Những năm qua, Vĩnh Linh (Quảng Trị) luôn là địa phương dẫn đầu trong toàn tỉnh việc duy trì và nhân rộng mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Đó là kết quả của sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân địa phương.
Từ năm 2004, huyện Vĩnh Linh triển khai xây dựng điểm mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 tại các xã: Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch (nay là xã Kim Thạch), Vĩnh Long, Vĩnh Hòa. Phòng Dân số-Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo Ban DS-KHHGĐ các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân các thôn, bản, làng, khóm phố hưởng ứng xây dựng mô hình. Huy động sự phối hợp của mặt trận, các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở.
Trong đó, chú trọng gắn công tác DS-KHHGĐ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới”; đưa các chỉ tiêu về dân số trong thực hiện các hoạt động, phong trào thi đua từ cấp huyện đến cấp cơ sở. Lấy phong trào xây dựng mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên để làm mục tiêu giảm sinh, giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Tăng cường đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền về mô hình phù hợp với từng đối tượng, chú trọng vận động, tư vấn về CSSKSS/KHHGĐ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Mở rộng phạm vi tuyên truyền đối tượng là các dòng họ, người cao tuổi, những người có uy tín trong cộng đồng để giáo dục, thực hiện quy ước đề ra.
Đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ dân số, cộng tác viên dân số cơ sở ở huyện luôn nỗ lực tìm kiếm phương thức tuyên truyền mới, tiếp cận những gia đình sinh một bề là gái để tuyên truyền, vận động lựa chọn sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, cam kết giữ vững mô hình. Hằng năm, các xã, thôn trong huyện tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng những cặp vợ chồng sinh con một bề là gái, những gia đình thực hiện chính sách dân số làm ăn giỏi, học sinh giỏi ở các cấp, thi đỗ vào trường cao đẳng, đại học...
Một khi được tuyên truyền, vận động thì người dân hiểu rõ được lợi ích thiết thực của công tác dân số đối với bản thân, gia đình nên dần dần chấp nhận và hướng đến xây dựng mô hình gia đình ít con, tích cực tham gia, tiếp nhận các thông tin truyền thông về DS-KHHGĐ, các biện pháp tránh thai, quy mô dân số, cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số.
Nhờ nỗ lực không ngừng trong việc duy trì và nhân rộng mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên, đến nay toàn huyện có 17/18 xã, thị trấn với 108/149 thôn, làng, bản, khóm phố phát động, xây dựng và duy trì mô hình. Trong đó, UBND huyện khen thưởng 34 thôn duy trì tốt 3 năm, 21 thôn duy trì tốt 5 năm không có người sinh con thứ 3 trở lên; riêng năm 2021 có 4 thôn phát động xây dựng mô hình và 1 thôn duy trì 5 năm đề nghị UBND tỉnh khen thưởng.
Phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm giảm tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên từ 1,12% năm 2004 xuống còn 0,6% năm 2020; tỉ suất sinh giảm từ 14,8‰ năm 2004 xuống 12,1‰ năm 2020; tỉ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại tăng qua hằng năm và đạt tỉ lệ 79%. Mức sinh đạt mức sinh thay thế, bình quân số con của một bà mẹ giảm từ 2,46 con năm 2004, xuống còn 1,81 con năm 2020, tuổi thọ bình quân hằng năm được nâng lên đáng kể. Mô hình không sinh con thứ 3 trở lên còn góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và công nhận xã đạt chuẩn duy trì Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế; nâng cao chất lượng dân số, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt ở địa phương.
Trưởng Phòng Dân số-Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh Hoàng Thị Hà cho biết: “Kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên ở Vĩnh Linh đó là vai trò, trách nhiệm tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về dân số-KHHGĐ của Trạm y tế, cán bộ dân số ngày được nâng cao. Công tác DS-KHHGĐ mang tính xã hội hóa cao, có sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể. Có sự thống nhất và hoàn thiện cơ chế quản lý đối với ngành dân số, phải quan tâm đúng mức và xây dựng bộ máy từ huyện đến cơ sở đủ mạnh để quản lý, điều hành. Tăng cường công tác truyền thông sâu rộng đến tận thôn bản, vùng sâu, vùng xa. Ưu tiên xây dựng một số giải pháp đột phá trong xây dựng mô hình để làm thay đổi cục diện tình hình, sau đó nhân rộng ra trên các địa bàn khác. Đẩy mạnh các phong trào thi đua sâu rộng về công tác dân số, thu hút cán bộ, cộng tác viên và Nhân dân hưởng ứng tham gia”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)