Với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô dự báo sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có những giải pháp căn cơ mang tính bền vững, lâu dài. Có như vậy mới vừa đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, vừa đáp ứng được định hướng phát triển TP. Đông Hà lên đô thị loại 2 trong thời gian tới.
Hiện nay, TP. Đông Hà và vùng phụ cận với hơn 29.000 hộ dân đang được cấp nước bởi Nhà máy nước Tân Lương có công suất 15.000 m3 /ngày đêm, khai thác nước mặt sông Vĩnh Phước và Nhà máy nước Gio Linh, khai thác nước ngầm từ bãi giếng Gio Linh cấp bổ sung cho TP. Đông Hà với công suất 7.500 m3 /ngày đêm. Tuy nhiên, do thành phố ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng nước tăng cao nên hiện tại cả 2 nhà máy đang phải khai thác vượt công suất thiết kế. Khi thời tiết nắng nóng, nhu cầu dùng nước tăng đột biến thì tại một số thời điểm, một số vùng cao sẽ bị gián đoạn cấp nước cục bộ.
Theo ông Lê Thành Ty, Phó Giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Trị, vào mùa khô, cao điểm từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, mực nước sông Vĩnh Phước xuống thấp khiến Nhà máy nước Tân Lương thường xuyên bị thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Trong lúc chưa có nguồn nước thay thế thì nguồn nước mặt sông Vĩnh Phước vẫn là nguồn nước quan trọng để cấp nước phục vụ người dân. Do đó, để đảm bảo cho nhà máy hoạt động bình thường, ngay từ đầu năm, công ty đã phối hợp với Công ty TNHH MTV QLKTCTTL Quảng Trị xây dựng phương án dự trữ và điều tiết nước từ hồ chứa nước Ái Tử xuống sông Vĩnh Phước để tạo nguồn cấp nước cho nhà máy. Lập phương án tổ chức bơm chuyền, nạo vét tận dụng tối đa nguồn nước nếu tình trạng hạn hán khốc liệt xảy ra. Xây dựng các kịch bản cấp nước tại các điểm tập trung, các cơ sở công cộng như: Trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính trọng yếu… Đồng thời đang triển khai thi công đập dâng trên sông Vĩnh Phước với tổng kinh phí hơn 7,2 tỉ đồng. Dự kiến sau khi hoàn thành, công trình sẽ nâng mức dự trữ cho sông Vĩnh Phước khoảng 1 triệu m3 , đủ cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho thành phố trong khoảng 30 ngày.
Ông Ty cho biết, cùng với các giải pháp tạm thời, hiện công ty đang tiến hành lập dự án cải tạo, nâng cấp Nhà máy nước Tân Lương từ 15.000 m3 /ngày đêm lên 30.000 m3 /ngày đêm với tổng mức đầu tư 76 tỉ đồng, dự kiến triển khai trong năm 2020 - 2021; dự án cải tạo, nâng cấp Nhà máy nước Cam Lộ từ 2.000 m3 /ngày đêm lên 10.000 m3 /ngày đêm, dự kiến thực hiện từ năm 2023 - 2025. Ngoài ra, công ty cũng đang nghiên cứu xây dựng một nhà máy nước mới tại đập Trấm trên sông Thạch Hãn với công suất giai đoạn 1 là 30.000 m3 /ngày đêm, giai đoạn 2 nâng lên 100.000 m3 /ngày đêm để phục vụ cho địa bàn các huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà với tổng kinh phí khoảng 600 tỉ đồng. “Trước mắt, sau khi hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp Nhà máy nước Tân Lương và Nhà máy nước Cam Lộ sẽ đảm bảo cấp nước an toàn cho TP. Đông Hà và vùng phụ cận đến năm 2035, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của thành phố”, ông Ty khẳng định.
Theo ông Nguyễn Sinh Công, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV QLKTCTTL Quảng Trị, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công ty TNHH MTV QLKTCTTL Quảng Trị và Công ty CP Nước sạch Quảng Trị trong việc dự trữ và điều tiết nước từ hồ chứa nước Ái Tử về sông Vĩnh Phước, tránh không để xảy ra tình trạng nguồn nước trên sông Vĩnh Phước khô cạn mới có đề nghị xả nước về như vừa qua. Ông Công cho biết, ngay từ đầu vụ hè thu, căn cứ nhận định tình hình thời tiết, nguồn nước hiện tại và nhu cầu dùng nước của hệ thống Ái Tử, công ty đã xây dựng phương án điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và kết hợp xả nước tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Tân Lương. Tuy nhiên, phải đến khi mực nước trên sông Vĩnh Phước khô cạn, nhiều đoạn trơ đáy, còn mực nước tại hồ chứa Nhà máy nước Tân Lương xuống dưới mực nước chết, Công ty CP Nước sạch Quảng Trị mới có đề nghị xả nước. Do quãng đường từ hồ chứa nước Ái Tử lên đến hồ chứa của Nhà máy nước Tân Lương dài hơn 12 km nên vừa mất thời gian, vừa lãng phí nguồn nước do bốc hơi, bị thấm, rò rỉ nước qua đáy sông khô hạn. Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc bổ sung kinh phí trả tiền điện cho các Trạm bơm Vĩnh Phước và Ái Tử để tăng cường bơm tưới cho đồng ruộng, tận dụng tối đa lượng nước hồi quy để hạn chế sử dụng nước từ hồ chứa nước Ái Tử, ưu tiên dành nước cho giai đoạn cuối vụ đồng thời kết hợp xả nước tạo nguồn cấp nước sinh hoạt khi hạn hán xảy ra.
Theo ông Lê Đăng Ninh, nguyên Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Quảng Trị, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt là do Công ty CP Nước sạch còn bị động trong triển khai các phương án cấp nước trong mùa khô hằng năm; việc quản lý chưa khoa học; nhiều tuyến đường ống bị xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí nguồn nước, làm giảm chất lượng nước… Do đó, để đảm bảo nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt của người dân, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả quản lý, rà soát, đánh giá lại chất lượng toàn bộ hệ thống đường ống cấp nước do công ty quản lý để có kế hoạch đầu tư, nâng cấp kịp thời cần tính đến phương án xây dựng một nhà máy nước mới tại khu vực công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn. Theo ông Ninh, nguồn nước trên sông Thạch Hãn chưa bao giờ cạn và được đánh giá có chất lượng rất tốt. Ngoài ra, khi xây dựng nhà máy nước ở đây có thể lợi dụng một phần độ dốc để dẫn nước về cung cấp cho các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, TP. Đông Hà. “Sông Vĩnh Phước năm nào vào mùa hạn cũng cạn nước, còn sông Hiếu thì chất lượng nước không đảm bảo. Do đó, về lâu dài cần tính đến việc sử dụng nguồn nước của sông Thạch Hãn để đảm bảo nhu cầu của người dân”, ông Ninh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Bài, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định, với dung tích 16 triệu m3 , hồ chứa nước Ái Tử ngoài phục vụ tưới cho hơn 1.971 ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã Triệu Ái, Triệu Giang (huyện Triệu Phong) và các phường Đông Lương, Đông Lễ, Phường 2 (TP. Đông Hà) còn có nhiệm vụ tạo nguồn cho Nhà máy nước Tân Lương cấp nước sinh hoạt cho 70.000 người trong 3 tháng mùa khô (từ 15/6 - 15/9 hằng năm). Do đó, nếu Công ty CP Nước sạch Quảng Trị có sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa với Công ty TNHH MTV QLKTCTTL Quảng Trị ngay từ sớm thì chắc chắn sẽ không có tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt cho TP. Đông Hà như thời gian qua. Song song với đó, căn cứ trên dự báo tình hình thời tiết, khí hậu, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần có sự chuyển đổi cây trồng phù hợp để hạn chế ảnh hưởng do hạn hán gây ra. Theo ông Bài, với định hướng phát triển TP. Đông Hà lên đô thị loại 2, các cơ quan chuyên môn và địa phương cần có các giải pháp căn cơ trên cơ sở tính toán cụ thể nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp, xây dựng… Tăng cường công tác tổ chức quản lý, vận hành, nâng cấp các công trình hiện có; ứng dụng khoa học công nghệ để giảm thất thoát nước; tuyên truyền tiết kiệm nước; bảo vệ môi trường nước; nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước kể cả trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn và đô thị… Ngoài ra, cần có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là vùng ven đô từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao như lạc, rau màu, hoa, cây cảnh các loại… Cụ thể, để tưới cho 1 ha lúa trong vụ hè thu phải cần đến 10.000 m3 , trong khi với cây lạc chỉ tốn khoảng 2.000 m3 /ha, hoa, cây cảnh từ 700 - 900 m3 / ha. “Chỉ cần chuyển đổi được 100 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác thì chắc chắn không lo thiếu nước sinh hoạt cho TP. Đông Hà”, ông Bài khẳng định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)