Gần 17 năm đã qua từ ca ghép gan đi vào lịch sử ngành Ghép tạng Việt Nam, bé Nguyễn Thị Diệp (ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) - bệnh nhân may mắn được chọn ghép - nay đã là cô gái 26 tuổi. Quãng thời gian sau ghép gan, Diệp đã quay trở lại với cuộc sống bình thường, có việc làm ổn định nhưng hiện Diệp phải đối mặt với nguy cơ tái ghép gan để tiếp tục cuộc sống.
Giấc mơ dang dở của cô bé may mắn
Một năm trở lại đây, Nguyễn Thị Diệp tạm gác lại công việc tại Khoa Dược - Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), nơi bác sĩ ghép gan cho cô gần 17 năm trước, để nhập viện vì dấu hiệu xơ hóa toàn bộ gan.
Sau ca ghép gan thành công năm đầu năm 2004, sức khỏe Diệp tiến triển tốt. Tốt nghiệp cấp 3, Diệp xa nhà lên học tập tại Trung cấp Quân y 1, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Suốt quãng thời gian đi học, dù sức khỏe đã ổn định nhưng bên cạnh Diệp luôn có người chị họ trọ cùng để phòng lúc em đau ốm. Thi thoảng, Diệp lên cơn động kinh, các bác sĩ chẩn đoán nhiều khả năng đó là phản ứng phụ sau một thời gian uống thuốc chống thải ghép.
Tốt nghiệp Trung cấp Quân y, Diệp được chính nơi đã hồi sinh cho mình vào năm 2004 nhận vào làm việc. Công việc của Diệp nhẹ nhàng như bốc thuốc, cân thuốc, phân loại thuốc trong giờ hành chính và được đồng nghiệp ưu tiên không phải trực đêm. Bệnh viện Quân y 103 trở thành ngôi nhà thứ hai, giúp Diệp đảm bảo cuộc sống của mình. Hồi Diệp mới đi làm tại Bệnh viện Quân y 103, gặp Diệp trong chiếc áo blouse trắng chững chạc, không ai nghĩ cô từng phải trải qua tuổi thơ nhiều lần "thập tử nhất sinh". Những tưởng cuộc sống êm ấm trôi đi nhưng một năm trở lại đây, Diệp liên tục mệt mỏi, sút cân, có những đợt thải ghép mãn tính mạnh khiến chức năng gan bị ảnh hưởng, tăng men gan...
Diệp kể, lúc đầu em thấy cơ thể mệt mỏi, đi ngoài nhiều nhưng không nghĩ bệnh mình trở nặng. Chỉ đến khi bụng trướng to, không ăn uống được, lúc đó em mới đi kiểm tra. Kết quả xét nghiệm men gan tăng cao, xơ gan. Được điều trị nhưng các dấu hiệu bệnh không thuyên giảm. Mỗi ngày, để đảm bảo sức khỏe, em được chỉ định truyền huyết tương, đạm 2 lọ/ngày và cách ngày truyền Abumin...
Mẹ Diệp - chị Phạm Thị Thoa - một năm nay bỏ hết công việc ở quê lên chăm con gái. Thời gian của Diệp chủ yếu phải nằm viện điều trị, chỉ khi nào thấy khỏe một chút các bác sĩ mới cho Diệp về quê. Nhưng chỉ vài ngày, Diệp lại phải quay trở về viện vì tình trạng sức khỏe không ổn.
Vẫn đôi mắt đen tròn, cặp lông mày rậm không khác so với gần 17 năm trước. Chỉ khác giờ Diệp đã là cô gái chững chạc, nói chuyện lém lỉnh và rất lạc quan dù tình hình sức khỏe không tốt. “Em chỉ mong sức khỏe tốt để được trở lại với công việc. Giờ em trông chờ vào ghép tạng, hy vọng được khỏe như trước” - Diệp nói.
Do cấu trúc giải phẫu phần gan lấy để ghép cho Diệp có những biến đổi về mạch máu, về tổ chức, nên chức năng tạng của Diệp đã bắt đầu vào giai đoạn xấu, cần phải tính đến chuyện ghép gan.
Mong có một phép màu
Từ sau ca ghép gan thành công năm 2004, Diệp phải sử dụng thuốc chống thải ghép. Hàng tháng, hai bố con lại vào bệnh viện khám sức khỏe, lấy thuốc. Thời gian đầu, sức khỏe còn yếu, Diệp phải nghỉ học một năm. Em học chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa 1 lớp. Diệp lên lớp đều, trở thành sinh viên và đi làm đúng với mơ ước của em.
Diệp kể: Ông nội em mất mấy năm nay rồi. Ngày đó, ông ở bên em suốt thời gian em ghép và nằm viện điều trị. Em bị teo đường mật bẩm sinh, đã qua phẫu thuật Kazai (nối đường mật với ruột) từ lúc 3 tuổi, đến năm 9 tuổi em bị xơ gan, chảy máu. Em được nhận gan từ một trong hai người cho là ông nội (Nguyễn Quốc Được, 56 tuổi, thời điểm ca ghép gan thực hiện - PV) hoặc bố (Nguyễn Văn Phòng 31 tuổi - PV). Nhưng cuối cùng, người cho gan phù hợp là bố em.
Thời điểm đó, nhiều cặp cho và nhận gan được đưa ra nhưng cuối cùng cặp của bố con Diệp phù hợp các điều kiện nên đã được thực hiện ghép. Ca ghép được thực hiện vào ngày 31.1.2004. Ca mổ được tiến hành với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, đứng đầu là GS M. Makuuchi. Hội đồng ghép gan với đội ngũ các y bác sĩ đầu ngành đã được huy động.
Anh Nguyễn Văn Phòng - bố Diệp - đã gần 17 năm trôi qua vẫn gương mặt xương xương nhớ lại: Hồi mới từ Bệnh viện Quân y 103 về, sức khoẻ có giảm sút nhưng giờ đỡ hơn nhiều. Trước khỏe còn đi làm ăn xa chứ giờ cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, chăn nuôi con lợn, ai trong làng thuê sửa điện nước thì tranh thủ làm thêm lo cho các con ăn học, thuốc thang cho 2 bố con. Mặc dù có bảo hiểm chi trả thuốc nhưng những thuốc không được thanh toán gia đình vẫn phải bỏ tiền ra mua. Vất vả nhưng mừng vì Diệp đã khỏe lại. Cả nhà chỉ mong con khỏe để tương lai tốt hơn. Thế mà...
Anh Phòng kể tiếp: Thời gian trôi nhanh quá. Khi chưa phát hiện bệnh, Diệp yếu lắm, hay mệt. Chỉ đến khi Diệp ăn vào là nôn ra cả máu, đi khám hết viện này sang viện khác mới ra bệnh. May mắn ca ghép gan thành công cho cháu có cuộc sống như ngày hôm nay. Giờ đây, gia đình lại mong một phép màu đến với Diệp. Hiện, các bác sĩ đã tính đến việc ghép lại gan cho Diệp, đã đưa vào danh sách chờ ghép.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn tạng và kinh phí để thực hiện ca ghép gan lần 2 cho Diệp. Các bác sĩ đã tính đến nguồn gan hiến là Diệp có 2 em trai (một đã trưởng thành) và mẹ. Với nguồn gan từ huyết thống thân thuộc là tốt nhất nhưng nếu không có thì cơ hội vẫn còn rộng, từ người chết não hoặc người khác hiến một phần gan cho Diệp.
Dù đang ốm nhưng trong lúc tôi ngồi nói chuyện, Diệp không quên mở những tấm ảnh về ca ghép gan của em được lưu giữ trong điện thoại. Diệp nói về từng người: Ông Lê Thế Trung (GS Lê Thế Trung) - nguyên Giám đốc Học viện Quân y - đã cùng các đồng nghiệp thực hiện thành công ca ghép cho Diệp - PV) đây ạ. Giờ ông không còn nhưng em mãi nhớ ơn ông. Ông Đỗ Tất Cường - nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 - cũng giúp đỡ em nhiều lắm. Còn nhiều bác sĩ nữa. Mỗi lần vào viện, em đều qua chào hỏi các bác. Ai cũng yêu quý, động viên em có nhiều sức khỏe.
Chia tay Diệp, chúc cho cô bé kiên cường có đủ sức khỏe để vượt qua khó khăn trước mắt, tiếp tục thực hiện mơ ước làm bác sĩ tốt để cứu người, như một món quà Diệp muốn trả ơn cho đời.
GS.TS Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường - nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 - nhớ lại: Ca ghép gan cho bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp là ca ghép tạng lịch sử. Để chuẩn bị cho ngày mổ, toàn bộ ekip y bác sĩ chuẩn bị từ 5 giờ sáng và thức trọn đêm đến 5 giờ sáng hôm sau mới hoàn thành ca ghép. Ngày hôm sau lại tiếp tục túc trực suốt đêm như vậy, nếu có mệt quá thì chỉ chia nhau tựa lưng vào ghế tranh thủ chợp mắt một chút. Ghép gan không giống như ghép thận: Đối với gan, mình không sử dụng được máy hỗ trợ vì thế phải đảm bảo ổn định cho cả người cho - người nhận. Chúng tôi bị áp lực tâm lý cực kỳ lớn và gần như không ai dám ngủ. Ca ghép thành công, hiện bệnh nhân vẫn khỏe và có cuộc sống bình thường. Đó là niềm hạnh phúc của người thầy thuốc.
(Nguồn: Báo Lao Động)