Giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua có thể tạo cơ hội cho lạm phát gia tăng trở lại, tờ The New York Times nhận định.
Sự tăng giá phi mã của vàng - thị trường luôn được coi là ổn định
Thị trường vàng đang hoạt động vô cùng mạnh mẽ trong năm nay. Lần đầu tiên, giá vàng thế giới vượt mức 2.000 USD/ounce (quy đổi ra giá vàng trong nước là khoảng hơn 57 triệu đồng/lượng), phá vỡ mọi kỉ lục trong quá khứ.
Hiện tượng này xảy ra bởi tâm lý muốn tìm đến những sự đầu tư an toàn trong đại dịch - mà vàng luôn là sự lựa chọn hàng đầu.
Trong quá khứ, các nhà đầu tư nghiêm túc cho rằng vàng là một loại tài sản chỉ “nằm một chỗ” mà chẳng mang lại lợi ích gì. Theo họ, vàng giống như dầu mỏ, quặng sắt hoặc bất kỳ loại khoáng sản nào khác mà người ta đào từ lòng đất. Hầu hết giá cả của những loại hàng hoá đặc biệt này đều tăng và giảm theo chu kỳ chứ không tăng giá trị theo thời gian. Tại Mỹ, trong suốt thế kỷ qua, giá vàng chỉ tăng 1,1% so với mức tăng 6,5% của thị trường chứng khoán.
Vàng thường chỉ “tỏa sáng” trong những thời khắc khó khăn. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, giá vàng đã đạt đỉnh 1.900 USD/ounce vào năm 2011, rồi lại trượt dài trong những năm còn lại của thập kỷ tiếp theo.
Trong lịch sử, vàng hoạt động tốt nhất khi lãi suất giảm xuống dưới tỷ lệ lạm phát. Khi lợi tức trái phiếu (được điều chỉnh theo lạm phát) chuyển sang mức âm, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn khi sở hữu vàng như một vật tích trữ giá trị, ngay cả khi nó không mang lại lợi ích gì.
Đó là những điều đã xảy ra trong vài tháng qua. Với lợi suất trái phiếu gần bằng 0 ở Mỹ và âm ở châu Âu và Nhật Bản, các nhà đầu tư đã đẩy giá vàng tăng hơn 30% trong năm nay. Trong những tuần gần đây, giá vàng liên tục phá vỡ kỷ lục do các nhà đầu tư trên thế giới lo ngại rằng, số tiền mà chính phủ các nước đang bơm vào nền kinh tế của họ sẽ gây nên lạm phát.
Ngoài ra, với việc định giá cổ phiếu cao hơn mức trung bình, vàng có vẻ khá rẻ. Và với việc các ngân hàng trung ương đang liên tục in tiền, một số người coi vàng là sự thay thế an toàn cho đồng đô-la và các loại tiền tệ chính khác. Bên cạnh đó, vàng cũng đang kéo giá của người anh em kém hấp dẫn hơn của nó là bạc lên.
Một tín hiệu đáng lo ngại
Tuy vậy, “cơn sốt” vàng khiến một số nhà đầu tư lo ngại rằng dòng tiền đang đổ ra từ các ngân hàng trung ương và các chương trình kích thích kinh tế của chính phủ có thể gây ra lạm phát - một điềm báo rất đáng lo ngại về kinh tế.
Khi vàng tiếp tục tăng giá, khả năng xảy ra lạm phát sẽ tăng theo. Hầu hết các quốc gia đều đang bơm những gói kích cầu kỷ lục vào nền kinh tế của mình, trong khi các yếu tố giữ lạm phát trong tầm kiểm soát như toàn cầu hóa, đang suy yếu.
Thông thường, nếu lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất để đối phó. Nhưng đa số các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều không hứng thú với việc tăng lãi suất vào thời điểm này.
Đây không phải là một tín hiệu tốt. Khi lãi suất ở mức thấp, tiền hầu như không có giá trị. Điều này sẽ khuyến khích những khoản đầu tư vào các tài sản không có giá trị với xã hội. Trong thời điểm vừa qua, vàng chính là ví dụ điển hình.
Rủi ro hơn, kiểu đầu tư tài chính thuần túy này sẽ làm suy yếu nền kinh tế bằng cách hút các nguồn vốn đang được sử dụng cho những mục đích sử dụng hiệu quả hơn.
Tuy vậy, trừ khi một loại vắc-xin xuất hiện nhanh chóng, các ngân hàng trung ương ngừng in tiền một cách điên cuồng và lãi suất thực bắt đầu tăng trở lại, thì rất khó để “cơn sốt vàng” hiện nay có thể hạ nhiệt.
(Nguồn: The New York Times)