Thông tin được Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu xác nhận lúc 18h31 ngày 4/1 tại hiện trường.
Tối 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chính thức thông tin bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) đã tử vong sau 5 ngày lọt xuống ống cọc bê tông. Kết luận bé Nam tử vong là kết quả có sự phối hợp liên ngành giữa các đơn vị pháp y, y tế, chính quyền liên ngành cũng như đánh giá hiện trạng tại vị trí bé trai bị tai nạn.
Đến thời điểm này, đơn vị cứu hộ đã gần 100 giờ tìm kiếm với nhiều phương án nhưng chưa thành công. Cọc bê tông dài 35 m nơi cháu bé bị mắc kẹt chưa thể rút lên được.
Theo ông Bửu, liên ngành giữa pháp y, y tế, chính quyền địa phương đánh giá các yếu tố như: vị trí bé bị tai nạn, rơi vào ống cọc có độ sâu, thời gian kéo dài, bị chấn thương, đồng thời quan sát hiện trường cùng các yếu tố chuyên môn khác, nên giai đoạn đầu tiên lượng xấu. Điều kiện trong lòng ống cọc bê tông không đảm bảo không khí, cháu bé còn gặp thời tiết lạnh, không được ăn uống.
Ở thời điểm hiện tại, các cơ quan chuyên môn đã làm các bước thủ tục để xác định bé Nam đã tử vong. Được sự đồng ý của gia đình, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành làm pháp y đại thể với thi thể của bé Nam.
“Đây là tình huống rất nặng nề, đau lòng. Vì em bé đã tử vong nên bằng mọi cách, đơn vị phải đưa bé Nam lên được mặt đất để sớm lo tang sự cho em”, ông Bửu nói.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định việc duy trì sự sống cho bé Nam đã kết thúc, do đó, đơn vị cứu hộ cứu nạn sẽ thay đổi phương án, thực hiện nhanh nhất các công đoạn để sớm đưa em ra khỏi ống cọc bê tông.
Trước đó vào 31/12/2022, bé Nam cùng 3 bạn vào dự án xây cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, cách nhà gần một km, nhặt phế liệu. Khi đi qua công trình đang thi công, Nam lọt xuống cọc bêtông rỗng ruột, đường kính 25 cm, đã đóng sâu 35 m. Em kêu cứu chừng 10 phút rồi tiếng dần mất hút, theo nhân chứng.
Từ đêm 3/1 đến 11 giờ ngày 4/1, công tác cứu liên tục được Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đồng Tháp thực hiện khẩn trương nhằm cứu nạn em bé lọt trong lòng ống bê tông.
Do điều kiện địa chất phức tạp nên công tác cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên tất cả phương tiện, thiết bị, nhân lực đã được huy động tối đa cho công tác cứu nạn em bé.
Cũng trong sáng nay, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận cùng các chuyên gia, công an, quân đội đã đến để hỗ trợ thêm cho công tác cứu nạn bé trai bị kẹt trong ống cọc bê-tông.
(Nguồn: Phụ nữ Mới)