Đưa thương hiệu may Việt Tú vươn xa

Trần Tuyền |

Gần 30 năm bám trụ với nghề may, bằng tình yêu nghề, lòng quyết tâm bền bỉ và ý chí vươn lên, anh Trần Văn Tú (sinh năm 1970) ở Khu phố 7, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã đưa nhà may với 1 máy may giản đơn phục vụ nhu cầu may mặc cơ bản của người dân trong vùng phát triển thành Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Tú có thương hiệu trong và ngoài tỉnh.

Bám trụ với nghề

Giữa tháng 3 vừa qua, UBND huyện Gio Linh tổ chức tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2017 - 2021, triển khai phương hướng, giải pháp giai đoạn 2022 - 2027. Tại đây, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh biểu dương, tặng giấy khen cho 12 tập thể, 38 cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2017 - 2021. Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Tú (Công ty Việt Tú) là một trong những tập thể được tặng giấy khen. Ít ai biết rằng, để có được ngày hôm nay, anh Trần Văn Tú - Giám đốc công ty phải trải qua thời gian dài kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ.

Từ một nhà may nhỏ, anh Trần Văn Tú đã phát triển cơ sở của mình thành Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Tú - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Từ một nhà may nhỏ, anh Trần Văn Tú đã phát triển cơ sở của mình thành Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Tú - Ảnh: TRẦN TUYỀN


Anh Tú không giấu được niềm vui khi nhắc đến quá trình lập nghiệp thành công của mình. “Cách đây hơn 30 năm trước, sau khi học hết lớp 12, tôi khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh để thi đại học. Khi biết kết quả không như ý muốn, tôi quyết định ở lại học nghề may. Sau 3 năm “tầm sư học đạo”, tôi trở về quê để lập nghiệp. Lúc bấy giờ, mẹ tôi phải bán đi 1 chỉ vàng và đàn heo để mua cho tôi một bộ máy may. Năm 1993, nhà may “Win” ra đời”, anh Tú nhớ lại quãng thời gian buổi đầu khởi nghiệp.

Là người có tay nghề, thị trấn Gio Linh lúc ấy cũng chỉ có một vài tiệm may nên công việc của anh Tú khá thuận lợi. Tiếng lành đồn xa. Khách đến đặt may áo quần sơ mi ngày càng nhiều. Nhiều người trẻ đến xin học nghề từ anh. Lúc cao điểm, anh Tú có đến 30 người học trò. Thấy nghề may có tương lai, nhiều người quanh vùng cũng mở nhà may. Song, số người vượt qua được khó khăn, bám trụ với nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết, các chủ nhà may khác chuyển nghề để tìm kế sinh nhai.

Để bám trụ được với nghề may đã khó, làm giàu từ nghề này còn khó khăn gấp bội. Bởi, đặc thù nghề may là cho thu nhập thấp, chủ yếu lấy công làm lãi. Nhận thấy may áo quần sơ mi khó phát triển về lâu dài nên vào năm 2003, anh Tú lại khăn gói lên đường vào Huế và một số tỉnh, thành khác để học nghề may veston. Cũng trong năm này, anh mở tiệm veston Việt Tú, chuyên may đồ vest và áo quần sơ mi. “Vì quá yêu nghề nên tôi tự dặn lòng dù có khó khăn đến đâu cũng sẽ quyết tâm bám trụ. Ước mơ của tôi là sẽ đưa thương hiệu may của mình vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh”, anh Tú kể.

Với tay nghề cao, phong thái làm việc chuyên nghiệp cộng thêm cung cách phục vụ tận tình, chu đáo với phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” nên lượng khách đến với tiệm may Việt Tú ngày càng đông. Những bộ vest do tiệm Việt Tú may đã đến với những vị khách khó tính trong và ngoài tỉnh. “May sơ mi thì đại trà. May veston cũng có nhiều tiệm. Vậy, đâu là bí kíp để anh níu chân khách hàng với lượng khách ruột đông như vậy?”, tôi hỏi. Anh Tú cười đáp: “Để xây dựng và giữ vững thương hiệu Việt Tú, tôi luôn cố gắng nâng cao tay nghề của mình và nhân viên. 15 năm nay, tôi không còn trực tiếp đứng may nữa mà chỉ đảm nhận khâu đo, cắt vải. Công đoạn may sẽ có bộ phận chuyên biệt thực hiện. Mỗi người làm một việc nên họ tập trung tối đa vào công việc của mình. Vì vậy, sản phẩm của Việt Tú luôn đạt chất lượng và được khách hàng tin tưởng”.

Đưa thương hiệu vươn xa

Tháng 6/2021, anh Tú mở rộng cơ sở thành xưởng may Việt Tú. Nguyên do anh Tú mở xưởng là vì nắm bắt được xu thế hiện nay, người tiêu dùng hầu hết chuộng đồ may sẵn, ít dành thời gian để may đo theo phương thức truyền thống. Cơ hội đến với anh khi có người thân làm trong ban lãnh đạo Công ty Cổ phần May BHAD, trụ sở tại Thanh Hóa (Công ty BHAD). Qua quá trình tìm hiểu, kết nối, anh Tú quyết định chuyển hướng sang ngành may công nghiệp xuất khẩu.

Sau khi mở xưởng may, anh Tú đầu tư máy móc, thiết bị theo công nghệ dây chuyền hiện đại. Các thủ tục nhận hàng, nguyên vật liệu, xuất khẩu hàng do Công ty BHAD hỗ trợ. Sản phẩm xưởng may Việt Tú ký kết với công ty này chủ yếu là trang phục thể thao xuất khẩu đi các nước Châu Mỹ và Châu Âu. “Sau khi hoàn thành đơn hàng, chúng tôi sẽ vận chuyển đến Công ty BHAD để công ty xuất khẩu hàng đi các nước. Tuy nhiên, vì chất lượng cũng như số lượng đơn hàng của chúng tôi đều đạt chất lượng kiểm định nên năm ngoái, xưởng may Việt Tú trực tiếp xuất đi được 2 container mà không cần phải chuyển ra công ty. Điều này khẳng định tay nghề, uy tín cũng như chất lượng sản phẩm mà xưởng may Việt Tú làm ra”, anh Tú nói.

Ngày 28/10/2021, anh Tú đăng ký thành lập Công ty Việt Tú. Khi đã có tư cách pháp nhân, anh Tú có thể độc lập nhận đơn hàng vì nhiều nơi ngoài Công ty BHAD. Các đơn hàng của Công ty Việt Tú chủ yếu là trang phục mùa đông, xuất khẩu đi các nước Châu Âu và Châu Mỹ. Để đáp ứng được yêu cầu, quy định nghiêm ngặt của thị trường các nước lớn, Công ty Việt Tú phải đảm bảo quy định về đội ngũ quản lý, kỹ thuật, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Từ khi thành lập công ty đến nay, anh Tú đã ký kết 1 đơn hàng với một công ty ở Quảng Ngãi và 3 đơn hàng với Công ty BHAD. Mỗi đơn hàng kéo dài từ 3-6 tháng.

Đội ngũ công nhân trong công ty đều có tay nghề cao -Ảnh: TRẦN TUYỀN
Đội ngũ công nhân trong công ty đều có tay nghề cao -Ảnh: TRẦN TUYỀN

Hiện tại, Công ty Việt Tú tạo việc làm ổn định cho 50 lao động trong và ngoài huyện với mức thu nhập từ 4 - 10 triệu đồng/người/tháng. Kế hoạch trong năm 2022 này, anh Tú sẽ mở rộng chuyền may và tuyển thêm 50 lao động nữa. Để thu hút và giữ chân người lao động, Công ty Việt Tú có nhiều chế độ ưu đãi, đảm bảo lợi ích về trước mắt cũng như lâu dài cho họ. Cụ thể như nếu làm việc chuyên cần thì mỗi tháng, người lao động sẽ được hỗ trợ trên 500 nghìn đồng/người; những người nhà ở xa được hỗ trợ thêm tiền xăng; người mới vào làm và giới thiệu bạn bè đến công ty làm việc cũng được hỗ trợ bằng tiền mặt... Anh Tú cũng sẵn sàng bố trí công việc cho người lao động có tay nghề trở về từ các tỉnh, thành phía Nam vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngày 28/1/2022, Công ty Việt Tú thành lập công đoàn cơ sở với 24 đoàn viên.

“Điều thuận lợi và may mắn đối với công ty chúng tôi là luôn được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ về nhiều mặt để công ty có cơ hội phát triển. Sắp tới, ngoài việc ký hợp đồng nhận đơn hàng từ các công ty đối tác, chúng tôi sẽ cung cấp hàng cho các xưởng may vừa và nhỏ trong, ngoài tỉnh để hợp tác lâu dài. Vừa rồi, tập thể công ty được UBND huyện tặng giấy khen “Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước huyện Gio Linh giai đoạn 2017 - 2021”. Số tiền thưởng được UBND huyện tặng, tôi sẽ dành tặng lại cho người lao động của công ty. Món quà tuy không lớn nhưng phần nào động viên, khích lệ họ hăng say với công việc hơn và tiếp tục gắn bó với công ty”, anh Tú chia sẻ thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Người góp phần xây dựng thương hiệu cao dược liệu Định Sơn

Anh Vũ |

Làng Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) được nhiều người biết đến là làng nghề nấu các loại cao dược liệu gần 20 năm nay. 

Xây dựng thương hiệu “Gà đồi Quang Huy” ở Khe Nánh

Trần Tuyền |

Hơn 10 năm trước, khi cùng vợ khăn gói lên xây dựng trang trại trên vùng đồi Khe Nánh, anh Lê Đức Quang Huy (sinh năm 1983), ở thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng không thể ngờ rằng mình có thể gây dựng được một cơ ngơi như bây giờ. Với nghị lực vượt khó và ý chí vươn lên, anh trở thành tấm gương điển hình trong phong trào lập thân, lập nghiệp của xã Vĩnh Chấp.

Hạt tiêu đỏ hữu cơ Vĩnh Linh đạt giải “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021”

PV |

Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị thông báo kết quả bình chọn “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021”.

Quảng Trị có 10 sản phẩm đoạt giải Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021

Thanh Trúc |

Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vừa công bố danh sách 119 thương hiệu, sản phẩm được tôn vinh danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2021. Trong đó, Quảng Trị có 10 sản phẩm đoạt giải.