Cùng với học sinh cả nước, học sinh Quảng Trị chuẩn bị bước vào mùa tuyển sinh đại học. Ở giai đoạn nước rút này, các em rất cần được tư vấn, định hướng để nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp cũng như có được những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc lựa chọn ngành học, trường học phù hợp năng lực, sở thích của bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội.
Tháng 3/2023, chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” do Báo Người Lao Động phối hợp ngành giáo dục tổ chức tại Quảng Trị có khoảng 1.200 học sinh THPT tham dự. Đây là chương trình được đánh giá có ý nghĩa thiết thực, diễn ra đúng thời điểm học sinh cần các thông tin về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tại chương trình này, học sinh được giải đáp những vấn đề sát sườn về hướng nghiệp như: điểm mới của phương thức xét tuyển đại học năm nay, ngành “hot”, học phí, kỹ năng lựa chọn trường, nên học trường gần nhà hay thành phố lớn…
Đặc biệt, tại đây một số học sinh còn bày tỏ băn khoăn giữa “ngã ba đường” đó là nên chọn ngành theo ý muốn của ba mẹ hay theo sở thích của bản thân; chọn nghề mình giỏi hay nghề mình đam mê…Theo các chuyên gia tư vấn của chương trình, chọn nghề trong hướng nghiệp là vấn đề quan trọng. Để xác định đúng thì cả phụ huynh lẫn học sinh cần tìm hiểu về xu hướng nghề nghiệp hiện nay; nhận biết được nghề nào có thể phát triển, ra trường dễ xin việc; nghề nào có mức thu nhập cao; thị trường lao động đang cần gì ở người lao động; học đại học có phải con đường duy nhất để thành công?
Một khảo sát mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại một số trường đại học, cao đẳng và trung cấp trong nước cho thấy, có khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp đi làm có ý định làm việc lâu dài, trong khi 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng, nguyện vọng và có tới 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp. Con số này cho thấy học sinh, sinh viên chọn nhầm ngành, sai trường vẫn còn rất lớn. Sự nhầm lẫn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân từ việc học sinh không được hướng nghiệp từ sớm, không nghiêm túc trong lựa chọn ngành nghề để theo học.
Tư vấn hướng nghiệp là định hướng giúp phân bổ tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu nhân lực của xã hội. Xác định tầm quan trọng này, trong những năm qua hoạt động tư vấn hướng nghiệp cũng như phân luồng học sinh được chú trọng.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ngành giáo dục, công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh là nội dung được các trường học trên địa bàn tỉnh lồng ghép thực hiện qua các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông với các hoạt động tư vấn tuyển sinh, hoạt động ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm hướng nghiệp.
Một tín hiệu tích cực trong vài năm gần đây là đối với học sinh trên địa bàn tỉnh, con đường vào đại học không còn là lựa chọn duy nhất. Điều này được minh chứng qua số liệu mỗi năm tại Quảng Trị có khoảng 50% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục theo học đại học, cao đẳng; số còn lại lựa chọn học nghề, du học vừa học vừa làm, xuất khẩu lao động...
Dù có đạt một số kết quả nhưng hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh trên địa bàn tỉnh vẫn nhiều hạn chế, thách thức. Trong đó, nhận thức của người dân đối với giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đầy đủ. Nhiều phụ huynh muốn cho con học THPT, sau đó thi vào đại học, cao đẳng dù chưa biết sau này ra trường các em làm nghề gì, làm ở đâu. Nhiều học sinh chưa xác định đúng năng lực bản thân, xu hướng nghề nghiệp xã hội.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền, truyền thông phân luồng học sinh ở các địa phương trong tỉnh không đồng đều, một số nơi chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức. Các cơ sở giáo dục thiếu cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp cũng như xu hướng, nhu cầu thị trường lao động, việc làm hiện nay. Công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông còn mang tính hình thức, chưa có giáo viên chuyên trách giáo dục, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa phương chủ yếu là vừa và nhỏ, chưa tạo ra được thị trường lao động để thu hút học sinh theo học nghề.
Để thực hiện hiệu quả việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đòi hỏi tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo Kế hoạch 1967/ KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Từ đó, huy động sự vào cuộc của xã hội, đặc biệt là sự đồng hành giữa các cơ sở giáo dục, giáo viên và gia đình. Không chỉ lớp 12 mà ngay từ cấp THCS, học sinh cần được định hướng nghề nghiệp một cách nghiêm túc. Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần thực hiện càng sớm càng tốt, giúp học sinh nhận biết đam mê, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để các em có thời gian chuẩn bị tinh thần, kiến thức, kỹ năng chọn nghề.
Có định hướng nghề nghiệp sớm học sinh sẽ có mục tiêu, động lực học tập tốt hơn; các cơ sở giáo dục giảm tỉ lệ học sinh, sinh viên thôi học, chuyển trường do học sinh lựa chọn nhầm ngành nghề theo học, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của gia đình và xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)