Kỳ vọng mô hình trồng cây gai xanh AP1

Lê An |

Sau 5 tháng đưa vào trồng thử nghiệm, mô hình trồng cây gai xanh AP1 do Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị phối hợp với Tập đoàn An Phước - Viramie thực hiện đã cho những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Mô hình hứa hẹn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

 
 Sơ chế vỏ gai bằng máy tuốt sợi ngay tại mô hình - Ảnh: L.A
      

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị Lê Quang Nhật cho biết, nhận thấy hiệu quả từ cây gai xanh, cuối năm 2024, công ty phối hợp với Tập đoàn An Phước - Viramie triển khai trồng thử nghiệm cây gai xanh tại các xã: Cam Hiếu, Cam Chính, Cam Thành (huyện Cam Lộ); Linh Trường (huyện Gio Linh) và Triệu Nguyên (huyện Đakrông) trên diện tích gần 4,5 ha với 26 hộ tham gia. Sử dụng giống gai xanh AP1 do Tập đoàn An Phước - Viramie phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu và tuyển chọn, mật độ trồng từ 23.000 - 25.000 cây/ha.

Tham gia mô hình, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị phối hợp với các địa phương khảo sát lựa chọn chất đất, vùng trồng phù hợp và tổ chức cho các hộ nông dân thực hiện mô hình đi tham quan, tập huấn kỹ thuật. Đồng thời hỗ trợ toàn bộ vật tư đầu vào như phân bón, cây giống... Đội kỹ thuật của công ty hướng dẫn trực tiếp ngay tại ruộng từ quy trình chuẩn bị đất trồng, bón phân, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại, cách thu hoạch. Công ty ký hợp đồng cam kết bao tiêu toàn bộ vỏ cây gai xanh thu hoạch được cho nông dân.

Theo ông Nhật, mặc dù điều kiện thời tiết thời điểm xuống giống có nhiều bất lợi, mưa rét kéo dài, cây giống phải bảo quản dã chiến khá lâu nhưng nhờ nỗ lực của các hộ nông dân, sự đồng hành của đội ngũ kỹ thuật nên các vườn gai xanh vẫn sinh trưởng tốt, tỉ lệ nảy mầm đạt từ 90%- 98%. “Hiện tại mô hình bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Để thuận lợi cho nông dân, công ty đã phối hợp với Tập đoàn An Phước - Viramie đưa máy tuốt sợi vào tận từng mô hình để triển khai thu hoạch vỏ gai”, ông Nhật cho hay.

Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Nguyễn Đức Quỳnh ở thôn Định Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ cho biết, gia đình ông có gần 3,5 sào đất ven sông Hiếu, trước đây chỉ canh tác được vụ đông xuân với các loại cây như lạc, ngô, còn vụ hè thu bỏ hoang. Khi biết đến mô hình trồng cây gai xanh ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia.

Theo ông Quỳnh, qua đánh giá bước đầu có thể khẳng định cây gai xanh là loại cây dễ sống, không kén đất và khí hậu. Do là loại cây lưu gốc, trồng một năm và thu hoạch từ 7 - 10 năm nên trồng cây gai xanh chỉ vất vả trong đợt đầu, từ đợt thứ 2 trở đi chỉ cần chăm sóc, bón phân và làm cỏ. Một năm có thể cho thu hoạch từ 3 - 4 lứa. Thân cây gai xanh sau khi thu hoạch được cho vào máy tuốt lấy vỏ, sau đó đem phơi và được công ty bao tiêu toàn bộ với giá 40.000 đồng/kg vỏ khô.

“Hiện tại gia đình đang thu hoạch lứa đầu tiên và bón phân, chăm sóc để cây gai xanh lên lứa thứ 2. Theo tính toán, chỉ cần thu 3 lứa/năm là đã cho lợi nhuận trên 60 triệu đồng. So với các loại cây trồng truyền thống trước đây như lạc, ngô thì hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Đặc biệt, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua toàn bộ nên nông dân yên tâm sản xuất”, ông Quỳnh nói.

Theo ông Đỗ Trần Tiến, cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn An Phước - Viramie, cây gai xanh giống AP1 được đánh giá có nhiều đặc tính ưu việt, có chất lượng tương đương hoặc cao hơn các giống gai hiện có trên thế giới.

Cây có chiều cao từ 2,5 - 3 m, mức độ che phủ, đẻ nhánh nhanh. Thân cây gai xanh AP1 mập hơn, vỏ cây dày hơn, lá to hơn so với cây gai truyền thống, cho sợi gai thành phẩm đạt chất lượng cao. Năng suất thu hoạch từ 1 - 1,5 tấn/ha. Mỗi năm thu hoạch từ 3 - 5 vụ. Khi thu hoạch chỉ cần sát gốc, mầm gai sẽ tiếp tục sinh trưởng trở lại. Cây gai xanh sau thu hoạch được tách lấy vỏ, phơi khô và được dùng làm nguyên liệu sản xuất sợi để dệt những loại vải cao cấp.

Ngoài ra, lõi thân và lá gai có thể dùng làm thức ăn cho gia súc, làm phân hữu cơ. Tuy nhiên, ông Tiến cũng lưu ý, để cây gai xanh sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả cao, nông dân cần phải trồng đúng mật độ, đảm bảo đủ độ ẩm cho cây; chăm sóc, làm cỏ, bón phân đúng quy trình kỹ thuật, nhất là trong vụ đầu tiên.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị Lê Quang Nhật, sau 5 tháng trồng và chăm sóc cây gai xanh bước đầu đã cho thấy sự thích nghi, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của nhiều vùng trên địa bàn tỉnh như đất cát pha, đất bãi bồi ven sông suối, đất đồi... Tiềm năng mở rộng diện tích lớn với chi phí đầu tư thấp.

Sản phẩm đầu ra rất đa dạng từ vỏ gai, lá gai, củ gai, lõi cây gai... mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng gai xanh. Nông dân hoàn toàn có thể thực hiện được toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch cây gai xanh sau khi được tập huấn. Dự kiến với 3 lứa thu hoạch/năm, trừ chi phí cho lãi ròng từ 60 - 80 triệu đồng/ha/năm.

Chia sẻ về định hướng sắp tới, ông Nhật cho biết, công ty sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả của mô hình trong các lứa tiếp theo nhằm có cơ sở nhân rộng, phát triển thành vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 3.000 ha. Công ty cũng cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ nông dân về cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để mở rộng mô hình trồng cây gai xanh. Đồng thời phối hợp với Tập đoàn An Phước - Viramie xây dựng nhà máy chế biến tại địa phương khi có diện tích ổn định.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hồng Phương kỳ vọng rất lớn vào cây gai xanh trong việc chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa thiếu nước, bỏ hoang vụ hè thu sang trồng cây gai xanh; thay thếmột phần diện tích cây sắn cho năng suất và chất lượng thấp do bệnh khảm lá sắn.

Theo bà Phương, với chi phí đầu tư không cao, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, sản phẩm vỏ gai được doanh nghiệp ký kết bao tiêu, thu mua tận nơi, cây gai xanh AP1 hứa hẹn sẽ là cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Bên cạnh đó, khác với các loại cây trồng khác có chu kỳ sinh trưởng ngắn, thu hoạch hằng năm, sau đó phá gốc nên độ xói mòn đất sẽ bị gia tăng. Cây gai xanh lại có thể lưu gốc từ 7 - 10 năm, nên về cơ bản sẽ là loại cây chống xói mòn đất tốt. Lá và thân cây gai xanh chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng rất lớn trong việc phục hồi, cải tạo đất, phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Nhân rộng mô hình nuôi dê nhốt ở vùng Cùa gặp khó khăn

Lê Trường |

Với ưu thế dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có nên mô hình dê nhốt được nhiều hộ gia đình ở vùng Cùa, huyện Cam Lộ lựa chọn phát triển. Đây là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc nhân rộng mô hình gặp khó khăn, người dân cần được sự hỗ trợ từ các cấp.

Hội nghị đầu bờ mô hình trồng thử nghiệm cây gai xanh

Lê An |

Sáng nay 29/5, tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình trồng cây gai xanh.

Nhân rộng mô hình trồng dưa hấu ở Hướng Phùng

Ngọc Trang |

Thực hiện chủ trương đa cây, đa con trong phát triển kinh tế nông nghiệp, những năm gần đây, nông dân xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa tích cực tìm tòi, nghiên cứu để xen canh thêm các loại cây trồng ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Trong đó, dưa hấu được người dân nơi đây lựa chọn đưa vào sản xuất. Đây là loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, mang lại nguồn thu nhập khá và hiện đang nhân rộng trên địa bàn xã.

Mô hình trình diễn thành công - Đòn bẩy cho hướng sản xuất nông nghiệp mới

Võ Thái Hòa |

 Những mô hình khuyến nông có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây là những mô hình trình diễn nếu triển khai thành công sẽ được nhân ra diện rộng, trở thành hướng sản xuất chính, giúp nông dân làm theo và tự giải quyết những vấn đề sản xuất để không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện mức sống mà còn nâng cao dân trí trong cộng đồng nông thôn. Càng ngày, vấn đề ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn càng trở nên cấp thiết trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Triệu Phong đa dạng các mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Lệ Như |

Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển kinh tế được xem là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Để xây dựng NTM thành công, huyện Triệu Phong đã chủ động đa dạng hóa các mô hình kinh tế nông thôn, từ đó tạo ra các hướng đi mới phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại hiệu quả cao, góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM một cách thực chất, bền vững.