Ngày 12/10/2021, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị có công điện số 06/CĐ - BCH gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh; Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác Công trình Thủy lợi; Công ty Thủy điện Quảng Trị về triển khai ứng phó với bão 8 và mưa lũ.
Ngày 11/10, bão Kompasu đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 8 trong năm 2021 với cấp bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 13. Bão số 8 đang di chuyển rất nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km và có khả năng mạnh thêm. Dự kiến sáng ngày 14/10, bão sẽ đổ bộ đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nối với cơn bão số 8, kết hợp với không khí lạnh tăng cường, nên từ ngày 12-14/10, khu vực Quảng Trị có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; trên các sông trong tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ từ báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2; nguy cơ xảy ra lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập úng ở các vùng thấp trũng; ngập cục bộ tại các khu đô thị.
Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 8 và diễn biến mưa lũ phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan triển khai một số nội dung công việc sau:
1. Tiếp tục nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 09/9/2021 của UBND tỉnh về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
2. Các huyện ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị triển khai các nội dung sau:
- Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi từ 12 giờ ngày 12/10/2021 (tàu thuyền trở lại hoạt động bình thường khi thời tiết nguy hiểm trên biển kết thúc).
- Tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi trú tránh an toàn; rà soát kỹ, kiên quyết không để tàu thuyền neo đậu tại vùng không an toàn; hướng dẫn việc neo đậu, chằng neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú; tổ chức neo đậu, chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại, trong đó lưu ý tại các khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá thực hiện triệt để các nội dung văn bản số 1926/CV-BCĐPCD ngày 09/9/2021 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Quảng Trị về việc điều chỉnh nội dung công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với cảng cá, nhất là đối với tàu thuyền và bà con ngư dân các tỉnh bạn vào neo đậu, tránh trú trên địa bàn tỉnh; việc sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh hoàn thành trước 12 giờ ngày 13/10/2021.
3. Chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ứng với các hình thế mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra, trong đó lưu ý:
- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; triển khai tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; chỉ đạo khẩn trương thu hoạch diện tích lúa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản.
- Triển khai kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, nguy cơ sạt lở bãi thải tại các công trình điện gió đang thi công; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn (Lưu ý: Ưu tiên đến mức tối đa hình thức sơ tán tại chỗ, xen ghép). Thực hiện nghiêm văn bản số 245/BCH-VP ngày 07/10/2021 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc hướng dẫn tạm thời công tác di dời, sơ tán dân ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
- Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nơi dễ sạt lở đất…; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
- Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
- Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; chỉ đạo Nhân dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bão, mưa lũ kéo dài.
4. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Theo dõi diễn biến thời tiết, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm các loại hình thiên tai để các địa phương, đơn vị liên quan biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó hiệu quả.
5. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị và các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật, tăng cường thông tin về diễn biến của bão số 8 và mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra để các cấp chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh; phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, các biện pháp phòng tránh về bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và công tác chỉ huy ứng phó của các cấp chính quyền địa phương.
6. Tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để xử lý khi có tình huống.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)