Thưởng Tết, cần sự chia sẻ từ hai phía…

Hoài Nam |

 

Gần đến Tết, dòng tin nhắn của người lao động xa quê gửi về nhà thường là những lời hứa hẹn: Đợi có tiền thưởng Tết…Mặc dù khoản tiền thưởng này người ít, người nhiều, có khi chỉ lo đủ miếng quà tấm bánh gửi về quê nhưng bao việc to, việc nhỏ đều gửi gắm trong câu nói cửa miệng “đợi có tiền thưởng Tết” này. Có lẽ bởi đây cũng là niềm mong mỏi của người lao động sau một năm làm việc vất vả. Vì thế, cứ vào mỗi dịp cuối năm, chuyện lương, thưởng Tết luôn là chủ đề quan tâm, bàn luận của nhiều người.

 

Tết năm nay, tùy trường hợp mà người lao động có thể được nhận các khoản thưởng Tết và lương tháng 13 (các khoản này phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của người lao động). Nhằm chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp tết Nguyên đán 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 146/KH-TLĐ về chăm lo, thăm hỏi người lao động. Theo đó, 2 nhóm đối tượng gồm người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn và cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được mức chăm lo, thăm hỏi là 300 ngàn đồng/người.

Như đã nói ở trên, thưởng Tết và lương tháng 13 phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh COVID-19 như năm vừa qua thì chuyện thưởng Tết sẽ không giống mọi năm, trở thành nỗi niềm đầy trăn trở của cả người sử dụng lao động và người lao động.

“Theo đánh giá thì có khoảng 30 - 50% doanh nghiệp sẽ giảm thưởng Tết cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để duy trì lương tháng 13. Tuy nhiên, mức thưởng cụ thể cũng sẽ thấp hơn năm trước”, đó là khẳng định của ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Còn theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - bà Nguyễn Lan Hương, năm nay chỉ có một số nhóm ngành có mức thưởng Tết khả quan như: Công nghệ thông tin; ngân hàng, thương mại điện tử. Còn các nhóm ngành khác có thưởng Tết đã là may mắn, mức thưởng có thể chỉ mang tính chất “động viên tinh thần” hoặc thưởng bằng hiện vật là sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Đánh giá này dựa trên tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Dù là năm thứ 2 bùng phát COVID-19 nhưng năm nay là năm các doanh nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Vào các thời điểm áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố lớn phải thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đều phải đồng loạt tạm dừng hoạt động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ tháng 1-10/2021, có hơn 48 ngàn doanh nghiệp ngừng kinh doanh; 35 ngàn doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể; hơn 13 ngàn doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể; 323 doanh nghiệp đóng cửa, dừng hoạt động mỗi ngày, tương đương mỗi tháng có hơn 9 ngàn doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Sự tác động của dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hệ thống phân phối bị đình trệ, nguồn vốn cạn dần… Sự lao đao của các doanh nghiệp tất yếu dẫn đến sự bấp bênh trong việc làm và thu nhập của người lao động trong năm qua.

Với người lao động, nhất là lao động xa quê, thưởng Tết có ý nghĩa rất lớn. Cả năm làm việc, niềm vui cuối năm của bất kỳ ai cũng là được nhận một khoản tiền thưởng động viên, để Tết đến, xuân về có thêm thu nhập trang trải và hơn cả là để cảm thấy sự ghi nhận của lãnh đạo cơ quan/tổ chức/ doanh nghiệp đối với cống hiến của bản thân. Nên với nhiều người, không có thưởng nghĩa là không có Tết. Còn với nhiều chủ doanh nghiệp, thưởng Tết cho nhân viên cũng là một áp lực không nhỏ trong bối cảnh hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đã rất nỗ lực để giữ được việc làm và trả lương cho người lao động, còn thưởng Tết là điều “không dám nghĩ đến”, ít ra trong năm nay.

Vậy nên, câu chuyện thưởng Tết và mức thưởng như thế nào cũng cần có sự cảm thông, chia sẻ từ hai phía. Bộ Luật Lao động 2019 đã mở rộng khái niệm thưởng Tết của doanh nghiệp không chỉ bằng tiền hoặc tài sản mà bằng cả các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Luật quy định vậy nhưng người sử dụng lao động cần linh động để làm sao khi nhận thưởng Tết, người lao động không phải chịu cảnh “dở khóc dở cười” khi phải rao bán quà Tết bằng hiện vật trên mạng xã hội để lấy tiền chi tiêu cho dịp cuối năm. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ.

Nếu khó khăn, chủ doanh nghiệp nên thẳng thắn chia sẻ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp để người lao động biết và có sự cảm thông. Đương nhiên sẽ đáng quý biết bao nếu trong trường hợp dù gặp khó khăn nhưng các chủ doanh nghiệp vẫn nỗ lực xoay xở để có thưởng Tết cho nhân viên. Ngược lại, trong hoàn cảnh khó khăn chung như vậy, người lao động cần biết thông cảm, chia sẻ với chủ doanh nghiệp, không chỉ vì chuyện thưởng Tết giảm mà đã vội bỏ việc hoặc tham gia đình công. Cần có những nhìn nhận khách quan, chính xác về nguyên nhân của sự sụt giảm ấy để có hành động phù hợp bởi dù chuyện thưởng Tết là mong muốn chung của nhiều người nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất để quyết định sự gắn bó của người lao động với nơi mình làm việc.

Chỉ mong sao, những năm sắp tới, khi khó khăn do COVID-19 đi qua, chúng ta sẽ được đón nhận nhiều tin vui hơn về chuyện lương, thưởng Tết vào mỗi dịp cuối năm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thưởng Tết 2022: Sẽ có nơi thưởng cao dù dịch bệnh

Thanh Mai |

Có doanh nghiệp khó khăn nhưng một số lĩnh vực có thể thưởng cao nhờ hoạt động tốt bất chấp dịch bệnh.

Công chức, viên chức được thưởng tết 2021 như thế nào?

Hoành Oanh |

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ban Chấp hành tán thành kiến nghị lùi thời điểm chính thức thực hiện chế độ tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức.

Ai được thưởng Tết nhiều nhất năm 2021?

Q. Huy |

Kẻ ăn không hết người lần không ra mùa thưởng Tết dù là câu chuyện đến hẹn lại lên, nhưng vẫn khiến rất nhiều lao động chạnh lòng khi nhìn mức thưởng bạc tỷ của người may mắn.

Thưởng Tết cho NLĐ tại Quảng Trị cao nhất là 94 triệu đồng/người

Hưng Thơ |

Trong số 50 doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán năm 2021, 94 triệu đồng/người là mức thưởng cao nhất.