Đầu tư thiết bị hiện đại để vươn khơi

An Phong |

Bên cạnh việc đầu tư cải hoán, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn để vươn khơi, bám biển dài ngày, nhiều ngư dân huyện Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh (Quảng Trị)… còn mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại như máy do ngang Sonar, thiết bị hành trình Movimar, ra đa hàng hải, điện thoại vệ tinh… cho tàu đánh bắt xa bờ.

Dù đang bận rộn cùng các thuyền viên trên tàu đánh bắt xa bờ thu dọn vàng lưới rê bùng nhùng sau chuyến đánh bắt thủy, hải sản dài ngày ở ngư trường Trường Sa, ngư dân Võ Văn Huynh ở Khu phố 5 (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) vẫn dành ít phút để trò chuyện cùng chúng tôi. Ông Huynh cho biết, các tàu đánh bắt xa bờ hiện tại ngoài việc trang bị thiết bị hành trình Movimar trên tàu cá để các cơ quan chức năng quản lý, giám sát tàu cá qua vệ tinh; thiết bị ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử theo quy định… nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại như máy thông tin liên lạc, máy dò ngang, máy dò đứng, ra đa hàng hải…

Lắp đặt thiết bị Movimar cho tàu đánh bắt xa bờ - Ảnh: A.P​
Lắp đặt thiết bị Movimar cho tàu đánh bắt xa bờ - Ảnh: A.P​

“Như tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi, hiện tại ngoài trang bị thiết bị Movimar, thiết bị ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử, tôi trang bị thêm máy dò ngang Sonar, ra đa hàng hải, điện thoại vệ tinh… để phục vụ cho nghề lưới rê bùng nhùng. Như chuyến biển vừa rồi, cũng nhờ trang bị thiết bị công nghệ hiện đại nên tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi thu về 170 triệu đồng/ chuyến biển. Trong năm 2020, tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi đánh bắt được sản lượng thủy, hải sản có giá trị khoảng 2 - 3 tỉ đồng”.

Theo lão ngư Võ Linh Quyền ở Khu phố 5 (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) thì mùa đánh bắt thủy hải sản cao điểm bằng lưới rê bùng nhùng thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Đó cũng là mùa có thời tiết thất thường, sóng to, gió lớn… Muốn đánh bắt được nhiều cá, mực phải chủ động di chuyển từ ngư trường này đến ngư trường khác. Điều đó đòi hỏi các tàu đánh bắt xa bờ phải trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại. Đơn cử như tàu đánh bắt xa bờ của gia đình ông hiện đang trang bị ra đa hàng hải với tầm quét 38 hải lý. Khi tàu đánh bắt xa bờ hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu như sương mù, mưa gió che khuất tầm nhìn trên biển hay đêm tối mịt mù thì thuyền trưởng của tàu đánh bắt xa bờ vẫn phát hiện được mục tiêu cố định như rạn đá, bờ đảo, đất liền hoặc mục tiêu di động như tàu, thuyền cách hàng chục hải lý hiển thị trên màn hình ra đa để lái tàu tránh va chạm.

  Tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh hiện có 113 tàu, thuyền, trong đó có 40 tàu đánh bắt xa bờ làm nghề pha xúc, rê khơi… đều được trang bị những thiết bị hiện đại như: Movimar, thiết bị ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử, máy dò ngang Sonar, máy thông tin liên lạc… Nhờ vậy, ngư dân đã làm chủ ngư trường, sản lượng đánh bắt thủy, hải sản ngày càng nâng lên.​

Mùa này, tàu đánh bắt xa bờ khi vào cửa lạch thường gặp trường hợp sương mù dày đặc, thuyền trưởng có thể căn cứ vào dải phao hàng hải hiển thị trên màn hình ra đa để vào bờ an toàn mà không cần phải quan sát đèn hải đăng. Rồi việc quản lý lưới rất thuận tiện. Nếu như trước đây, khi vàng lưới như lưới rê bùng nhùng dài khoảng 10 km thì cứ cách 2-3 km phải có một người ngồi trên thúng chai để canh giữ lưới tránh bị mất cắp, bị tàu lớn đâm phải…Tàu trang bị ra đa hàng hải thì không cần phải làm như vậy, bởi trên dải phao của vàng lưới rê bùng nhùng đã lắp đặt các thiết bị phát tín hiệu phản hồi với ra đa lắp trên tàu nên chỉ cần ngồi trên tàu nhìn màn hình ra đa là biết được lưới có bị mất cắp hay khu vực thả lưới có tàu, thuyền khác đi ngang qua hay không. Nếu có sự cố bất thường như tàu khác đi ngang qua khu vực thả lưới là nổ máy tàu đến ngay để can thiệp và nhiều lợi ích khác nữa.

Một thiết bị nữa mà hiện tại ngư dân luôn chú trọng đầu tư đó là máy dò ngang Sonar. Trước đây, nhiều tàu đánh bắt xa bờ sử dụng máy đo sâu hay còn gọi là máy dò đứng để dò cá nên hiệu quả khai thác thủy, hải sản chưa cao, do mức độ phát hiện đàn cá hẹp, chỉ phát hiện được đàn cá ngay dưới đáy tàu. Bây giờ, nhiều tàu đánh bắt xa bờ đã đầu tư thêm máy dò ngang Sonar. Máy do ngang Sonar là thiết bị có chức năng phát hiện, xác định vị trí và có thể nhận dạng, phân biệt các đối tượng trong lòng đại dương. Máy do ngang Sonar hoạt động theo nguyên lý phát sóng siêu âm xuống biển để phát hiện đàn cá xung quanh tàu với cự ly bán kính lên tới 1.000 mét. Nếu sử dụng kết hợp phương pháp dò đứng, dò ngang, quét dọc… sẽ giúp cho thuyền trưởng có thể vừa quan sát từng vị trí của đàn cá, mặt cắt không gian nước quanh tàu, ước lượng mức độ tập trung của đàn cá…

Ngoài ra, máy do ngang Sonar còn có chức năng bám đàn, giúp thuyền trưởng theo dõi hướng đi và tốc độ di chuyển của đàn cá, qua đó chọn thời điểm thả lưới, tăng xác suất bắt gặp đàn cá cao hơn nhiều so với máy dò đứng. Nhờ vậy khi trang bị máy dò ngang Sonar đã giúp cho chủ tàu nhiều lợi ích như tiết kiệm nhiên liệu do thấy đàn cá từ xa; không phải chạy lòng vòng tìm đàn cá; khi thấy đủ số lượng cá mới tiến hành đánh bắt; do thấy rõ đàn cá nên có thể vây trọn cả đàn; giúp quan sát rõ địa hình đáy biển; phân biệt được cá và rạn đá, rạn san hô…

Trao đổi về vấn đề ngư dân đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy hải sản, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt (huyện Gio Linh) Trần Thanh Hải cho biết, trong những năm trở lại đây, ngư dân làm nghề lưới vây, lưới rê bùng nhùng, rê khơi, pha xúc cùng nhiều loại hình ngành nghề đánh bắt thủy, hải sản khác ở xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) bên cạnh việc cải hoán, đóng mới tàu, thuyền có công suất lớn để vươn khơi, bám biển, thì ngư dân đã chú trọng việc trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại để khai thác thủy, hải sản ở vùng biển xa; từng bước phát triển ngành nghề đánh bắt thủy, hải sản theo hướng chuyên nghiệp; tăng dần tàu có công suất lớn, giảm dần các tàu, thuyền công suất nhỏ khai thác gần bờ. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào đánh bắt thủy, hải sản vừa giảm sức lao động, vừa nâng cao hiệu quả khai thác thủy, hải sản…

Để không ngừng nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho ngư dân và phương tiện khi hoạt động trên biển, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của ngư dân trên tàu đánh bắt xa bờ, thời gian tới xã Gio Việt tiếp tục khuyến khích ngư dân đầu tư trang bị các thiết bị điện tử hàng hải như máy dò ngang, máy dò dọc, máy định vị, máy thông tin liên lạc…; tăng cường ứng dụng kỹ thuật sử dụng ánh sáng màu, đèn ngầm, đèn LED… nhằm thay thế hệ thống đèn cao áp truyền thống để tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả khai thác. Bên cạnh đó, xã Gio Việt tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cho ngư dân thấy rõ những lợi ích của việc áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong sản xuất để mạnh dạn đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; động viên ngư dân tham gia thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, khuyến ngư và xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thủy, hải sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…

(Nguồn: baoquangtri)

TAGS

Thả hơn 9.000 con cá giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Lê An |

Nhân dịp 62 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 – 1/4/2021), sáng nay 31/3/2021, tại hồ thủy lợi Phường 4, thành phố Đông Hà (Quảng Trị), Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nghề cá tỉnh tổ chức thả hơn 9.000 con cá giống các loại gồm cá trắm, cá mè, cá trôi, cá trê để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi và các quy định về khai thác thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản vụ mới ở Quảng Trị nhiều khó khăn

Nguyên Lý |

Các hộ làm nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển tỉnh Quảng Trị đang vào vụ mới trong năm 2021, nhưng gặp khó khăn khi phải dồn lực để khắc phục thiệt hại do mưa lũ lịch sử hồi cuối năm 2020 gây ra.

Lào mở rộng hợp tác lĩnh vực thủy sản với các nước

Tổng hợp |

Quan chức 3 nước Lào, Trung Quốc, Malaysia vừa tổ chức Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm nghề cá hiện đại để thảo luận về khả năng hợp tác lĩnh vực thủy sản giữa các bên.

Thả hơn 13.400 con cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản

Thục Quyên |

Ngày  22/12/2020, tại các hồ chứa nước km 6, Phường 4, TP. Đông Hà (Quảng Trị) và hồ Khe Chè Thượng, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức thả hơn 13.400 con cá giống các loại gồm trắm cỏ, mè, trê, trôi và rô phi nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản bị ảnh hưởng sau các đợt mưa lũ vừa qua; đồng thời, tái tạo nguồn giống các loại thủy sản bản địa cũng như nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của người dân.