Văn hóa trong thời đại COVID-19

Quỳnh Hoa |

Ngoài thiệt hại về sinh mạng và gánh nặng đè lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, đại dịch COVID-19 còn gây ra khó khăn cho hầu hết các nền kinh tế và lực lượng lao động mọi lĩnh vực, ngành nghề.

Riêng trong lĩnh vực văn hóa, các tổ chức và cơ sở văn hóa phải đối mặt với tình trạng gián đoạn hoạt động kéo dài, nhiều nghệ sĩ và chuyên gia đã mất kế sinh nhai.

750 tỷ đô la Mỹ của lĩnh vực văn hóa toàn cầu đã “bốc hơi” vì dịch bệnh.
750 tỷ đô la Mỹ của lĩnh vực văn hóa toàn cầu đã “bốc hơi” vì dịch bệnh.

Mối đe dọa đối với sự đa dạng của các biểu hiện văn hóa

Theo báo cáo của UNESCO và Sở Văn hóa-Du lịch Abu Dhabi (UAE) công bố vào cuối tháng Sáu, lĩnh vực này đã trải qua sự suy giảm đáng kể trong đại dịch COVID-19, ghi nhận doanh thu tổng thể giảm tới 20-40% và mất đi khoảng 10 triệu việc làm chỉ tính riêng trong năm 2020. Xem xét tác động của COVID-19 trên tất cả các ngành nghề trong lĩnh vực văn hóa, báo cáo “Culture in Times of COVID-19: Resilience, Recovery and Revival” (Tạm dịch: Văn hóa trong thời kỳ COVID-19: Sự bền bỉ, Phục hồi và Phục hưng) nhấn mạnh rằng văn hóa là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên toàn cầu.

Để phản ứng trước sự lây lan của virus, trong số 167 quốc gia thành viên có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được công nhận, có đến 119 quốc gia đã đóng cửa hoàn toàn, 30 quốc gia đã đóng cửa một phần và chỉ có 18 quốc gia tiếp tục mở cửa các di sản vào năm 2020. Việc giãn cách nghiêm ngặt đã ảnh hưởng rất lớn về mặt kinh tế - xã hội đối với lực lượng lao động cũng như cộng đồng sinh sống tại hoặc trong phạm vi di sản. Quá trình mở cửa trở lại diễn ra khá chậm, không đồng đều và tốn kém. Những thách thức ngắn hạn diễn ra bao gồm hạn chế về năng lực tổ chức sự kiện, các biện pháp vệ sinh, tình trạng sức khỏe của nhân viên và sự ngần ngại của một số bộ phận khán giả khi xem xét việc quay trở lại với các địa điểm văn hóa.

Các buổi hòa nhạc được phát sóng dưới hình thức trực tuyến trong thời kỳ giãn cách vì đại dịch.
Các buổi hòa nhạc được phát sóng dưới hình thức trực tuyến trong thời kỳ giãn cách vì đại dịch.

750 tỷ đô la Mỹ của lĩnh vực văn hóa toàn cầu đã “bốc hơi” vì dịch bệnh. Trong khi tổng giá trị gia tăng (GVA) của nền kinh tế toàn cầu giảm 3% vào năm 2020, thì GVA của lĩnh vực văn hóa toàn cầu giảm 8%. Nếu chỉ tập trung vào các ngành văn hóa dựa vào trải nghiệm trực tiếp, thì GVA của lĩnh vực này đã giảm 25%, mức suy giảm lớn hơn gấp tám lần so với mức trung bình toàn cầu của toàn nền kinh tế.

"Chúng ta cần phải suy nghĩ lại về cách xây dựng một môi trường làm việc bền vững và hòa nhập cho các chuyên gia văn hóa và nghệ thuật, những người đóng vai trò quan trọng đối với xã hội trên toàn thế giới”.

Tất cả các khu vực đều chứng kiến sự suy giảm, hoặc giảm mạnh tốc độ phát triển so với trước đại dịch. Ở Mỹ Latinh và Caribe, lĩnh vực văn hóa đã giảm ước tính 13% GVA vào năm 2020, trong khi khu vực các quốc gia Ả Rập có mức tăng trưởng chậm lại 1,5% so với cùng kỳ.

Trong số 10 triệu người mất việc làm tính riêng trong năm 2020, các cá nhân ký hợp đồng ngắn hạn và làm việc theo dự án bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các tổ chức cơ sở, các nghệ sĩ mới nổi, những người làm sáng tạo tự do và các chuyên gia văn hóa không thuộc xu thế chủ đạo (mainstream) đã phải vật lộn để khẳng định vị trí của mình trong một hệ sinh thái văn hóa đang biến đổi, vốn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự đa dạng của các biểu hiện văn hóa.

Nhiều chuyên gia văn hóa, đặc biệt là các nghệ nhân độc lập, nghệ sĩ nữ và nghệ sĩ thuộc các nhóm thiểu số hoặc thiệt thòi, đã không thể duy trì nghề thủ công và sinh kế của mình. Cuối cùng, họ buộc phải từ bỏ lĩnh vực đang theo đuổi, nhân tài văn hóa có thể mất đi, kèm theo đó là tình trạng “xói mòn” sự đa dạng của các biểu hiện văn hóa.

Báo cáo sử dụng dữ liệu từ 100 báo cáo ngành, 40 cuộc phỏng vấn chuyên gia và các bài phân tích kinh tế.
Báo cáo sử dụng dữ liệu từ 100 báo cáo ngành, 40 cuộc phỏng vấn chuyên gia và các bài phân tích kinh tế.

Những bất bình đẳng này cùng sự chênh lệch gia các vùng miền đã làm suy yếu nghiêm trọng việc sản xuất, phân phối hàng hóa và dịch vụ văn hóa. Theo báo cáo, Mỹ Latinh ghi nhận việc 64% người làm nghề tự do trong lĩnh vực văn hóa bị mất hơn 80% thu nhập do COVID-19.

Thách thức từ bất bình đẳng trong chuyển đổi số văn hóa

Trong khi hầu hết lĩnh vực văn hóa bị sụt giảm mạnh, các nền tảng xuất bản trực tuyến và nghe nhìn lại tăng trưởng do sự phụ thuộc ngày càng nhiều của khán thính giả vào các nội dung kỹ thuật số trong thời kỳ đại dịch. Thu nhập từ tiền bản quyền và các kênh kỹ thuật số năm 2020 đạt 2,7 tỷ đô la Mỹ trên toàn cầu và thu nhập này hiện chiếm hơn một phần tư tổng doanh thu của ngành. Sự phát triển này chủ yếu được thúc đẩy bởi các dịch vụ video theo yêu cầu (VoD) và phát trực tuyến.

Nhiều nghệ sĩ và chuyên gia văn hóa đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội “lướt sóng công nghệ”, đưa những nội dung sáng tạo của mình lên nền tảng số, streaming site (trang web phát trực tuyến) cũng như tìm hiểu thêm về hình thức non-fungible token (NFT - chứng nhận tài sản số dựa trên blockchain). Điều này vốn đã manh nha trước đại dịch và COVID-19 càng làm cho chuyển đổi số biến thành một xu hướng không thể đảo chiều.

119 quốc gia đã đóng cửa toàn bộ địa điểm văn hóa năm 2020.
119 quốc gia đã đóng cửa toàn bộ địa điểm văn hóa năm 2020.

Lĩnh vực di sản cũng đã áp dụng công nghệ kỹ thuật số, khám phá những cách thức mới để tiếp cận sâu hơn và đa dạng hóa việc tiếp cận cả tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhiều bảo tàng đang tu sửa cách tiếp cận của mình để giới thiệu các bộ sưu tập, đồng quản lý các cuộc triển lãm kỹ thuật số với các tổ chức khác, đa dạng hóa nội dung và kênh trực tuyến, đồng thời cung cấp các dịch vụ như giáo dục thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Môi trường kỹ thuật số đã cho phép các sự kiện, lễ hội duy trì kết nối với khán giả và mở rộng phạm vi tiếp cận, từ việc phát tài liệu lưu trữ trực tuyến đến sản xuất các sự kiện kỹ thuật số trực tiếp.

Mặc dù vậy, khó có thể nói những “nguồn thu trực tuyến” này có thể bù đắp được cho sự thâm hụt từ những sự kiện trực tiếp, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc. Báo cáo cho hay, sự thống trị của các sự kiện trên nền tảng kỹ thuật số có thể dẫn đến sự phân chia doanh thu không công bằng giữa những người sáng tạo, nhà sản xuất và nhà phân phối.

Tác động của chuyển đổi số diễn ra không đồng đều trong lĩnh vực văn hóa. Có thể nhận thấy khoảng cách đáng kể về năng lực, chuyên môn giữa các tổ chức lớn và nhỏ, theo lĩnh vực địa lý và văn hóa, từ di sản, nghệ thuật thị giác và sách đến phương tiện nghe nhìn và tương tác, dịch vụ sáng tạo và thiết kế. Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số được thúc đẩy nhanh chóng bởi đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kỹ thuật số, tiếp tục hạn chế các tác nhân văn hóa và khán giả vốn thiếu nguồn lực hoặc khả năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật số trong việc sản xuất, phân phối và truy cập nội dung văn hóa.

UNESCO khẳng định, các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo chiếm 3,1% GDP của thế giới và 6,2% tổng số việc làm, khiến việc tập trung vào chính sách, lao động ngành văn hóa sẽ trở thành “đầu tư chiến lược để phát triển kinh tế” một cách hiệu quả và bền vững. Ông Ernesto Ottone, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về lĩnh vực Văn hóa nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải suy nghĩ lại về cách xây dựng một môi trường làm việc bền vững và hòa nhập cho các chuyên gia văn hóa và nghệ thuật, những người đóng vai trò quan trọng đối với xã hội trên toàn thế giới".

 

Theo các chuyên gia của UNESCO, thích ứng với môi trường kỹ thuật số vẫn là một thách thức đối với lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, đồng thời cho biết thêm rằng các thế hệ người làm văn hóa, nghệ thuật tương lai sẽ cần được đào tạo về những công nghệ để đạt được tiến bộ, cũng như tăng khả năng thích nghi trong những kịch bản tương tự có thể xảy đến.

(Nguồn: Ngày Nay)

TAGS

6 nhóm người có nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài

Hà My |

Theo các chuyên gia, thật khó để nói về nguyên nhân gốc rễ của COVID kéo dài, họ chỉ đưa ra những phỏng đoán về những người có thể có nguy cơ cao nhất.

Giải mã nguyên nhân gây COVID-19 kéo dài

PV |

Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ thực hiện cho thấy phản ứng miễn dịch của cơ thể được kích hoạt sau khi mắc COVID-19 sẽ gây tổn hại tới các mạch máu của não và có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng COVID kéo dài.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4

PV |

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4114/VPCP-KGVX ngày 2/7/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bệnh nhân COVID-19 nhập viện gia tăng

Thanh Mai |

Bệnh nhân COVID-19 nhập viện có xu hướng tăng những ngày gần đây, phần lớn ở nhóm đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, có bệnh nền mạn tính, béo phì…