Lựa chọn sản phẩm chất lượng để phân hạng OCOP cấp tỉnh

Thục Quyên |

Năm nay là năm thứ 3 triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung đánh giá, phân hạng để lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Mục tiêu đặt ra là đánh giá đúng, xếp hạng chuẩn các sản phẩm để nâng tầm giá trị hàng hóa của địa phương.

Năm 2021, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) có 5 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng cấp huyện gồm bánh tét mặt trăng của Tổ hợp tác (THT) sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê, xã Hải Thượng; ném Hải Dương của THT Thuần Việt, xã Hải Dương; bánh lọc Huệ của Cơ sở sản xuất bánh lọc Huệ, xã Hải Chánh; nước mắm Mỹ Thủy của THT sản xuất nước mắm Mỹ Thủy và ruốc bột Bà Vầy của Cơ sở sản xuất ruốc Trương Thị Vầy, xã Hải Khê. Các sản phẩm được đánh giá cụ thể, chính xác theo các tiêu chí của OCOP, gồm: Sản phẩm có nguồn gốc, có nhãn mác; an toàn vệ sinh thực phẩm; có sự tham gia của cộng đồng; thị trường tiêu thụ ổn định, có tiềm năng mở rộng; gia tăng giá trị kinh tế... Kết quả toàn bộ 5 sản phẩm đều được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp huyện.

Sản xuất nước mắm Mỹ Thủy tại THT sản xuất nước mắm Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện - Ảnh: T.Q
Sản xuất nước mắm Mỹ Thủy tại THT sản xuất nước mắm Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện - Ảnh: T.Q

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện khẳng định, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng năm 2021 đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và mang những nét đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương trong huyện; có khả năng mở rộng và liên kết sản xuất đến nhiều thành phần; tạo việc làm cho nhiều người dân tại địa phương… Các sản phẩm đều được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng; hoàn thiện các thủ tục pháp lý như chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng; xây dựng bảo hộ nhãn hiệu, hệ thống bao bì, tem nhãn, tờ rơi. “Hiện tại các chủ thể đang tập trung hoàn thiện hồ sơ, bổ sung thêm một số nội dung để sẵn sàng tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Dự kiến cả 5 sản phẩm đều có khả năng đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên”, ông Hải cho biết thêm.

Tại thành phố Đông Hà, 10 sản phẩm của 4 chủ thể gồm cao chè vằng, cao cà gai leo, cao dây thìa canh của Công ty TNHH Sun Do; hạt sen tươi, hạt sen khô và trà tim sen của Cơ sở sản xuất và chế biến sen Bảo Liên; trà túi lọc cà gai leo Bé Xịn và trà túi lọc chè vằng Bé Xịn của Cơ sở sản xuất cao trà thảo dược Bé Xịn; sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị nâng hạng sao và sản phẩm mới gạo đỏ đen của Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị cũng đã được “đặt lên bàn cân” để đánh giá, phân hạng cấp thành phố. Cùng với bám sát các tiêu chí để đánh giá theo đúng quy định, các thành viên Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Đông Hà cũng nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng hồ sơ để góp ý, bổ sung cho các chủ thể những nội dung còn thiếu. Qua đó giúp chủ thể hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021 đánh giá, phân hạng. Kết quả, toàn bộ 10 sản phẩm được Hội đồng đánh giá với số điểm đạt từ 60 điểm trở lên, trong đó có những sản phẩm trên 70 điểm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Nguyễn Sỹ Trong, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố cho biết, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng năm 2021 đã có sự đầu tư về bao bì nhãn mác bắt mắt, đẹp và thể hiện tính sáng tạo của chủ thể tham gia. Các sản phẩm tham gia là những sản phẩm đặc trưng, truyền thống của tỉnh được hoàn thiện về chất lượng. Có đầy đủ phiếu kiểm nghiệm, xác nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn, chứng nhận hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đã xây dựng hồ sơ công bố, tiêu chuẩn sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho thương hiệu. Đặc biệt, công tác quảng bá giới thiệu về sản phẩm được chú trọng bằng các video clip để giới thiệu về cơ sở, câu chuyện sản phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hoàng Minh Trí thông tin, để được “gắn sao” OCOP, sản phẩm phải đảm bảo các yêu cầu như có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; sản xuất có kế hoạch bảo vệ môi trường; sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc... Tỉnh cũng yêu cầu các sản phẩm tham gia OCOP bắt buộc phải trải qua đánh giá và phân hạng một cách khách quan, chặt chẽ, đúng quy định, được tổ chức truyền thông rộng rãi để các địa phương và các hộ sản xuất, tổ chức kinh tế tham gia.

Theo ông Trí, chương trình OCOP chính là động lực để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, cần triển khai từng bước, đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả; sản phẩm tham gia đánh giá mặc dù đã được thị trường chấp nhận nhưng các chủ thể cần tiếp tục cải tiến mẫu mã bao bì, nhãn mác hàng hóa; quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm; xây dựng sản phẩm, phương thức tiếp thị sản phẩm; kế hoạch kinh doanh, nâng cao chất lượng. Đồng thời áp dụng những giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất để mở rộng quy mô, thị trường tiêu thụ hướng đến xuất khẩu. Hiện công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cũng đã được các huyện, thị xã, thành phố triển khai chặt chẽ, đúng quy định. Điều này cho thấy, sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong việc phát huy lợi thế, điểm mạnh nông nghiệp của vùng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cam Lộ chú trọng phát triển sản phẩm OCOP từ dược liệu

Bảo Bình |

Phát triển các sản phẩm OCOP từ cây dược liệu đang là hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều địa phương, đơn vị. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chú trọng đầu tư phát triển cây dược liệu để ngày càng có nhiều hơn sản phẩm từ dược liệu được chứng nhận OCOP.

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ chương trình OCOP

Thanh Trúc |

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) sau hơn hai năm triển khai thực hiện đã phát huy được hiệu quả kinh tế bước đầu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài như hiện nay.

Chủ động thay đổi để mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP

Lê An |

Tích cực nghiên cứu để nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo… là những giải pháp của các chủ thể OCOP đang thực hiện nhằm thích ứng với những khó khăn đến từ sự cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là ảnh hưởng của COVID-19.

Cam Lộ: 9 sản phẩm đủ điều kiện xếp hạng sản phẩm OCOP

Anh Vũ |

Nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện Chương trình OCOP  phù hợp với thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương.