Chắt chiu những giọt vàng của biển

Hoài Diễm Chi |

Trăn trở với đặc sản của vùng biển Mỹ Thủy, sau nhiều năm ấp ủ, anh Trần Văn Nọ, sinh năm 1970, ở Khóm 8, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), đã nghiên cứu và sản xuất thành công nước mắm biển Mỹ An với chất lượng đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh 4 sao. Sản phẩm được Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An phân phối rộng rãi ra các thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh Nọ công tác trong ngành xây dựng, kỹ thuật khai thác mỏ nhưng rất tâm huyết và có kiến thức về quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống của quê hương.


Tâm huyết với đặc sản quê hương

Tuy công việc chuyên môn hoàn toàn không liên quan gì đến sản xuất thương mại tổng hợp hay chế biến nhưng anh Nọ vẫn dành một tình yêu đặc biệt cho các làng nghề truyền thống và những sản vật của quê hương.

Anh từng dành thời gian nhiều năm để tìm hiểu, nghiên cứu quy trình sản xuất rượu Kim Long và những đặc sản khác của vùng quê Hải Lăng. Hiện anh là Giám đốc điều hành mỏ của Công ty Cổ phần Đầu tư và khoáng sản VICO Quảng Trị, đồng thời là chuyên viên pháp lý cảng Mỹ Thủy thuộc Công ty Cổ phần Liên doanh quốc tế cảng Mỹ Thủy.

Đại diện Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An (thứ nhất, bên phải) nhận giấy chứng nhận nước mắm biển Mỹ An là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Trị năm 2022 - Ảnh: D.C
Đại diện Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An (thứ nhất, bên phải) nhận giấy chứng nhận nước mắm biển Mỹ An là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Trị năm 2022 - Ảnh: D.C

Bắt đầu từ năm 2016, anh Nọ ấp ủ giấc mơ tạo ra một quy trình chuyên môn hóa, khép kín trong sản xuất nước mắm biển Mỹ Thủy và trăn trở làm sao để khắc phục những điểm hạn chế của sản xuất nước mắm theo kiểu truyền thống ở địa phương. Cũng từ đây, anh đầu tư nhiều công sức và thời gian hơn cho dự định này.

“Ban đầu khi biết ý tưởng của tôi, nhiều người cho rằng tính khả thi không cao bởi làng nghề nước mắm đặc sản ở biển Mỹ Thủy từ bao đời đã sản xuất theo công thức thủ công truyền thống. Mặt khác, tôi không phải là người gốc Mỹ Thủy nên việc mở cơ sở sản xuất nước mắm khép kín ngay tại đây được xem là “múa rìu qua mắt thợ”. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm thực hiện dự định của mình”, anh Nọ kể lại.

Cũng trong năm 2016, anh Nọ đã dành nhiều thời gian đến các trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật và làng nghề truyền thống tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Tĩnh, Nghệ An... để tìm hiểu quy trình sản xuất nước mắm sạch của người dân nơi đây. Anh chia sẻ: “Qua tìm hiểu, tôi thấy quá trình sản xuất nước mắm theo cách truyền thống của bà con vùng biển Mỹ Thủy phụ thuộc và ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, dẫn đến quá trình lên men để tạo ra nước mắm không được đảm bảo.

Việc ủ chượp bằng phương thức truyền thống trong các lu, bể xi măng chứa được ít nguyên liệu, mặt khác cũng dễ gây ô nhiễm môi trường và chưa đảm bảo vệ sinh. Năm 2017, sau khi nắm được quy trình sản xuất mới theo công nghệ hiện đại khắc phục được những hạn chế trên, tôi quyết định mở một cơ sở sản xuất nước mắm ngay tại thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, với tổng số vốn đầu tư ban đầu trên 200 triệu đồng cho 3 bồn ủ chượp và 5,1 tấn cá nục thu mua từ các tàu ở cảng Cửa Việt”.

Sản phẩm nước mắm Mỹ An được kiểm tra chất lượng, chiết xuất đóng chai qua hệ thống ống dẫn theo quy trình khép kín - Ảnh: D.C
Sản phẩm nước mắm Mỹ An được kiểm tra chất lượng, chiết xuất đóng chai qua hệ thống ống dẫn theo quy trình khép kín - Ảnh: D.C

Anh Nọ cho hay, công nghệ sản xuất của cơ sở do chính anh nghiên cứu sử dụng hệ thống điều chỉnh nhiệt độ để giữ ổn định nhiệt cho các thùng ủ chượp từ 45-50 độ C, hệ thống năng lượng mặt trời để gia nhiệt cho quá trình lên men đúng quy chuẩn. Khi nước mắm chín sẽ có đội ngũ kỹ thuật kiểm tra chất lượng, chiết xuất đóng chai qua hệ thống ống dẫn theo quy trình khép kín.

Về việc ủ chượp, anh Nọ đầu tư bồn ủ bằng chất liệu composite, inox với sức chứa mỗi thùng gần 2 tấn nguyên liệu. Mỗi vụ cá, công ty thu mua khoảng 100 tấn cá nục tại biển Cửa Việt. Với quy trình sản xuất hoàn toàn khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường, thời gian để có được sản phẩm nước mắm thơm ngon, đúng hương vị và màu sắc như mong muốn là khoảng 10 tháng đến 1 năm.

Quá trình sản xuất, anh Nọ thuê nhiều lao động tại địa phương, những người có kinh nghiệm làm nước mắm truyền thống và không dấu công nghệ của mình mà luôn chia sẻ, giải thích điểm khác biệt cũng như hiệu quả của nó để nhiều bà con biết đến và áp dụng.

Năm 2018, cơ sở sản xuất của anh Nọ cho ra mẻ đầu tiên với 3.500 lít nước mắm nguyên chất. “Lần đầu tiên nhìn những giọt nước mắm vàng óng được sản xuất từ chính công nghệ do mình nắm giữ, tôi hạnh phúc bởi sự nỗ lực của bản thân và các anh em bước đầu thành công. Nước mắm biển Mỹ An là sản vật mà chúng tôi chắt chiu từ biển cả quê hương và sẽ mang đến mọi miền”, anh xúc động nói.

Khi sản phẩm làm ra, tự tin về chất lượng nước mắm an toàn cho sức khỏe người dùng, anh Nọ tặng cho nhiều người dân ở Mỹ Thủy ăn thử. Điều phấn khởi là hầu hết những người dân miền biển nơi đây, nhất là những người làm nghề lâu năm, đều đánh giá cao về chất lượng, màu sắc của sản phẩm mới từ công nghệ sạch khép kín.

Nỗ lực khẳng định thương hiệu

Từ thành công của lần sản xuất đầu tiên, năm 2019, anh Nọ đầu tư xây dựng mở rộng nhà xưởng, mua thêm 7 bồn chứa composite, nâng tổng số lên 10 bồn, đầu tư thêm cơ sở vật chất và từng bước hoàn thiện dây chuyền sản xuất một cách chuyên nghiệp hơn. Đồng thời tiếp tục nỗ lực điều chỉnh độ mặn của nước mắm, mẫu mã cho phù hợp với khẩu vị đại đa số người tiêu dùng. Từ đó ổn định chất lượng sản phẩm để từng bước tiếp cận với nhiều người, đưa đặc sản quê hương Mỹ Thủy ra thị trường.

Thùng ủ chượp của Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời để gia nhiệt cho quá trình lên men - Ảnh: D.C
Thùng ủ chượp của Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời để gia nhiệt cho quá trình lên men - Ảnh: D.C


Ngày 9/9/2021, Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An chính thức được thành lập. Cái tên “Mỹ An” theo anh Nọ lý giải có rất nhiều ý nghĩa. Đó là hai chữ viết tắt lấy từ địa danh sản xuất ra sản phẩm nước mắm của công ty: tại thôn Mỹ Thủy, xã Hải An. Ngoài ra, cái tên này còn có thêm ý nghĩa: “mỹ” là đẹp, “an” là an toàn thực phẩm.

Về lực lượng lao động trong công ty, anh Nọ tuyển chọn những nhân viên thực sự có tâm và chịu khó, có niềm tin vào sản phẩm mới để đồng hành lâu dài. Nhiều năm qua, đội ngũ nhân viên Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An tích cực làm công tác tiếp thị, giới thiệu, không ngần ngại đến những thôn, xóm xa xôi trong tỉnh để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.

Với những nỗ lực đưa thương hiệu nước mắm quê hương Mỹ Thủy phát triển trên thị trường, hiện mỗi tháng công ty đã bán được từ 7.000- 10.000 chai nước mắm các loại.

Năm 2022, sản phẩm nước mắm biển Mỹ An được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Trị. Nhờ luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng phụ gia độc hại, không chất tạo màu... nên sản phẩm làm ra có màu vàng rơm sóng sánh, mùi thơm đặc biệt, không thể lẫn lộn với các loại nước mắm khác.

Dù chỉ mới đi vào ổn định sản xuất nhưng nước mắm Mỹ An với hương vị mặn mòi, thơm ngon được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích. Hiện đã có 2 loại nước mắm nguyên chất và pha sẵn để người dùng lựa chọn. Đến nay, hằng năm công ty sản xuất được khoảng 18.000 lít nước mắm; mang về doanh thu khoảng 900 triệu đồng.

Anh Nọ nói thêm: “Mặc dù công ty vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nhiều phân khúc khách hàng nhưng chúng tôi rất phấn khởi vì sản phẩm nước mắm biển Mỹ An hiện đã có mặt tại nhiều chợ, các cửa hàng, siêu thị thực phẩm sạch trong toàn tỉnh; được phân phối rộng rãi ra thị trường ngoài tỉnh như các TP: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế...Thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực điều chỉnh độ mặn theo phản hồi của khách hàng, đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, phân phối bán lẻ trong cả nước để ngày càng nhiều người được thưởng thức sản phẩm đậm đà, độc đáo của miền biển Quảng Trị...”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cảng biển Mỹ Thủy, lối mở ra Thái Bình Dương

Thanh Trúc |

Sau một thời gian chậm tiến độ do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, những ngày đầu năm mới 2024, tỉnh Quảng Trị và nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục cần thiết để triển khai thi công Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy vào cuối tháng 3/2024.

Huyện Gio Linh chú trọng phát triển kinh tế vùng biển

Trần Tuyền |

Là địa phương có thế mạnh về biển nên thời gian qua, huyện Gio Linh (Quảng Trị) luôn xác định phát triển kinh tế vùng biển là yếu tố quan trọng, quyết định đến nhiệm vụ phát triển KT- XH của địa phương. 

Sơ kết thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” trên địa bàn biên giới biển huyện Triệu Phong

Xuân Thế |

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của người dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, với phương châm mỗi “mỗi thôn, xóm là một pháo đài”, mỗi ngư dân là một cột mốc sống trên biển- ngày Biên phòng toàn dân, giai đoạn 2019-2024 trên địa bàn biên giới 03 xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) thực sự đã trở thành ngày hội của toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Ngư dân thu “lộc biển” đầu năm

Hải An |

Sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn, đến thời điểm hiện tại, ngư dân trên địa bàn tỉnh đang rộn ràng “mở biển” với mong ước một năm sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.