Năm 2022, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gặp nhiều khó khăn.
Không có dự án FDI đăng ký đầu tư mới được cấp phép, một số dự án tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động với hiệu quả thấp, một số dự án đã được cấp phép nhưng tiến độ triển khai còn chậm. Trước thực trạng đó, tỉnh Quảng Trị đã tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ trong năm 2023.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có có 18 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.484,52 triệu USD.
Trong đó có 12 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 49,582 triệu USD; 6 dự án đang triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký là 2.434,94 triệu USD. Một số dự án trọng điểm của tỉnh thu hút nguồn vốn đầu tư lớn như dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tỉnh Quảng TrịGiai đoạn 1, dự án Khu công nghiệp Quảng Trị...
Thống kê cho thấy, năm 2022, vốn thực hiện các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đạt 6,12 triệu USD, doanh thu đạt 81,16 triệu USD.
Giá trị xuất khẩu đạt 54 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt 26 triệu USD, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.181 lao động tại địa phương và nộp ngân sách 2,09 triệu USD, bằng 113,39% so với cùng kỳ 2021.
Trong năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giải quyết 3 hồ sơ thủ tục góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời có văn bản thông báo đáp ứng điều kiện, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đối với Công ty Progreen Power Private Limited (Singapore) đủ điều kiện góp vốn vào Công ty TNHH Progreen Power Quảng Trị; nhà đầu tư Miss Kangchana Sae-Lim đáp ứng điều kiện góp vốn, mua phần vốn góp vào Công ty TNHH An Thái Quảng Trị và Công ty TNHH Vĩnh Đại Quảng Trị.
Tổng giá trị vốn góp là 0,47 triệu USD. Tính đến hết năm 2022, không có dự án FDI đăng ký đầu tư mới được cấp phép, chỉ có dự án Sangshin Central Việt Nam của Công ty TNHH Sangshin Central Việt Nam dự án thực hiện điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 3,5 triệu USD lên 4 triệu USD.
Việc thu hút nguồn vốn FDI năm 2022 không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là bởi các nguyên nhân khách quan như diễn biến tình hình phức tạp của COVID-19 kéo dài hơn 2 năm, áp lực của lạm phát đè nặng lên nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine…đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.
Riêng đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Trị, cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư vẫn là “nút thắt” trong kêu gọi đầu tư vào địa phương.
Khả năng thu hút và chất lượng vốn FDI, đầu tư trong nước vẫn còn thấp, chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghệ nguồn, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn cũng là một trở ngại đối với việc kịp thời bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.
Việc thiếu các công trình giao thông, hạ tầng trọng điểm như sân bay, cảng biển nước sâu, kho ngoại quan đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thu hút đầu tư FDI. Ngoài ra, tỉnh thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, chất lượng cao, trình độ chuyên môn cao và có tay nghề để đáp ứng nhu cầu của DN...
Trên cơ sở tình hình thực tiễn và các dự án đầu tư đã được phê duyệt, năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu thu hút và phê duyệt đầu tư ít nhất 1 dự án FDI với tổng mức đầu tư khoảng 20 triệu USD. Kế hoạch vốn đầu tư thực hiện trong kỳ là 20,76 triệu USD, doanh thu đạt 89,78 triệu USD, xuất khẩu đạt 54,66 triệu USD, nhập khẩu đạt 26,8 triệu USD, nộp ngân sách 2,63 triệu USD và tạo việc làm cho 2.284 lao động.
Bám sát các mục tiêu, định hướng tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có ưu thế, các dự án lớn đảm bảo môi trường, năm 2023, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các tập đoàn có chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu...
Theo đó, để đạt mục tiêu này, các giải pháp cần đẩy mạnh thực hiện là nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có như đường giao thông, nhà máy xử lý nước thải, tăng cường trồng cây xanh tạo cảnh quang môi trường xanh-sạchđẹp…để thu hút thêm các nhà đầu tư vào lấp đầy các khu công nghiệp.
Tập trung các nguồn lực, nguồn vốn khác nhau để triển khai bồi thường, GPMB tạo quỹ đất sạch, ưu tiên các dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị...
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Thương, với chức năng của ngành, đơn vị sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án FDI, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp để tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Đề xuất phương án xử lý đối với các dự án hoạt động kém hiệu quả, các dự án có tác động xấu đến môi trường, các dự án hoạt động không đúng với mục tiêu, tiến độ và nội dung được phê duyệt. Sở cũng sẽ sớm hoàn tất và đẩy nhanh tiến độ phát hành cẩm nang Xúc tiến đầu tư.
Ngoài nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện.
Bên cạnh đó, chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính.
Tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin hai chiều, đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải đáp thắc mắc với nhà đầu tư, thúc đẩy nhà đầu tư mở rộng, đăng ký vốn tăng thêm với các dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)