Trong những năm gần đây, các chính sách hỗ trợ người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài ngày càng đầy đủ, tạo “bệ đỡ” để người dân tự tin hơn khi quyết định đi xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay số lượng người dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động vẫn chưa tương xứng với nguồn nhân lực dồi dào ở địa phương. Thực tế này đòi hỏi phải tăng cường các giải pháp, trong đó cần trang bị các kỹ năng giúp người dân tộc thiểu số tự tin hơn khi xuất khẩu lao động.
-Cô ơi, ở đây người ta dạy em không hiểu. Em muốn về nhà!
-Lúc dạy lớp kỹ năng, cô đã đề cập rất kỹ đến nội dung này với các em rồi. Chặng đường trước mắt của một lao động sang làm việc ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn nhưng các em phải cố gắng vượt khó, nhất là khi đã sang đến nước Nhật rồi.
-Buổi tối học thêm, em luôn có cuốn sổ để ghi chép thông tin, cái gì không hiểu sẽ về hỏi thêm nhưng em ngại tiếp xúc...
Rồi cũng chính nhân vật đó, vào một khoảng thời gian không lâu sau đã có trạng thái tâm lý khác: “Em ổn rồi cô ơi! Ở đây vui lắm”.
Chị Đoàn Thị Lệ Sương, phó giám đốc của một trung tâm xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố Đông Hà đã chia sẻ cho chúng tôi về những đoạn hội thoại giữa cô giáo và học viên người dân tộc thiểu số xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật. Học viên trong đoạn hội thoại trên là Hồ Văn Hơn (sinh năm 1999), thôn Ra Ty, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Hoàn cảnh gia đình Hơn rất khó khăn, không có điều kiện để vay vốn nên trung tâm phải đứng ra bảo lãnh cho Hơn vay. Sang Nhật, Hơn làm việc cho một công ty xây dựng. Thanh niên này được ông chủ công ty đánh giá siêng năng, chịu khó nên được tạo điều kiện để vững vàng hơn trong công việc.
Theo chị Sương, lúc mới ra nước ngoài, hầu hết các lao động người DTTS đều bị sốc văn hóa và gặp rào cản về ngôn ngữ. Quá trình đó, công ty XKLĐ phải luôn kết nối để động viên người lao động vượt qua khó khăn. “Rèn luyện kỹ năng cho lao động nói chung, lao động người DTTS nói riêng được các công ty XKLĐ chú trọng vì đây là yếu tố quan trọng đầu tiên mà công ty tuyển dụng lao động cần.
Trong quá trình đào tạo, công tác định hướng tư tưởng cho người lao động là nội dung bắt buộc. Chúng tôi tập trung vào các kỹ năng như rèn ý thức tự giác, tính kỷ luật, tinh thần chịu khó và quan trọng nhất là phải tuân thủ pháp luật nước sở tại. Tuyên truyền để người lao động biết hiệu quả do XKLĐ mang lại nhưng không được tô hồng cuộc sống của một lao động ở nước ngoài, vì như thế rất dễ khiến người lao động bị sốc khi đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian mới sang”, chị Sương chia sẻ.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên người DTTS ngày càng biết đến các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong XKLĐ. Tuy nhiên, do nhiều rào cản khác nhau nên đa phần vẫn còn tâm lý e ngại, không muốn rời xa gia đình, bản làng. Muốn có nhiều đơn hàng chất lượng thì các công ty xuất khẩu lao động phải bám địa bàn, có cách làm sáng tạo và quan trọng là phải đồng hành, chia sẻ với người lao động.
Chị Sương kể cho chúng tôi nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” trong quá trình tuyển dụng cũng như hoàn tất thủ tục đưa lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài. Ví dụ như trường hợp anh Hồ Văn Đức (sinh năm 2000) ở xã Ba Nang, huyện Đakrông, sau khi tốt nghiệp THPT đã đăng ký xuất khẩu lao động sang Nhật.
Khi công ty lên nhà thẩm định làm hồ sơ thì phát hiện giấy tờ của ba Đức là ông Hồ Văn Hợi một nơi một kiểu. Chứng minh nhân dân thì có tên Hồ Văn Hợi nhưng hộ khẩu thì Hồ Văn La Hợi và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại là Hồ Văn Hời. Để điều chỉnh cho khớp, nhân viên công ty phải ở lại xã mất cả tuần.
Trường hợp của Hồ Kiếp Nhớ (sinh năm 1998), ở xã A Ngo, huyện Đakông, lại khác. Với bản tính ưa tự do, không muốn bị ràng buộc nên dù đã đăng ký đi xuất khẩu lao động và đã trúng tuyển nhưng vẫn chưa thực sự quyết tâm.
Trong thời gian học tiếng và kỹ năng, Nhớ về thăm nhà và ở lại luôn nên công ty phải cử người lên động viên tiếp tục theo học. Chưa hết, học được thời gian thì do phát sinh tình huống bất ngờ nên xin nghỉ về nhà cưới vợ. Nhưng đến ngày gần cưới thì lại quên nên vẫn khăn gói cùng các bạn ra Hà Nội thi tiếng.
Gia đình hai bên đợi mãi không thấy Nhớ nên điện thoại về trung tâm nhờ thông báo với Nhớ 2 ngày nữa sẽ tổ chức đám cưới khiến công ty nhiều phen “rối như canh hẹ”.
Vậy nhưng ai cũng quý Nhớ và luôn động viên, rèn dũa các kỹ năng cơ bản để Nhớ đi vào khuôn khổ. “Lao động người DTTS thường được các chủ doanh nghiệp ở Nhật đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó và thật thà. Đây là lợi thế mà lao động cần phát huy”, chị Sương chia sẻ. Như trường hợp của Hồ Kiếp Nhớ, sau khi sang Nhật, anh được nhận vào làm công việc vệ sinh giàn giáo cho một công ty xây dựng.
Thời điểm mới sang có mức lương hơn 30 triệu đồng. May mắn hơn là Nhớ được ông chủ công ty rất quý, thường hay thưởng thêm tiền. Mỗi lần như vậy, anh đều gửi tin nhắn chia sẻ niềm vui của mình cho các thầy cô ở trung tâm XKLĐ - những người ngoài nhiệm vụ của mình đã luôn động viên, chia sẻ để Nhớ vượt qua khó khăn ban đầu. Sau này, hai người em của Nhớ cũng XKLĐ sang Nhật Bản.
Thêm một cách tuyên truyền hiệu quả, đó là sử dụng những lao động đã hết hạn hợp đồng về nước tham gia tư vấn hoặc tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng người DTTS bằng chính những tấm gương XKLĐ của con em họ.
Cách đây gần 4 năm, Hồ Thị Giang Biếc (sinh năm 2001), xã Mò Ó, huyện Đakrông, đã xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, làm công việc của một nhân viên chế biến thực phẩm. Sau khi hết hạn hợp đồng, cô đã gia hạn và tiếp tục làm việc tại công ty cũ.
Cũng như bao bạn trẻ người DTTS khác, để được đi xuất khẩu lao động, gia đình Biếc phải vay ngân hàng gần 200 triệu đồng. Số tiền đó, sau một thời gian chăm chỉ làm việc và tích góp, cô đã gửi tiền về nhà trả hết nợ.
Sau khi được gia hạn hợp đồng, mức lương, ngày nghỉ phép của Biếc được tăng hơn so với trước. Lúc mới sang, mức lương của cô trung bình một tháng 25 triệu đồng, sau khi được gia hạn có thời điểm tăng lên 35 triệu đồng. “Từ công việc của mình, em đã rủ nhiều bạn bè ở quê cùng đi. Các bạn sang đây tuy không ở cùng thành phố nhưng chúng em cũng hay liên lạc qua điện thoại nên cảm giác gần gũi”, Biếc chia sẻ.
Cũng theo Biếc, khi quyết định đi sang nước ngoài làm việc, cô có rủ một số bạn bè cùng đi nhưng ai cũng ngần ngại. Tâm lý chung của nhiều thanh niên người đồng bào DTTS là không muốn xa gia đình, sợ bị lừa và không tự tin trước đám đông. Vậy nhưng sau khi Giang Biếc sang Nhật làm việc, hòa nhập với môi trường làm việc nơi xứ người và gửi tiền đều đặn cho gia đình, nhiều người thân và bạn bè đã có cách nhìn khác.
Một số bạn bè mạnh dạn đăng ký xuất khẩu lao động theo cô. Thực tế cho thấy, một trường hợp đi làm việc ở nước ngoài hiệu quả sẽ nhân lên nhiều trường hợp tương tự vì đối với bà con, “trăm nghe không bằng mắt thấy” mà trường hợp của Giang Biếc là một ví dụ.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác XKLĐ trong đồng bào DTTS, các địa phương cần đa dạng hình thức tuyên truyền giúp người dân hiểu biết đúng đắn về các chính sách lao động, việc làm; vận động, tư vấn trực tiếp tại các thôn xóm, trong đó sử dụng những lao động đã hết hạn hợp đồng về nước tham gia tư vấn.
Để có cơ sở tuyên truyền sát thực tế, ngành chức năng phối hợp với đơn vị tuyển chọn lao động cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường cũng như thông tin về lao động địa phương đang làm việc ở nước ngoài...
Có như vậy, người dân mới an tâm, tin tưởng đi XKLĐ, tiếp cận cơ hội việc làm, giúp họ ổn định thu nhập và nâng cao đời sống.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)