Khai thác tiềm năng, nâng tầm nông sản địa phương

Bảo Bình |

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, giúp nâng tầm giá trị của các loại nông sản.

Những ngày cuối năm 2021, tin vui đến với Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh khi sản phẩm hạt tiêu đỏ hữu cơ được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh là một trong 119 thương hiệu, sản phẩm đạt danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2021. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ và quy trình chế biến nghiêm ngặt, tiêu đỏ hữu cơ Vĩnh Linh đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm sạch của người tiêu dùng, được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Sản phẩm hạt tiêu đỏ hữu cơ Vĩnh Linh đã có mặt ở thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong nước, khẳng định thương hiệu của sản phẩm. Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh Lê Tấn Tửu cho biết: “Hướng đến thị trường nước ngoài là một mục tiêu lớn vừa mang lại cơ hội vừa đặt ra nhiều thách thức cho chính các thành viên của HTX trong quá trình sản xuất. Yêu cầu các thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình theo quy chuẩn chất lượng cao, thay đổi hoàn toàn tập quán canh tác, sản xuất trước đây bằng phương pháp hữu cơ, an toàn. Qua đó, giá trị của sản phẩm sẽ không ngừng được nâng cao, thu nhập của người sản xuất cũng được tăng thêm. Đặc biệt, góp phần khẳng định thương hiệu, chất lượng cho sản phẩm nông sản sạch của địa phương”.

Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021 - Ảnh: B.B
Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021 - Ảnh: B.B

Thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển biến quan trọng, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, mang tính hàng hóa. Kết quả sản xuất năm 2021 của ngành đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch như tốc độ tăng trưởng đạt 3,02%, vượt chỉ tiêu đề ra. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã mở rộng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ chanh leo với Công ty Nafood Tây Bắc gần 100 ha, liên kết với Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị phát triển lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên hơn 240 ha.

Mô hình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ đã được triển khai mạnh mẽ tại Vĩnh Linh, Gio Linh, đến nay toàn tỉnh có hơn 170 ha sản xuất theo quy trình hữu cơ. Tỉnh cũng đã hỗ trợ chứng nhận hữu cơ đối với 5,3 ha bưởi, cam ở xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng. Đồng thời đang phối hợp với Công ty TNHH công nghệ NHO NHO để chứng nhận hữu cơ chuyển đổi cho 10 ha cây ăn quả... Đây chính là những điều kiện thuận lợi để triển khai chương trình OCOP, góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, nhất là thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh) và kinh tế tập thể, HTX thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách, định hướng quy hoạch và quản lý, giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông nghiệp.

Qua gần ba năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 53 sản phẩm OCOP được chứng nhận (gồm 7 sản phẩm đạt 4 sao và 46 sản phẩm đạt 3 sao) của 36 chủ thể (trong đó có 7 HTX, 13 doanh nghiệp và 16 hộ sản xuất, kinh doanh). Năm 2021, có 41 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh. Điểm nổi bật của các sản phẩm OCOP là tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường tại nơi sản xuất. Ngoài ra, bao bì, nhãn mác của sản phẩm OCOP cũng từng bước được cải tiến, đảm bảo quy định về nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là biện pháp hữu hiệu vừa chống hàng giả, hàng nhái, vừa tạo niềm tin về sản phẩm OCOP với người tiêu dùng. Chương trình OCOP đã khuyến khích, khơi dậy sáng tạo của chủ thể, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công. Các chủ thể được tư vấn, hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật để sản xuất sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đẹp, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Thông qua việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết. Đây cũng là cơ hội để các làng nghề, HTX, cơ sở sản xuất phát huy, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào chương trình OCOP được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Lựa chọn sản phẩm chất lượng để phân hạng OCOP cấp tỉnh

Thục Quyên |

Năm nay là năm thứ 3 triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung đánh giá, phân hạng để lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Mục tiêu đặt ra là đánh giá đúng, xếp hạng chuẩn các sản phẩm để nâng tầm giá trị hàng hóa của địa phương.

Cả nước có thêm 16.110 ca dương tính COVID-19 trong ngày 19/12

Thanh Mai |

Dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam trong quý I/2020 vẫn ghi nhận những điểm sáng đến từ ngành thương mại điện tử, kinh doanh mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tận nơi.

Vĩnh Linh, điểm sáng thực hiện mô hình ít con

Ngọc Trang |

Những năm qua, Vĩnh Linh (Quảng Trị) luôn là địa phương dẫn đầu trong toàn tỉnh việc duy trì và nhân rộng mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Đó là kết quả của sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân địa phương.

Bò lai có giá cao hơn từ 10 - 20 triệu đồng/con so với bò vàng địa phương

Thục Quyên |

Ngày 16/12, Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả chương trình cải tạo đàn bò năm 2021.