Mít Thái xuất khẩu bắt đầu đổ về các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang để chờ giải cứu.
Những ngày gần đây, trên một số tuyến đường ở Hà Nội như Hồ Tùng Mậu, Kim Ngưu, Tôn Thất Thuyết, Phạm Ngọc Thạch, Quán Thánh… nhiều xe tải lớn chở mít Thái quay đầu từ Lạng Sơn về bán dọc vỉa hè. Theo khảo sát của Zing, mức giá bán của mít Thái "giải cứu" khá rẻ, trung bình khoảng 6.000-10.000 đồng/kg.
Không chỉ ở các vỉa hè, trên các trang mạng xã hội, một số cá nhân bắt đầu kêu gọi hoặc đứng ra nhận bán mít Thái online.
Một cửa hàng bán hoa quả lớn tại Hà Nội cũng tham gia hỗ trợ tiêu thụ 2 container mít Thái giúp người dân tương đương khoảng 50 tấn hàng.
Ở các chợ truyền thống, sạp hoa quả, giá mít Thái chỉ giảm nhẹ so với ngày thường. Tại chợ Cống Vị (quận Ba Đình) giá bán 20.000-25.000 đồng/kg đối với loại nguyên xơ, 40.000 đồng/kg đối với loại bóc sẵn. Tại siêu thị Vinmart Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), mít Thái bóc sẵn giá 67.800 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mít "giải cứu".
Thực tế, các cuộc giải cứu nông sản năm nào cũng tái diễn như giải cứu vải thiều, dưa hấu, hành tím, thanh long, củ cải và lúc này là mít Thái...
Theo các chuyên gia, đây hệ quả tất yếu của việc sản xuất, tiêu thụ bị động, thiếu kế hoạch, định hướng. Một trong những giải pháp căn cơ nhất đó là người nông sân phải nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất. Họ cần có chuỗi cung ứng các mô hình sản xuất nông nghiệp trong nước để hướng tới các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng cần kết hợp giữa sản xuất và tiêu thụ, chế biến rõ ràng ngay từ đầu. Các hợp tác xã, tổ chức, hiệp hội cũng cần phát huy vai trò trong việc định hướng sản xuất và phân phối cho người dân.
Người nông dân vẫn sản xuất theo thói quen, tập tục mà chưa có sự đánh giá, xem xét nhu cầu của thị trường. Cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức do người dân, doanh nghiệp chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho rằng doanh nghiệp phải tăng cường mô hình này và chú trọng an toàn thực phẩm, nguồn gốc, bao bì nhãn mác... Nông sản Việt phải đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Đức... Như vậy, cùng với công nghệ chế biến, hệ thống kho lạnh thì không lo cảnh được mùa rớt giá, hay bị lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào.
(Nguồn: Phụ nữ mới)