Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) sau hơn hai năm triển khai thực hiện đã phát huy được hiệu quả kinh tế bước đầu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài như hiện nay.
Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, 2 năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ, người dân đồng lòng ủng hộ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực tham gia. Nhờ đó, chương trình đã đạt kết quả quan trọng bước đầu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 53 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh Quảng Trị hạng 3 sao, 4 sao.
COVID-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh. Đa số các sản phẩm OCOP đều giảm sản lượng sản xuất, tiêu thụ, doanh thu so với giai đoạn 2018 - 2020, một số sản phẩm phải điều chỉnh giá bán. Các đơn vị vẫn duy trì sản xuất, tuy nhiên hàng lưu kho nhiều, mức giảm 20 - 40%. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong Nguyễn Hữu Đạt cho biết, trước tình hình tồn kho khoảng 50 tấn lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 của HTX, Liên đoàn Lao động huyện Triệu Phong đã vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ khoảng 25 tấn lúa cho nông dân.
Ngoài ra, HTX đã xuất bán cho đối tác tại Đà Nẵng 20 tấn, còn lại khoảng 5 tấn của vụ mùa năm trước cộng với số lượng lớn lúa vụ hè thu 2021. “Để tiêu thụ được trong điều kiện dịch bệnh, chúng tôi hạ mức giá bán xuống còn 20.000 đồng/kg thay vì 22.000 đồng/kg, hầu như không có lãi. Đến nay, HTX đã tiến hành thu mua gần 70 tấn lúa vụ hè thu 2021 cho nông dân, dự kiến từ nay đến tháng 4/2022 sẽ xuất bán hết số lúa này. Nếu thời gian tới thị trường Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh khởi động trở lại thì sẽ thuận tiện cho việc xuất hàng hóa theo hợp đồng với các đối tác”, ông Đạt chia sẻ.
Theo thống kê, doanh thu của các sản phẩm OCOP giảm từ 25 - 40%. Cụ thể, đối với sản phẩm cà phê mức giảm 25 - 30%, cao dược liệu, gạo hữu cơ, dầu lạc, muối đậu sả giảm 30 - 40 %, tinh dầu, nước mắm mức giảm 50 - 60%... Cá biệt một số sản phẩm mức giảm sâu như tinh bột nghệ, tranh gạo giảm từ 80 - 90%. Đối với cam K4, giai đoạn đầu gặp khó khăn tuy nhiên đến nay đã tiêu thụ được hơn 70% sản lượng. Dù gặp nhiều khó khăn cho đầu ra của sản phẩm, đa số các đơn vị vẫn giữ ổn định giá bán. Chỉ một số sản phẩm điều chỉnh mức giá giảm từ 10 - 20% để kích cầu tiêu dùng.
Trong điều kiện khó khăn chung vì dịch bệnh, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được do một số kênh phân phối, đại lý tiêu thụ tại các thành phố lớn bị đóng cửa, sức mua thấp. Việc kinh doanh qua sàn thương mại điện tử, facebook, livestream bán hàng trực tiếp mặc dù đã được các đơn vị xúc tiến thương mại hỗ trợ, chủ thể chủ động triển khai nhưng do đây là hình thức kinh doanh mới, nhiều người chưa quen nên hiệu quả bước đầu mang lại chưa cao. Nhiều tỉnh, thành phố áp dụng biện pháp giãn cách nên việc lưu thông hàng hóa khó khăn, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc không vận chuyển được. Dịch bệnh kéo dài cũng đã làm cho việc tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại của các chủ thể OCOP bị ảnh hưởng nặng nề. Giá cả nguyên vật liệu đầu vào của một số sản phẩm tăng làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh hạn chế, do đó việc phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới gặp rất nhiều khó khăn.
Nhằm giúp các chủ thể OCOP phục hồi và phát triển sản xuất, thương mại trong điều kiện bình thường mới, cần triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Đó là cần tạo điều kiện cho chủ thể OCOP được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm như vay vốn ưu đãi, hỗ trợ máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và sản xuất. Hỗ trợ chủ thể nâng cao năng lực và thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và hỗ trợ phát triển thương hiệu cho các sản phẩm OCOP nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại là một trong những bước then chốt để đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn ra thị trường. Vì vậy, ngoài việc tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, thì cần có cơ chế hỗ trợ các chủ thể OCOP tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, có số lượng người truy cập lớn như Alibaba, Lazada, Shopee, PostMart, Voso…. Đào tạo, tập huấn cho các chủ thể về kỹ năng bán hàng trực tuyến, kỹ năng xây dựng các clip quảng bá sản phẩm. Tạo điều kiện để họ tham gia chương trình giao thương, triển lãm thương mại, kết nối cung cầu trực tiếp và trực tuyến nhằm có cơ hội gặp gỡ, chào hàng, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thiết lập mối quan hệ buôn bán, liên doanh, liên kết, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Trong tình hình dịch bệnh kéo dài, việc triển khai các chương trình kết nối trực tuyến được xem là một trong những giải pháp hiệu quả. Đồng thời về lâu dài, các ngành chức năng cần có kế hoạch triển khai các hoạt động kết nối với các trung tâm xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng sản phẩm OCOP tại Quảng Trị và các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tăng thị phần, giới thiệu hình ảnh sản phẩm OCOP của tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng việc nắm bắt nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng nhằm phục vụ cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm OCOP.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)