Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, hiện nay việc sở hữu một chiếc ô tô không còn quá khó với nhiều gia đình. Theo đó, nhu cầu học lái xe ô tô của người dân cũng ngày càng tăng. Trước thực tế này, các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tăng cường năng lực về mọi mặt để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Gia đình chuẩn bị mua một chiếc xe ô tô 5 chỗ ngồi nên anh Bùi Đức Tuấn Phong ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ tìm đến Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Trị để học lái xe ô tô hạng B2. Sau một thời gian học, đến nay anh Phong đã cơ bản nắm vững lý thuyết, thực hành lái xe khá thành thạo.
Theo anh Phong, việc anh tiếp thu được kiến thức, kỹ năng lái xe nhanh là nhờ đội ngũ giáo viên của nhà trường rất chuyên nghiệp, chu đáo với học viên; phương tiện, trang thiết bị phục vụ học tập được đầu tư đồng bộ, hiện đại; nhà trường tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ GTVT trong đào tạo lái xe. “Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là tới kỳ sát hạch để được cấp bằng lái xe. Tôi tự tin mình sẽ có kết quả tốt, được cấp bằng lái ô tô phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày”, anh Phong nói.
Đây cũng là cảm nhận của nhiều học viên đang học lái ô tô tại Trường Trung cấp nghề GTVT Quảng Trị. Ông Trần Minh Trung, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, đáp ứng tốt nhu cầu học lái ô tô của người dân, nhà trường đã tập trung đầu tư cả về con người và cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Đến nay trường có hơn 60 giáo viên, có 40 giáo viên dạy được cả lý thuyết và thực hành; trên 60 ô tô các loại, trong đó có 40 chiếc đã lắp thiết bị giám sát hành trình để quản lý thông tin về định danh và quá trình học thực hành lái xe trên đường của học viên. Các phòng học lý thuyết được trang bị đầy đủ thiết bị theo quy định của Bộ GTVT và máy điều hòa không khí.
“Hiện trung bình mỗi năm nhà trường đào tạo khoảng 1.800 học viên lái xe các hạng, nhiều nhất là hạng B1, B2 phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân bằng ô tô cá nhân”, ông Trung cho biết thêm.
Bắt đầu đào tạo lái xe từ tháng 10/2020, hiện Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Quảng Trị có 32 cán bộ, giáo viên, 40 ô tô các loại cùng các trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo lái xe và phục vụ cơ sở vật chất cho công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe đảm bảo quy chuẩn của Bộ GTVT. Với năng lực của mình, trung tâm có khả năng đào tạo gần 2.000 học viên/năm.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Quảng Trị Nguyễn Văn Ngọ thông tin: “Mặc dù mới thực hiện chức năng đào tạo lái xe nhưng trung tâm đã thu hút lượng học viên khá lớn nhờ đội ngũ giáo viên có kỹ năng, kinh nghiệm tốt cũng như phương tiện, thiết bị phục vụ học lái xe được đầu tư mới, đồng bộ”. Chị Hồ Thị Mỹ, ở phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà cho biết: “Đội ngũ giáo viên tận tình, xe học lái mới nên học viên trung tâm rất thuận lợi trong việc học, tiếp thu nhanh cả lý thuyết cũng như thực hành”.
Thông tin từ Sở GTVT cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 4 cơ sở đào tạo lái xe do sở quản lý là Trường Trung cấp nghề GTVT Quảng Trị, Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Quảng Trị, Trường Trung cấp nghề Tổng hợp ASEAN và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Mạnh Linh. Với năng lực của mình, các cơ sở đào tạo lái xe cơ bản đáp ứng được nhu cầu học lái xe của người dân trên địa bàn tỉnh. Để quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực này của các cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Coi trọng việc cấp, cấp lại giấy phép đào tạo lái xe phù hợp với cơ sở vật chất, năng lực thực tiễn của cơ sở đào tạo; cấp giấy phép xe tập lái: cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe; việc ban hành, thực hiện mức thu học phí của các cơ sở đào tạo…
Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT cho biết: “Để tăng cường công tác quản lý nội dung, chương trình đào tạo lái xe, Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình đào tạo theo quy định của Bộ GTVT. Nhất là các môn Luật Giao thông đường bộ, cấu tạo và sửa chữa thông thường, mô phỏng các tình huống giao thông, kỹ thuật lái xe, đạo đức và văn hóa giao thông.
Chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe có quy chế cụ thể đối với học viên, giáo viên khi học thực hành lái xe, dã ngoại đường trường, chống các biểu hiện tiêu cực; bố trí giáo viên đủ điều kiện giảng dạy các môn học lý thuyết và thực hành lái xe theo quy định”.
Cũng theo ông Quý, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ luôn được quan tâm thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe. Trong đó, các cơ sở đào tạo lái xe đã lắp đặt đầy đủ thiết bị nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết đối với học viên học lái xe ô tô từ hạng B2 trở lên tại các phòng học; lắp đặt thiết bị theo dõi thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên các xe tập lái, cài đặt và truyền dẫn dữ liệu của từng học viên đến máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định… Từ năm 2020 đến nay, Sở GTVT thực hiện cấp mới 21.214 giấy phép lái xe; cấp đổi, cấp lại 15.338 giấy phép lái xe.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)