Bơ sáp dẻo mất mùa, khó tiêu thụ

Tú Linh |

Vụ thu hoạch bơ sáp dẻo năm nay, người dân các xã miền Tây huyện Gio Linh (Quảng Trị) đối mặt với nhiều khó khăn, cây bơ cho năng suất thấp, trong lúc đó giá bán chỉ còn 1/3 so với các năm trước vì không có thị trường tiêu thụ.


Anh Trần Văn Giải ở thôn Đông Hải, xã Linh Hải có vườn bơ gần 50 cây đã cho thu hoạch. Thông thường các năm trước, 100% cây bơ trong vườn nhà anh đều cho quả sum suê, nhiều cây thu hoạch hơn 1 tạ. Nay vườn bơ của anh chỉ có 2 cây cho quả, mà quả rất nhỏ; các cây còn lại không có quả nào. Anh Giải cho biết, nguyên nhân làm cho cây bơ năm nay mất mùa là do năm 2020 mưa lũ lớn, nước ngâm làm vườn bơ bị thối rễ. Khi bơ vừa ổn định trở lại được vài tháng thì đúng vào thời kỳ ra hoa nên không đủ sức cùng lúc nuôi cây và cho đậu quả làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Để vụ bơ năm sau sai quả, ngay từ bây giờ anh Giải đã chuẩn bị phân các loại bón cho cây nhằm giúp cây phát triển tốt, có sức hơn.

Gia đình anh Lê Đức Lưu ở Thôn 7, xã Hải Thái có vườn bơ sáp khá nhiều cây. Vụ bơ năm 2020, từ tháng 4, tháng 5, nhiều tư thương tìm đến thu mua bao cả cây đợi ngày bơ gần chín hái vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ. Năm nay bơ mất mùa, quả lại nhỏ, anh Lưu chỉ hái được hơn 1 tạ để bán kiếm thêm tiền mua sách vở cho con nhập học, nhưng gọi mãi tư thương không đến thu mua vì mua về họ không biết bán lại cho ai. Không riêng gia đình anh Lưu mất mùa bơ, nhiều gia đình ở xã Hải Thái có chung hoàn cảnh này, đồng nghĩa họ mất đi một khoản thu nhập.

Người buôn bơ ở xã Gio An chọn bơ loại một để bán lẻ cho khách hàng nhưng giá cũng rất thấp -Ảnh: TÚ LINH
Người buôn bơ ở xã Gio An chọn bơ loại một để bán lẻ cho khách hàng nhưng giá cũng rất thấp -Ảnh: TÚ LINH

Chị Trương Thị Thu ở thôn Long Sơn, xã Gio An là người thu mua bơ mấy chục năm qua tại các xã miền Tây Gio Linh cho biết, năm nay bơ mất mùa nặng, loại bơ 2 quả /kg rất ít, đa số 5 - 6 quả/kg. Theo chị Thu, năm trước bơ sáp dẻo loại 1 bán tại vườn giá 15 nghìn đồng/kg, chị mua đưa vào thành phố Đông Hà bán lại 30 nghìn đồng/kg, thì năm nay giá bán tại vườn và bán ở Đông Hà chỉ còn giá 5 và 10 nghìn đồng/kg. Vì vậy, nhiều gia đình trồng bơ ở các xã miền Tây Gio Linh thất thu. Theo chị Thu, nguyên nhân bơ xuống giá thấp là do tư thương không vận chuyển đến tiêu thụ được ở các thị trường tiềm năng như Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng… Các năm trước mỗi ngày tư thương thu mua hàng chục tấn bơ của các xã miền Tây đưa về thị trấn Gio Linh vận chuyển đi tiêu thụ. Năm nay, trước tình hình thị trường tiêu thụ bơ gặp khó khăn, thương lái không còn mặn mà với việc thu mua bơ cho người dân vùng này.

Chủ tịch UBND xã Gio An Nguyễn Văn Song cho biết, những năm trước không ít gia đình ở xã Gio An thu về trung bình vài chục triệu đồng từ việc trồng cây bơ, góp phần đáng kể để cải thiện cuộc sống. Mỗi mùa thu hoạch bơ, cây nào sai quả nhất bán được gần 3 - 5 triệu đồng, trung bình cả vườn thì mỗi cây bơ cho trái bán được gần 1 triệu đồng. So với trồng các loại cây khác trên cùng một đơn vị diện tích đất như cao su, hồ tiêu, cà phê, giá trị kinh tế cây bơ mang lại cao hơn hẳn. Từ khi các giống bơ đã được thuần hóa với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng này thì việc phát triển bơ trên diện tích lớn đang được nhiều người dân ở đây quan tâm. Vì thế cây bơ của xã Gio An cũng như các xã miền Tây huyện Gio Linh được nhiều thị trường ưa chuộng. Còn năm nay người trồng bơ thất thu nặng, bơ mất mùa, khó bán vì ít người thu mua, nếu có bán được thì giá giảm chỉ còn 1/3 so với năm trước. Nhiều gia đình không bán được bơ để rụng luôn ngoài cây.

Theo ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh, các xã miền Tây của huyện có diện tích trồng cây bơ gần 130 ha, đa số trồng bơ sáp dẻo, giống bơ chất lượng được nhiều người ưa thích. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Gio Linh xem phát triển cây bơ kinh tế ở các xã miền Tây là bước đi phù hợp. Năm nay do COVID-19 diễn biến phức tạp, các thành phố lớn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch nên thị trường tiêu thụ bơ của người dân các xã miền Tây Gio Linh bị thu hẹp lại rất nhiều. Mặc dù các ô tô vận chuyển nông sản được ưu tiên “luồng xanh quốc gia” nhưng cũng rất khó tiếp cận các thị trường tiêu thụ bơ bấy lâu nay.

Trước tình hình này, huyện Gio Linh khuyến cáo người dân không nên chặt bơ thay bằng cây trồng khác, cần phải chăm sóc những vườn bơ đúng kỹ thuật, cải tạo giống nâng cao năng suất để khi tình hình dịch bệnh được khống chế thì thị trường tiêu thụ bơ cũng như những mặt hàng nông sản sẽ được khôi phục trở lại. Bơ là cây ăn quả lâu năm, trồng sau 5 năm mới cho thu hoạch, nên thất thu mùa này, theo kinh nghiệm cho thấy cây bơ sẽ sai quả vào vụ sau. Để sản xuất bền vững, huyện chủ trương sẽ phối hợp và kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thu mua bơ để sản xuất tinh dầu bơ. Hiện nay nhiều doanh nghiệp quan tâm đến sản xuất tinh dầu bơ phục vụ đời sống, hy vọng đây là một hướng đi mới giúp người trồng bơ tiêu thụ sản phẩm ổn định hơn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị dừng tổ chức khai giảng vì nhiều ca COVID-19 trong cộng đồng

Hưng Thơ |

Gần đến ngày khai giảng thì tại Quảng Trị phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng nên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh quyết định không tổ chức lễ khai giảng năm học 2021-2022.

Clip: Bài nhảy “Lớp học vui”, khởi động năm học mới an toàn phòng chống dịch

Thiên Sơn |

Chào mừng năm học mới 2021-2022 trong bối cảnh dịch COVI-19 đang diễn biến phức tạp, Xanh EWEC xin giới thiệu Clip bài nhảy “Lớp học vui” của các em học sinh miền núi tại Trường THCS Hướng Tân (Hướng Hóa, Quảng Trị). Với thông điệp “Thực hiện 5K nghiêm túc - Chung tay đẩy lùi COVID”, cùng nhau khởi động một năm học mới an toàn, hiệu quả.

Kinh tế Quảng Trị: Liên kết, hội tụ và phát triển

Hồ Nguyên Kha |

Năm 2020, lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị thu ngân sách đạt hơn 3.600 tỉ đồng. Đây là tín hiệu lạc quan dự báo nền kinh tế của tỉnh sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo. Niềm tin ấy là có cơ sở một khi năng lượng tái tạo trở thành “bệ đỡ” về thu ngân sách và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang được khởi động tích cực để thu hút đầu tư vào địa bàn.

Phát triển năng lượng - động lực để kinh tế Quảng Trị 'cất cánh'

Nguyên Lý |

Thu hút đầu tư vào năng lượng đã và đang là một trong những lĩnh vực ưu tiên nhất của tỉnh Quảng Trị, nhằm đưa địa phương trở thành trung tâm năng lượng ở miền Trung, qua đó tạo động lực để kinh tế tỉnh 'cất cánh'.