Chủ động thay đổi để mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP

Lê An |

Tích cực nghiên cứu để nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo… là những giải pháp của các chủ thể OCOP đang thực hiện nhằm thích ứng với những khó khăn đến từ sự cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là ảnh hưởng của COVID-19.

Sau gần 3 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh Quảng Trị có 53 sản phẩm OCOP, trong đó có 46 sản phẩm đạt 3 sao và 7 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh của 36 chủ thể sản xuất. Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng và địa phương, thời gian qua, các chủ thể sản xuất đã đẩy mạnh sản xuất, mở rộng tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn ra thị trường.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm bún tươi Vạn Linh tại Siêu thị Co.op Mart Đông Hà - Ảnh: L.A
Khách hàng lựa chọn sản phẩm bún tươi Vạn Linh tại Siêu thị Co.op Mart Đông Hà - Ảnh: L.A
Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường, cùng với những diễn biến phức tạp của COVID-19 đã làm các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại bị hạn chế, các kênh bán hàng truyền thống bị ảnh hưởng, thậm chí buộc phải đóng cửa tạm thời do dịch bệnh… khiến việc tiêu thụ sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn.

Để thích ứng, các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất đã tích cực cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và mở rộng thị trường theo hướng liên kết. Đồng thời, thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Đây được xem là sự thay đổi cần thiết để thích nghi với hoàn cảnh dịch bệnh, cũng như phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay.

Năm 2020, sản phẩm hạt tiêu đỏ hữu cơ của HTX sản xuất kinh doanh (SXKD) hồ tiêu Vĩnh Linh đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận thị trường, nhất là các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn, sản phẩm của HTX chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng do nhãn mác, bao bì chưa thực sự bắt mắt. Nhận ra những hạn chế đó, HTX đã chủ động điều chỉnh để hoàn thiện, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Giám đốc HTX SXKD hồ tiêu Vĩnh Linh Lê Tấn Tửu chia sẻ, HTX đã nghiên cứu, thay đổi mẫu mã sản phẩm theo hướng đa dạng, bắt mắt hơn. Nếu như ban đầu hạt tiêu chỉ được đóng gói rồi đưa vào hút chân không, cán màng seal nhôm và dán nhãn thì hiện tại HTX còn đóng gói bằng chai thủy tinh, hộp tre, tặng kèm cối xay tiêu rất phù hợp để làm quà tặng. Ngoài ra, với chứng nhận hữu cơ và các tiêu chuẩn an toàn, HTX đã mạnh dạn tiếp cận với những doanh nghiệp thu mua nông sản sạch chất lượng cao, nông sản hữu cơ như Công ty Nedspice, Gia vị Sơn Hà, AoiFoods… và đã ký được nhiều đơn hàng với giá tốt.

“Giờ đây khi đứng bên cạnh các sản phẩm cùng loại của các địa phương thì sản phẩm của HTX đã nổi trội hơn hẳn. Mục tiêu của HTX là tiếp tục nâng cấp sản phẩm lên 5 sao để mở rộng thị trường trong nước và tiếp cận thị trường thế giới”, anh Tửu cho hay.

Các sản phẩm nông sản Quảng Trị trên trang web postmart. Ảnh: Chụp màn hình
Các sản phẩm nông sản Quảng Trị trên trang web postmart. Ảnh: Chụp màn hình
Còn đối với cơ sở sản xuất thực phẩm Vạn Linh, chủ thể của 2 sản phẩm bún tươi và bột bánh canh tươi đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, nắm bắt tâm lý hạn chế ra đường của người tiêu dùng, trên trang facebook cá nhân của mình, anh Nguyễn Đăng Tôn Cảnh, chủ cơ sở liên tục đăng tải các bài quảng bá sản phẩm và kết nối với trang bán hàng online của các siêu thị để người tiêu dùng dễ dàng đặt hàng.

Anh Cảnh cho biết: “Do các sản phẩm của cơ sở đều là hàng thiết yếu, chất lượng đã được khẳng định, có thời gian bảo quản dài hơn so với các sản phẩm thông thường nên trong các thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản lượng bán ra của cơ sở vẫn duy trì ổn định. Thậm chí, vào thời điểm thành phố Đông Hà giãn cách theo Chỉ thị 16, sản lượng của cơ sở còn tăng lên gấp 2 - 2,5 lần, đạt gần 1 tấn/ngày”.

Một hình thức nữa được nhiều chủ thể OCOP lựa chọn đó là đẩy mạnh kênh mua bán trực tuyến. Những ngày này, cùng với việc bán hàng trực tiếp, chị Trần Thị Lan, chủ cơ sở sản xuất chế biến nông sản Trần Lan, chủ thể của 2 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh còn tăng cường hình thức kinh doanh qua mạng xã hội facebook, zalo. Đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và đã nhận được phản hồi hết sức tích cực.

Theo chị Lan, việc tăng cường quảng bá trên các trang mạng xã hội, kênh bán hàng online là giải pháp để thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trước những ảnh hưởng của COVID-19. Việc duy trì song song 2 loại hình kinh doanh trực tiếp và trực tuyến cũng là xu thế tất yếu của thời đại 4.0.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hoàng Minh Trí thông tin, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như thích ứng với COVID-19, thời gian qua, nhiều chủ thể OCOP của tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với những biến động của thị trường. Đặc biệt, nhiều chủ thể không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, bảo đảm uy tín, tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xây dựng phương án phân phối hàng hóa hợp lý, đa dạng kênh tiêu thụ, liên kết với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, chủ động triển khai việc quảng bá, bán hàng thông qua mạng xã hội, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Điều đó cho thấy sự năng động, nhạy bén và quyết tâm tạo dựng vị thế cho sản phẩm OCOP của các đơn vị, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc nâng tầm và đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa. Qua đó, không chỉ góp phần mang lại doanh thu, lợi nhuận cho chính các chủ thể mà còn góp phần không nhỏ thúc đẩy, tạo sức lan tỏa cho chương trình OCOP.

Ông Hoàng Minh Trí cho biết thêm, để hỗ trợ tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm OCOP, hiện tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Sở Công thương rà soát cung cấp thông tin về sản phẩm OCOP cũng như các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đến vụ hoặc sắp vào vụ thu hoạch trên địa bàn tỉnh cần hỗ trợ xúc tiến thương mại để gửi Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương và các doanh nghiệp phân phối, siêu thị nhằm tạo điều kiện cho bên bán và bên mua chủ động kết nối cung - cầu.

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng có văn bản khuyến khích các siêu thị, cửa hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thu mua, giới thiệu nông sản địa phương tại kênh phân phối của đơn vị. Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP của địa phương như cam K4, gạo sạch Triệu Phong, bún Vạn Linh, cà phê Khe Sanh… đã được đưa vào bày bán tại Siêu thị Co.op Mart, hệ thống VinMart+, chuỗi cửa hàng Aoifoods…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để góp phần phòng chống thiên tai

Đan Tâm |

Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh Quảng Trị đã huy động, kêu gọi được nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, tăng năng lực phòng, chống rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ cuộc sống người dân và cơ sở vật chất của Nhà nước, Nhân dân.

Ký kết hợp tác trồng và chế biến quế hồi

Anh Vũ |

Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vừa phối hợp Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (VINASAMEX) tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ.

Mở rộng vận tải hành khách, đẩy nhanh phục hồi sản xuất kinh doanh

Đức Tuân - Phan Trang |

“Các địa phương muốn khôi phục sản xuất thì phải sâu sát, là điểm tựa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”. Nếu triển khai chậm thì mất cơ hội, nhưng nếu chủ quan thì dễ dẫn đến rủi ro rất lớn.

Thu lãi lớn từ thuê ruộng trồng lúa

Minh Long |

Không chỉ cần mẫn canh tác trên những mảnh ruộng ông cha để lại, những năm qua, ông Phan Văn Tiến ở thôn Cao Hy, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) còn chịu khó thuê lại nhiều mẫu ruộng của những hộ gia đình không đủ điều kiện canh tác để mở rộng sản xuất và phát triển thành vùng trồng lúa lớn.