Chính sách áp giá trần vé máy bay đang bộc lộ những bất cập cần được thay thế bằng một công thức điều hành giá đủ rộng, đảm bảo mức độ cạnh tranh phù hợp, kích thích được sự phát triển của thị trường, của các hãng hàng không mà không ảnh hưởng đến lợi ích của hành khách và các thành phần thị trường.
Khống chế giá trần làm số vé rẻ ít đi
Giá vé bay các chặng nội địa vào dịp lễ 30/4 - 1/5/ 2023 nhiều chặng đã tăng hơn 100%, neo ở mức cao ngất ngưởng.
Ghi nhận của PV, trên website bán vé của các hãng hàng không, giá vé đều cao ngất ngưởng, tăng từng giờ, một số chặng bay hết vé phổ thông, chỉ còn hạng thương gia.
Cụ thể, chặng bay Hà Nội- Phú Quốc, Vietnam Airlines có giá 8,5 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi, Vietjet Air và Bamboo Airways có giá từ 7,9 - 8,3 triệu đồng/vé. Chặng bay TPHCM - Đà Nẵng vào dịp lễ trung bình giá 1,5 - 2,5 triệu đồng/vé một chiều, khứ hồi hơn 5 triệu đồng/vé. Chặng bay Hà Nội- Nha Trang, TP Hồ Chí Minh- Nha Trang cũng neo ở mức trung bình 5-6 triệu đồng/ vé khứ hồi. Chặng bay Hà Nội- Quy Nhơn cũng neo ở mức trên 3 triệu đồng/ vé khứ hồi.Đáng chú ý, giá vé máy bay quốc tế nhiều chặng lại "mềm" hơn giá vé bay nội địa. Vé khứ hồi từ TP.HCM - Thái Lan rẻ nhất của Vietjet chỉ 3,2 - 4 triệu đồng; Vietnam Airlines và Bamboo Airways 4,1 - 5 triệu đồng. TP.HCM - Singapore, vé khứ hồi các hãng mở bán 5,5 triệu đồng, rẻ hơn chặng bay từ Hà Nội - Phú Quốc.
Lý giải cho giá vé leo thang, các hãng đều cho biết bên cạnh nguyên nhân khách quan là mùa lễ, tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nguyên nhân chính là do đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, còn do tác động của chính sách giá vé nhiều bất cập.
Theo đại diện Vietjet Air, về cơ bản, vé quốc nội và quốc tế có các khoản thuế, phí nói trên. Riêng vé quốc tế còn một số khoản phí khác tùy theo từng sân bay. Vì vậy, nếu cùng một mức giá mà cộng thêm thuế, phí thì vé quốc tế sẽ cao hơn vé nội địa. Tuy nhiên, vào những thời gian cao điểm, vé nội địa những đường bay đông khách sẽ cao hơn so với vé quốc tế.
“Các hãng bay nội địa bị áp thêm thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhà thầu, dẫn tới đầu vào cao hơn mặt bằng giá quốc tế. Chính sách giá vé quốc tế tự do, nhưng nội địa lại bị kiểm soát giá trần, nên hiệu quả bay quốc tế đang tốt hơn nội địa. Ngành hàng không lấy quốc tế nuôi nội địa, đó là sự bất hợp lý”, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết.Đồng quan điểm chính sách giá trần vé máy bay tác động tiêu cực tới sự tăng trưởng của thị trường nội địa, ông Nguyễn Mạnh Quân – Tổng Giám đốc Bamboo Airways –dẫn chứng nhiều số liệu cho thấy sự chênh lệch trong các điều kiện đầu vào của giá vé máy bay trong 8 năm vừa qua.
Cụ thể, giá nhiên liệu bình quân tăng 45%, tỉ giá tăng 68%, giá phục vụ mặt đất ở nước ngoài tăng hơn 200%, bên cạnh đó là các yếu tố về chi phí, nhân sự. Thêm vào đó, 80% chi phí của các hãng hàng không sử dụng đồng ngoại tệ biến động theo tỉ giá...
"Giá trần từng giữ vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành hàng không Việt Nam. Nhưng đến nay thì vai trò đó đã được hoàn thành. Các đường bay có từ hai hãng hàng không khai thác trở lên, nên trả về với cơ chế thị trường. Khi gỡ bỏ cơ chế giá trần, các hãng hàng không mới có điều kiện đa dạng hóa giá vé và đa dạng hóa nhu cầu cho hành khách. Tôi cho rằng điều chỉnh giá trần không có nghĩa là giá vé sẽ tăng. Việc đưa ra giá vé sẽ chịu sự điều tiết của thị trường trên cơ sở cung cầu và đảm bảo hài hòa lợi ích của ba bên, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Nguyễn Mạnh Quân nêu quan điểm.
“Việc áp dụng giá trần tước đi cơ hội khai thác thương mại hiệu quả trong các giai đoạn cao điểm. Một năm chỉ có hai giai đoạn cao điểm là hè và Tết, thời gian cũng chỉ ngắn ngủi. Trong đó, giai đoạn Tết chỉ có cao điểm một chiều, chiều còn lại thường vắng khách. Giá trần vô hình trung kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa. Thị trường luôn có đối tượng không nhạy cảm về giá. Bên cạnh đó, thị trường nội địa ưa chuộng giá vé hấp dẫn, càng nhiều vé giá rẻ càng tốt, nên việc khống chế giá trần làm số vé rẻ ít đi”, chuyên gia kinh tế hàng không, TS Lương Hoài Nam - Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi khẳng định.
Cần công thức điều hành giá mới
“Rất ít nước còn áp dụng giá trần như Việt Nam. Sớm hay muộn cũng nên bỏ giá trần, thay bằng một công thức điều hành giá đủ rộng, để đảm bảo mức độ cạnh tranh phù hợp”, GS. Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng chia sẻ.
Làm rõ hơn về khoảng cách giữa cơ chế định giá và thực tiễn ứng dụng trong ngành hàng không, GS. Trần Thọ Đạt, chỉ ra rằng giá cả hàng không có sự khác biệt với giá hàng hoá thông thường. Giá cả hàng không, xét về mặt cấu trúc tạo nên chi phí thì phức tạp, và các yếu tố này có biến động ngoài tầm kiểm soát của các hãng, ví dụ như giá nhiên liệu, tỷ giá, giá nhân lực...
Hiện tại trên thế giới không còn nước nào quản lý bằng giá trần với mô hình tương tự như Việt Nam. Trung Quốc có quản lý giá vé máy bay nội địa, nhưng không theo cơ chế giá trần, mà là giá vé do nhà nước phê duyệt. Hầu hết các nước đều đã để thị trường tự điều tiết giá vé.Xem xét về yếu tố quyền lợi của người tiêu dùng, lãnh đạo Bamboo Airways cũng cho rằng, việc bỏ hoặc nâng giá trần không ảnh hưởng, vì các hãng có cơ hội xây dựng đa dạng chính sách giá, khiến thị trường phát triển lành mạnh hơn. Các hãng không thể bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình xây dựng, cung ứng sản phẩm.
Đồng quan điểm này, GS Trần Thọ Đạt cũng nhấn mạnh: “Cần đảm bảo cơ chế bình đẳng, minh bạch để các hãng phát triển, bởi cạnh tranh là món quà của thị trường. Tiếp nữa là phải đảm bảo quyền lợi của người dân Việt Nam, được tiếp cận giá dịch vụ chấp nhận được”.
Dự báo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, khả năng phục hồi của hàng không Việt đến cuối 2023 vẫn còn mong manh và chỉ đạt khoảng 85%. Đến giữa và cuối năm 2024 mới có thể phục hồi 100%. Khả năng cắt lỗ của các doanh nghiệp là rất khó.
Do đó, một công thức điều hành giá mới để trợ lực công bằng cho các hãng hàng không cũng như góp phần kích thích thị trường tăng trưởng là điều hết sức cấp thiết đối với sự phát triển của thị trường hàng không hiện nay.
(Nguồn: Ngày nay)