Với sự lây lan nhanh và mạnh đến 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể thấy rõ Delta đang khiến cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu thêm gian nan.
Hầu hết các chuyên gia hàng đầu về COVID-19 đều nhận định Delta là biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt.
Sự nguy hiểm của “quái vật” Delta
Biến thể Delta, còn được gọi là B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10/2020 tại bang Maharashtra, Ấn Độ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, biến thể này nhanh chóng lan rộng khắp Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới.
Tháng 5/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp biến thể Delta vào diện biến thể "đáng lo ngại" ở cấp độ toàn cầu, cũng như các biến thể Alpha, Beta và Gamma. Tuy xuất hiện sau các biến thể như Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh), Beta (ở Nam Phi) và Gamma (ở Brazil), nhưng hiện nay biến thể Delta đang trở thành chủng trội toàn cầu do khả năng lây nhiễm cao.
Biến thể này đã xuất hiện ở hơn 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, là nguy cơ lớn nhất đe dọa thành quả chống dịch mà nhiều nước phải nỗ lực mới đạt được trong thời gian qua.
Trong quá trình lan rộng, biến thể Delta liên tục biến đổi. Qua nghiên cứu sơ bộ, các nhà khoa học đã biết rằng các đột biến này cho phép virus liên kết với tế bào của người mắc COVID-19 một cách dễ dàng hơn và tránh được một số phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Cho dù các loại vaccine hiện có được cho là cũng hiệu quả với biến thể Delta nhưng tính hiệu quả đó không cao đối với những người mới chỉ tiêm 1 trong 2 mũi vaccine.
Đáng chú ý hơn, biến thể Delta dường như đang lây lan nhanh nhất ở những người dưới 30 tuổi, nhóm dân số có tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 thấp nhất ở hầu hết các quốc gia châu Âu.
Biến thể Delta của COVID-19 đang hoành hành khắp châu Âu và nhiều quốc gia lại phải tiếp tục cuộc chạy đua với đại dịch COVID-19 bằng cách kết hợp giữa những hạn chế mới nhằm phòng dịch và đẩy nhanh tốc độ, quy mô tiêm chủng.
Biến thể Delta hiện đã có mặt ở 19/28 nước châu Âu với tỷ lệ gần 70% trong các mẫu dương tính. ECDC dự báo rằng đến cuối tháng 8, tỷ lệ này sẽ lên tới 90%.
Sự lây lan của biến thể Delta trên toàn cầu còn khiến tỷ lệ tử vong do Covid-19 tăng. Các số liệu thống kê của WHO cho thấy trong hơn 1 tháng qua, số ca mắc COVID-19 diễn biến bệnh và tử vong tại các quốc gia có tiềm lực y tế yếu và tốc độ tiêm phòng chậm do thiếu vaccine thường cao hơn.
WHO chỉ ra số ca tử vong vì dịch bệnh tại châu Phi trong tuần thứ hai của tháng 7 tăng tới 43% (từ 4.3 nghìn ca trong tuần trước đó lên 6.2 nghìn ca). Tuy nhiên, ngay cả con số này cũng chưa chắc phản ánh đúng thực trạng bởi tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 ở châu Phi cũng rất thấp.
Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á cũng đang trong cuộc chiến quyết liệt đối phó với làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19 do biến thể Delta. Đây có thể coi là “đợt tấn công” mạnh nhất của virus SARS-CoV-2 vào Đông Nam Á trong hơn một năm rưỡi COVID-19 hoành hành. Indonesia đang là “điểm nóng” của dịch với số ca mắc mới theo ngày thường xuyên cao nhất thế giới, có ngày hơn 50 nghìn ca, trong khi số ca tử vong mới đứng thứ hai thế giới, hơn 2 nghìn ca/ngày.
Thái Lan, Malaysia liên tục ghi nhận hơn 11 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Số ca nhiễm hàng ngày ở Phillippines, Myanmar, Việt Nam ở mức 4 chữ số. Số ca mắc mới ở Campuchia, Lào, Singapore cũng liên tục tăng.
Hàn Quốc cũng là nước liên tục ghi nhận số ca COVID-19 cao kỷ lục mỗi ngày. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong tuần thứ 3 của tháng 7, có tới 48% số bệnh nhân COVID-19 được xác nhận nhiễm biến thể Delta, tăng nhanh so với mức 3.3% trong tuần thứ 4 của tháng 6. Các quan chức KDCA cho rằng biến thể này sẽ sớm là nguyên nhân gây ra hơn 50% số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc.
Nhật Bản cũng chứng kiến sự gia tăng số ca mắc vào cuối tháng 6 khiến Thủ tướng Suga Yoshihide phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo từ ngày 12/7. Các biện pháp khẩn cấp, dự kiến mở rộng cho đến ngày 22/8, sẽ kéo dài suốt Olympic Tokyo, sự kiện mà hầu như không có khán giả…
Delta đang là mối đe dọa lớn nhất với toàn cầu
Sự lây lan của biến thể Delta trên khắp thế giới đã làm thay đổi mọi thứ. Theo nhận định chung của 10 chuyên gia hàng đầu về COVID-19 trong một cuộc phỏng vấn mới được hãng Reuters công bố, Delta hiện là biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt.
Theo các chuyên gia trên, khả năng bảo vệ của các vaccine ngừa COVID-19 hiện nay vẫn rất mạnh mẽ, giúp giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng và phải nhập viện khi mắc các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Những người chưa được tiêm phòng vẫn thuộc diện nguy cơ cao nhất.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất hiện nay là biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, không phải ở việc nó khiến bệnh diễn biến nặng hơn, mà khả năng lây lan dễ dàng hơn, qua đó làm tăng số ca mắc và nhập viện ở những người chưa được tiêm chủng.
Các chuyên gia cũng cho biết nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Delta có khả năng lây nhiễm ở những người đã được tiêm chủng đủ liều với tỷ lệ cao hơn so với các biến thể trước đó.
Nhà vi sinh vật học người Anh Sharon Peacock, người phụ trách công tác giải trình tự gene của các biến thể virus SARS-CoV-2 ở Anh, nhận định “nguy cơ lớn nhất đối với thế giới lúc này là Delta, biến thể mạnh nhất và có tốc độ lây lan nhanh nhất". Các virus liên tục phát triển thông qua đột biến, với các biến thể mới được sinh ra.
Đôi khi những biến thể mới nguy hiểm hơn so với chủng gốc. Các chuyên gia về dịch bệnh cho rằng cho đến khi có thêm dữ liệu về sự lây truyền biến thể Delta, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp chống dịch khác ở các quốc gia có chiến dịch tiêm chủng rộng rãi.
Nhà virus học Shane Crotty thuộc Viện Miễn dịch học La Jolla ở San Diego (Mỹ) thì lưu ý rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu ở Anh.
Còn chuyên gia Eric Topol, Giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California (Mỹ), lại lưu ý rằng biến thể Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn cùng số lượng hạt virus cao hơn nhiều và đây là một thách thức.
Ông khuyến cáo những người đã được tiêm chủng vẫn cần cẩn thận, duy trì các biện pháp bảo vệ sức khỏe cá nhân.
Sự phát triển các loại vaccine với hiệu quả phòng bệnh cao dường như đã khiến nhiều người có tâm lý chủ quan, tin rằng dịch COVID-19 không còn là mối đe dọa lớn đối với họ một khi đã được tiêm chủng.
Tuy nhiên, Giáo sư Y khoa và dịch tễ học Carlos del Rio thuộc Đại học Emory ở Atlanta, lưu ý khi vaccine lần đầu tiên được phát triển, không ai nghĩ rằng chúng sẽ ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Mục đích của vaccine luôn là để ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng và nguy cơ tử vong.
Các loại vaccine đã phát huy hiệu quả đến mức người ta tin rằng vaccine cũng có thể ngăn ngừa lây nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2, song điều này là sai lầm.
Tiến sĩ Monica Gandhi, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, cho biết người dân có thể thất vọng vì vaccine không thể 100% ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng ghi nhận một thực tế là gần như tất cả bệnh nhân nhập viện vì mắc Covid-19 đều chưa được tiêm chủng, qua đó cho thấy việc tiêm vaccine vẫn mang lại “hiệu quả tương đối đáng kinh ngạc”.
(Nguồn: TTXVN)