp nhất.
Do đó, công tác giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp, tư vấn tâm lý cho học sinh ở cấp THCS, THPT ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết, bao gồm hướng học, hướng nghiệp và giải quyết các vấn đề khó khăn của mỗi học sinh.
Đặc biệt, với 4 môn thi tốt nghiệp THPT theo chuẩn cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì vai trò các môn học góp phần vào sự thành công của học sinh là như nhau, không có môn chính, môn phụ.
Thành công của nhiều học sinh khi ra đời có thể ở các môn học khác chứ không chỉ là môn học bắt buộc. Vì thế, để kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra thuận lợi cho học sinh, ngay từ bây giờ nhà trường cần chú trọng dạy và học các môn, không coi trọng môn này, nhẹ môn kia.
Một điều khiến nhiều người nhiều băn khoăn là theo phương án mới được công bố, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, là một trong những môn thi tự chọn bình đẳng với các môn học khác. Vậy điều này có khiến học sinh xem nhẹ Ngoại ngữ ? Không ít phụ huynh lo ngại sẽ có nhiều học sinh chưa có thế mạnh về học Ngoại ngữ nay sẽ chùng lại, không chú trọng vào môn học này khiến cho chất lượng dạy và học môn Ngoại ngữ bị ảnh hưởng.
Chia sẻ với băn khoăn này của nhiều phụ huynh, Bộ GD&ĐT cho hay, Ngoại ngữ là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học. Dù từ năm 2025, Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc với thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 đến hết các bậc học cao đẳng, đại học.
Kết quả học tập môn Ngoại ngữ ở các bậc học có ý nghĩa quan trọng đối với cả quá trình học tập, chứ không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở phân tích Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo đặc thù môn học, kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước.
Vấn đề là để nâng cao hơn nữa chất lượng học Ngoại ngữ thì chính quyền các cấp cần cải thiện tốt hơn nữa về cơ sở vật chất và đầu tư cho con người trong giảng dạy, học tập. Dù có là môn thi bắt buộc với mọi học sinh nhưng nếu không tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và con người thì kết quả học Ngoại ngữ vẫn khó được cải thiện.
Như vậy, sau nhiều lần lấy ý kiến và điều chỉnh để môn thi tốt nghiệp THPT đáp ứng được kỳ vọng về phát triển học sinh theo hướng nâng cao phẩm chất, năng lực thì việc Bộ GD&ĐT quy định thi tốt nghiệp chỉ có 4 môn hy vọng sẽ mang đến sự gọn nhẹ nhằm giảm áp lực cho học sinh và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Việc làm này được nhiều người đánh giá là sự lựa chọn phù hợp nhất trong điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới trên tất cả các lĩnh vực.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)