Hơn 10 năm trước, khi cùng vợ khăn gói lên xây dựng trang trại trên vùng đồi Khe Nánh, anh Lê Đức Quang Huy (sinh năm 1983), ở thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng không thể ngờ rằng mình có thể gây dựng được một cơ ngơi như bây giờ. Với nghị lực vượt khó và ý chí vươn lên, anh trở thành tấm gương điển hình trong phong trào lập thân, lập nghiệp của xã Vĩnh Chấp.
Năm 2008, anh Huy lập gia đình. Cuộc sống những ngày đầu mới ra riêng gặp nhiều khó khăn nên anh bàn với vợ xin bố mảnh đất của gia đình ở đồi Khe Nánh để làm ăn. Với số vốn 20 triệu đồng vay từ ngân hàng chính sách xã hội, hai vợ chồng mua giống cây cao su, tràm, rồi ngày đêm vỡ đất trồng rừng. Nhờ chăm chỉ, chịu thương chịu khó nên chỉ sau vài năm vợ chồng anh đã biến vùng đồi lau sậy rậm rịt thành cánh rừng xanh bạt ngàn với 2 ha cao su, 5 ha tràm.
Khi rừng cây bắt đầu cho khai thác thì cũng là lúc cuộc sống của vợ chồng anh Huy dần đổi thay. Từ tiền bán mủ cao su và gỗ tràm, anh vừa đầu tư để tái sản xuất, vừa tích lũy vốn mua thêm đất ruộng của các gia đình trong thôn để đào ao thả cá, nuôi gia súc, gia cầm. Đến năm 2014 thì trang trại tổng hợp của anh thành hình thành dạng như bây giờ.
Trên diện tích 7 ha, trang trại tổng hợp được anh Huy quy hoạch khá bài bản. Dưới tán rừng là hệ thống chuồng trại khép kín nuôi lợn thịt (mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa từ 200 - 300 con), hơn 10 con lợn nái để chủ động về nguồn giống. Giữa vùng ruộng trũng, anh đào ao thả cá nước ngọt với diện tích mặt nước 1 ha (sản lượng khoảng 4-5 tấn/năm) kết hợp nuôi vịt thịt. Đầu năm 2018, nắm bắt nhu cầu thị trường trong việc lựa chọn các loại thực phẩm sạch, được sản xuất theo hướng hữu cơ, anh Huy đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà đồi với mục tiêu tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Để hiện thực hóa ý tưởng của mình, anh dành thời gian theo học lớp trung cấp thú y. Khi đã nắm chắc kiến thức cơ bản kết hợp kinh nghiệm thực tiễn được đúc rút trong quá trình sản xuất, anh chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi gà thả đồi.
“Lứa nuôi đầu tiên, tôi thả 1.000 con giống gà ri thuần chủng, được nhập từ một trung tâm giống uy tín. Gà giống khi qua giai đoạn om tại chuồng sẽ được thả ra đồi để tự tìm thức ăn. Nguồn thức ăn chính của gà ri ngoài ngô, cám, khoáng chất còn có các loại côn trùng và phụ phẩm nông nghiệp. Gà được tiêm phòng đầy đủ theo phác đồ nên dịch bệnh rất ít khi xảy ra. Sau khoảng 4 tháng chăm sóc theo quy trình, đàn gà ri phát triển nhanh, đồng đều, trọng lượng tại thời điểm xuất bán đạt từ 1,2 - 1,5 kg/ con”, anh Huy cho hay.
Phương pháp nuôi gà ri của anh Huy mặc dù thời gian nuôi dài hơn so với nuôi công nghiệp, bán công nghiệp nhưng chi phí thấp, đặc biệt là thịt gà săn chắc, thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng, khâu đầu ra được đảm bảo. Từ thành công bước đầu, anh Huy tăng dần số lượng gà giống. Trung bình mỗi năm, anh nuôi khoảng 5.000 con gà ri.
Là người trẻ, có kiến thức nên anh Huy rất chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Anh Huy cho biết hiện đã đăng ký thành công nhãn hiệu “Gà đồi Quang Huy” và đang tiến tới xây dựng thương hiệu. Gà ri thương phẩm của anh đã đến được với các chợ đầu mối, trung tâm mua sắm, siêu thị... trong tỉnh.
“Vừa qua, Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn nhằm cung cấp ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có sản phẩm gà ri thả đồi của gia đình tôi. Hiện, UBND xã đang hoàn thiện hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm “Gà đồi Quang Huy”, anh Huy phấn khởi chia sẻ.
Từ mô hình trang trại tổng hợp này, mỗi năm, sau khi trừ các chi phí gia đình anh Huy thu lãi ròng từ 200 - 300 triệu đồng. Nhiều năm liền, gia đình được công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Huy còn được người dân trong vùng quý mến bởi tấm lòng thơm thảo. Ai có nhu cầu về con giống hay kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, anh đều tận tình chia sẻ kinh nghiệm.
Ngoài ra, với cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp, anh thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương để chủ động làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)