Báo động tình trạng sạt lở sông biên giới Sê Pôn

Phan Phước Trung |

Tỉnh Quảng Trị có đường biên giới trên sông Sê Pôn giáp với tỉnh Savannakhet, Lào dài khoảng 59,771km, qua địa bàn 7 xã, thị trấn thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Với đặc điểm địa hình sông Sê Pôn ngắn và dốc, có nhiều đoạn gấp khúc, không liền mạch, vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao từ 5 đến 6m, nước chảy xiết làm sạt lở bờ sông và thay đổi dòng chảy.

Những năm gần đây, do khí hậu biển đổi thất thường, tỉnh Quảng Trị phải gánh chịu nhiều đợt bão lũ xảy ra dồn dập khiến tình trạng đất đai bị xói lở, sụt lún nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân biên giới. Trước thực trạng trên, BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với cơ quan chức năng di dời nhiều hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân.

Những năm trở lại đây, người dân tại các thôn của xã Tân Thành, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa đứng trước nỗi lo mất những vườn cây nằm ven bờ sông Sê Pôn, bởi cứ mỗi mùa lũ trôi qua, họ lại mất đi hàng nghìn mét vuông đất sản xuất. Theo ghi nhận tại hiện trường, tình trạng sạt lở đất bên bờ sông Sê Pôn đang xảy ra nghiêm trọng và kéo dài hàng chục cây số đi qua thị trấn Lao Bảo và các xã vùng Lìa dọc theo bờ sông.

Nhà dân ở thị trấn Lao Bảo có nguy cơ bị sụt lún và cuốn trôi. Ảnh: Phước Trung
Nhà dân ở thị trấn Lao Bảo có nguy cơ bị sụt lún và cuốn trôi. Ảnh: Phước Trung

Ở những điểm sạt lở nặng, xuất hiện những hàm ếch ăn sâu vào trong phần đất đang trồng cây nông nghiệp của người dân. Nhiều nhà dân và diện tích trồng bắp, đậu... nằm ven sông đang bị sạt lở dần và có nguy cơ biến mất trong mùa mưa sắp tới.

Ông Nguyễn Nậy, ở khóm Tân Phước, thị trấn Lao Bảo, là người có đất canh tác ven sông Sê Pôn cho biết: “Trước đây, diện tích canh tác hoa màu của gia đình tôi cách bờ sông Sê Pôn gần 100m, nhưng hàng năm, do lũ lụt, xói mòn mà diện tích đã bị thu hẹp dần. Đặc biệt, 3 trận lũ lớn xảy ra liên tiếp trong tháng 10/2020 đã làm sạt lở gần 50m, hàng trăm mét vuông đất canh tác của gia đình tôi đã bị lũ cuốn trôi”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại, mưa lũ đã làm sạt lở nặng 16 đoạn bờ sông Sê Pôn với chiều dài khoảng 6,4km. Phần sạt lở tính từ mép sông vào bờ từ 15 đến 60m, làm ảnh hưởng đến nhà ở và đất canh tác của 65 hộ dân trên địa bàn.

Trước thực trạng bờ sông Sê Pôn sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác và hàng chục hộ dân sinh sống dọc bờ sông, UBND huyện Hướng Hóa đã có giải pháp bố trí lại đất sản xuất nhằm ổn định cuộc sống cho nhân dân. Tuy nhiên, việc di dời hàng chục ngôi nhà của các hộ dân có nguy cơ sụt lún là vấn đề nan giải, không thể giải quyết một sớm, một chiều.

Còn tại khu vực cửa khẩu phụ Thanh, thuộc Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị quản lý, mưa lũ đã khiến tuyến đường xuống sông Sê Pôn sạt lở nghiêm trọng. Dọc theo con đường bê tông có chiều dài trên 200m, mặt đường 4m giờ đây không thể đi lại, hệ thống đường, mương thoát nước bị đứt gãy, có đoạn cả tấm bê tông lớn sụt lún xuống sông.

Đây là con đường huyết mạch khá quan trọng giúp nhân dân hai bên biên giới của cụm bản Đen Vi Lay, huyện Noòng, tỉnh Savannakhet, Lào và 7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị giao thương, trao đổi hàng hóa và qua lại thăm thân. Đặc biệt, con đường nối từ cửa khẩu phụ Thanh đến bờ sông Sê Pôn sụt lún, hư hỏng nặng đã khiến công tác tuần tra, kiểm soát biên giới của BĐBP gặp nhiều khó khăn.

Trung tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị cho biết: “Trên địa bàn đơn vị quản lý có khoảng 400 hộ gia đình sinh sống dọc sông biên giới Sê Pôn. Trong các đợt lũ lớn, đơn vị đã phân công cán bộ, chiến sĩ bám, nắm tình hình địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống lũ ống, lũ quét, đồng thời, tổ chức di dời những hộ gia đình sinh sống ven sông có nguy cơ bị sạt lở đến trú ẩn những nơi an toàn.

Đặc biệt, năm 2020, các trận lũ lớn liên tiếp xảy ra, đơn vị đã kịp thời huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng dân quân địa phương trắng đêm di dời gần 200 hộ gia đình ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân”.

Dự án “Một triệu cây xanh” đang được Đồn Biên phòng Thanh phối hợp với các tổ chức trồng dọc bờ sông Sê Pôn để hạn chế tình trạng sạt lở đất. Ảnh: Phước Trung
Dự án “Một triệu cây xanh” đang được Đồn Biên phòng Thanh phối hợp với các tổ chức trồng dọc bờ sông Sê Pôn để hạn chế tình trạng sạt lở đất. Ảnh: Phước Trung

Trăn trở trước thực trạng bờ sông biên giới ngày càng bị sạt lở, Đồn Biên phòng Thanh đã phối hợp với Câu lạc bộ Hoa tình nguyện, nhóm VY’ TEAM triển khai Dự án “Một triệu cây xanh” trồng tại các xã Xy, Thanh của huyện Hướng Hóa từ cuối năm 2020.

Đến nay, sau hai đợt phát động, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đã trồng được gần 200.000 cây tràm, phủ xanh dọc tuyến biên giới để khắc phục hiện tượng sạt lở bờ sông biên giới Sê Pôn sau mỗi mùa mưa lũ, đồng thời, đây cũng là sinh kế phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Được biết, để khắc phục tình trạng sạt lở, ngăn ngừa hiểm họa có thể xảy ra, UBND tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu sơ bộ phương án xây kè chống sạt lở đối với đoạn bờ sông biên giới Sê Pôn phía Việt Nam. Đồng thời, báo cáo Bộ Ngoại giao trao đổi với phía bạn Lào, hai nước đã thành lập đoàn khảo sát liên ngành do Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì, kiểm tra tình hình sạt lở tại các vị trí dọc bờ sông Sê Pôn.

Đoàn công tác cũng đã nhất trí kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2022 để xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Sê Pôn phía Việt Nam từ địa bàn xã Thanh đến thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Mùa mưa bão đã cận kề và nguy cơ bờ sông biên giới Sê Pôn phía Việt Nam tiếp tục bị sạt lở là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, việc xây dựng kè chống sạt lở là giải pháp cấp bách trước mắt cũng như lâu dài để ổn định đời sống nhân dân; góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho biết: “Tình trạng sạt lở sông biên giới Sê Pôn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của BĐBP Quảng Trị. Những năm gần đây, sạt lở sông Sê Pôn liên tiếp xảy ra theo hướng mở rộng sạt lở cả về phạm vi và chiều sâu đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, hướng đi của đường biên giới trên sông và mất đi một phần đất canh tác của nhân dân. Mỗi lần mưa bão, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tích cực bám nắm địa bàn, điều động cán bộ, chiến sĩ tăng cường thực hiện nhiệm vụ để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân sinh sống tại những nơi có nguy cơ sạt lở di dời đến những nơi an toàn”.

(Nguồn: Báo Biên phòng)

Khoảng 500 mét kè ở khu phố Lập Thạch bị sạt lở nghiêm trọng

Nhơn Bốn |

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ hàng năm nên hiện nay tuyến kè dọc theo đường Trần Thánh Tông, đoạn đi qua khu phố Lập Thạch, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà (Quảng Trị) có một đoạn bị sạt lở nghiêm trọng.

Đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng kè chống sạt lở bờ sông biên giới Sê Pôn phía Việt Nam

Mai Lâm |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để đầu tư dự án Xây dựng kè chống sạt lở bờ sông biên giới Sê Pôn phía Việt Nam, đoạn qua thị trấn Lao Bảo và xã Tân Thành (huyện Hướng Hóa) với chiều dài 2.150 m, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 150 tỉ đồng.

Hỗ trợ người dân trồng hơn 300 ha rừng để chống sạt lở

Tây Long |

Theo thông tin từ Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), được sự tài trợ của Liên minh Châu Âu và MCNV, dự án PROSPER vừa hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trồng hơn 300 ha rừng. Nỗ lực của dự án nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở, đồng thời giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Trồng rừng trẩu ở các điểm sạt lở đất ở Hướng Sơn

Hoàng Táo |

Ngày 17/11, ông Nguyễn Thanh Tùng, Điều phối viên chương trình Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) cho biết Dự án PROSPER vừa phối hợp với người dân xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trồng 10 ha rừng trẩu ở các điểm sạt lở đất.