EVN cam kết với Chính phủ không tăng giá điện trong năm 2022, đảm bảo đủ điện cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tại hội thảo Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện ngày 8/4, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết năm nay EVN cân đối tài chính, thậm chí chấp nhận lợi nhuận bằng 0 để không tăng giá điện, nhưng sẽ khó cân đối trong các năm tiếp theo, nếu giá nhiên liệu đầu vào vẫn tăng.
Theo ông, nhiều biến động của thế giới khiến giá nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện như than, khí... tăng mạnh. Giá than nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần so với trước, lên gần 200-220 USD một tấn. Giá LNG cũng tăng gấp 3, lên 18-20 USD/triệu BTU. Giá sắt thép vật liệu xây dựng để thực hiện các dự án nguồn, truyền tải điện.
Các yếu tố này khiến ngành điện chịu áp lực đầu vào (đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh), trong khi giá bán đầu ra ba năm nay chưa được điều chỉnh.
EVN cam kết với Chính phủ không tăng giá điện trong năm 2022, đảm bảo đủ điện cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, nếu tình hình giá nhiên liệu sơ cấp vẫn leo thang như hiện nay thì việc cân đối đầu vào và bán điện sẽ "cực kỳ khó khăn".
Chính phủ, các bộ ngành cần tính toán để có giải pháp đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, người dân, làm sao để giá điện ở mức hợp lý, nền kinh tế chịu đựng được.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng EVN xác định với Chính phủ năm nay lợi nhuận bằng 0, không tăng giá điện và năm sau có thể lợi nhuận tiếp tục bằng 0. Nhưng với doanh nghiệp tư nhân thì họ không thể chấp nhận việc này, bởi đầu tư là phải có lợi nhuận.
Theo ông cần tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả, cùng cơ chế chính sách cần mang tính dài hạn và giá điện ở mức chấp nhận được, đảm bảo nhà đầu tư có lãi thì họ mới bỏ vốn. Câu chuyện phát triển năng lượng tái tạo vừa qua là ví dụ.
Ông Tài Anh nêu, các quy định pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng còn thiếu đồng bộ; trình tự, thủ tục trong công tác chuẩn bị đầu tư phải qua nhiều bước dẫn đến thực hiện thời gian kéo dài, khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích đất rừng, thu xếp vốn. Những tồn tại này cần được tháo gỡ để tiến độ triển khai các dự án điện được đẩy nhanh.
(Nguồn: Phụ nữ mới)