Hành trình trở về của cậu bé bị lừa bán qua Campuchia

Thiên Phong |

Nghe lời dụ dỗ của một thanh niên cùng xóm trọ, N.V.T. (xin giấu tên), trú tại Hướng Hóa đã bỏ công việc ở một cửa hàng tại Hà Nam để đi cùng người này vào Tây Ninh làm cho một công ty máy tính. Ngờ đâu, T. bị đưa thẳng qua Campuchia bán cho một công ty ma chuyên lập các trang web cờ bạc để lừa đảo trên mạng. Hành trình thoát khỏi chiếc bẫy này để trở về của T. sau gần 10 ngày bị lừa bán qua Campuchia là những ngày ám ảnh đối với cậu bé mới 17 tuổi.

Sa bẫy

T. đã nghỉ học và rời nhà ở Hướng Hóa đi làm thuê tại Hà Nội hơn 3 năm nay. Mấy năm qua, T. đã đổi việc mấy lần, từ phục vụ quán nhậu đến làm thuê cho các cửa hàng. Ba mẹ ly hôn khiến T. phải tự bươn chải nuôi mình từ rất sớm.

Ngày đi làm, tối về lại xóm trọ, T. kể mình hay ra đầu xóm chơi. Trong số những người cùng xóm trọ với T. có một thanh niên nói giọng miền Bắc. Vài lần trò chuyện tỉ tê, người này biết T. đang sống khá chật vật với mức lương hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Người này khoe mình có anh trai đang làm việc cho một công ty máy tính lớn ở Tây Ninh và công ty đang cần tuyển người với mức lương gấp 5 lần hiện tại của T. Để T. tin, thanh niên này gọi video cho anh trai mình xác nhận thông tin. Trong video, T. thấy xung quanh đúng là có hàng trăm máy tính nên tin là thật và đồng ý đi.

Những dãy nhà xung quanh vị trí mà em T. ở tại Campuchia được em quay lén qua cửa sổ tầng 5 -Ảnh: T.P
Những dãy nhà xung quanh vị trí mà em T. ở tại Campuchia được em quay lén qua cửa sổ tầng 5 -Ảnh: T.P

“Bước lên xe mới biết chuyến đi này ngoài em còn có thêm 7 người khác, đều khoảng 15- 17 tuổi, quê ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Tây Nghệ An. Cả nhóm đi đến ngày 15/5 thì đến địa phận tỉnh Tây Ninh, rồi được đưa đến một quán cà phê chòi. Đến lúc này vẫn chưa ai nghĩ mình bị lừa”, T. kể về điểm bắt đầu hành trình.

Cũng theo lời kể của T., tại quán cà phê chòi này, mỗi người trong nhóm được phát một hộp cơm. Tuy nhiên, khi vừa ăn xong lên xe thì cả nhóm đều ngủ mê mệt. Đến khi tỉnh lại thì thấy mình ở giữa một rẫy cà phê, xung quanh là nhóm người có súng nên ai cũng thấy bất an. Khi cả bọn đòi về thì một người trong nhóm nói đây là biên giới Campuchia rồi, về sẽ bị “xử”, T. nhớ lại lời đe dọa mà rùng mình.

Cả nhóm được dẫn lội qua một hồ nước rồi vào đất Campuchia. Tại đây, T. và những người đi cùng thì bị thu hết hành lý và được một chiếc xe ô tô đón về dãy nhà 9 tầng được xây như ký túc xá, có tường rào cao bao quanh. Nhìn những cuộn dây thép gai chi chít trên hàng rào như nhà tù, T. bắt đầu thấy rờn rợn. T. nói mình lén nhìn qua những phòng khác ở các tầng thì thấy có rất nhiều người trạc tuổi mình ra vào. “Sợ nhất là khi thấy ở đây có đến mấy chục người mặc đồ bảo vệ. Mỗi người canh giữ một phòng. Người nào cũng có súng và roi điện”, T. nói.

Chị H., mẹ của T. kể, ngày vào Tây Ninh, T. có nhắn tin khoe với mẹ là đã tìm được công việc lương cao, dặn mẹ ở nhà rồi sẽ gửi tiền về giúp mẹ nuôi em. Nhưng khi biết mình bị đưa qua đến Campuchia thì T. nhắn nói với mẹ là mình đã bị lừa.

Bỏ tiền chuộc con

T. đã về nhà được gần 2 tuần, nhưng vẻ mặt em vẫn thất thần sau hành trình dài gần 10 ngày ở Campuchia. Chị H. cũng không dám báo công an vì sợ và muốn con nhanh chóng ổn định để tìm việc làm.

Ngay sau khi có thông tin về vụ việc T. bị lừa bán qua Campuchia, Công an huyện Hướng Hóa đã vào cuộc xác minh sự việc. Bước đầu, đơn vị đã tiếp xúc với phía gia đình em T. để nắm lại diễn biến sự việc cũng như những tài liệu, hình ảnh liên quan, sau đó sẽ triển khai xác minh thêm về trường hợp tại xã Tân Long. Cũng theo xác minh từ Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), chiều 20/5, em T. được một người đàn ông đưa từ phía Campuchia vào cửa khẩu này làm thủ tục về Việt Nam. Hội người Việt tại Campuchia cũng cho biết, những năm qua có rất nhiều thanh, thiếu niên từ các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ bị lừa bán qua Campuchia. Tổ chức này cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng Campuchia giải cứu nhiều trường hợp nhưng tình trạng trên vẫn rất phổ biến. “Quan trọng nhất là người dân phải nâng cao cảnh giác để tránh mắc bẫy”, đại diện tổ chức này nói.

T. kể ngay ngày đầu tiên vào dãy nhà được gọi là công ty này, nhóm của T. được một cô gái trẻ phiên dịch tiếng Việt đưa lên căn phòng có nhiều máy tính. Người này dạy cho nhóm của T. cách lừa đảo tiền qua các trang cờ bạc trên mạng. T. cùng một số người từ chối không học việc lừa đảo thì những người ở đây mới lộ bộ mặt thật. “Thông qua phiên dịch, những người này nói đã phải bỏ 1.250 USD ra mua em và em phải làm trong 6 tháng để trả nợ. Nếu không chịu làm thì gọi người nhà trong 5 ngày phải gửi tiền qua chuộc về. Nếu không sẽ bị bán tiếp qua Philippines. Người này cũng nói nhóm đừng nghĩ đến chuyện bỏ trốn vì tòa nhà được canh gác rất kỹ và bảo vệ sẵn sàng dùng súng”. T. lúc này mới biết mình bị người môi giới ở cùng xóm trọ bán chứ không phải đưa đi làm như lời hứa ban đầu.

Những diễn biến này T. đều nhắn về cho mẹ lúc được dùng điện thoại. Chị H. dặn con phải quay lén được chỗ mình bị giữ để nếu có chuyện gì còn có nơi mà đi tìm. T. cũng quay được vài đoạn video qua cửa sổ và gửi về cho mẹ. Cả nhóm đều xuất thân từ các gia đình miền núi nghèo khó. Nghe tiền chuộc đến mấy chục triệu thì giật mình nên quyết định tìm cách bỏ trốn. Cả nhóm quan sát được có một sợi dây điện khá to dẫn từ trên tầng 5 xuống đất. Trước khi trốn T. cũng nhắn về cho mẹ dặn không được nhắn trong đêm đó vì sợ bị lộ.

Hành trình thoát khỏi “địa ngục” khi bị bán qua Campuchia khiến T. ám ảnh -Ảnh: T.P
Hành trình thoát khỏi “địa ngục” khi bị bán qua Campuchia khiến T. ám ảnh -Ảnh: T.P

“Đêm thứ 3, đợi lúc khoảng 2 giờ sáng, khi bảo vệ lơ là, mấy đứa em lén ra phía tấm lưới thép phía mặt sau dãy nhà rồi dùng tay không xoay từng sợi thép để có lối chui ra. Bọn em lần lượt bám vào dây điện tuột xuống. Nhưng vừa xuống đến tầng 2 thì bị bảo vệ phát hiện”, T. vừa kể vừa kéo ống quần lên “khoe” vết thương ở ống chân. Chị H. kể đêm đó chị như thức trắng. “Tui như nín thở chờ tin con. Đến sáng mai nhắn hỏi con trốn được chưa thì tối mới được trả lời là bị bắt lại rồi”, chị H. nói.

Không còn cách nào khác, chị H. quyết định vay mượn 38 triệu đồng chuyển vào tài khoản của một người Trung Quốc. Đến ngày 20/5, T. được một người đàn ông đưa đến cửa khẩu làm thủ tục để về. Cùng được chuộc về với T. còn có 2 người bán qua trước T. 4 ngày. “Đi cùng chuyến với em còn một người nữa ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa. Người này cũng rất muốn về nhưng chưa về được vì không có tiền chuộc”, T. tiết lộ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nữ nhân viên ngân hàng lừa đảo hơn 100 tỷ đồng

Ngọc Hà |

Hoàng Anh Trúc (SN 1991, trú P.2, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01) Công an Lâm Đồng khởi tố bắt giam vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mạo danh nhân viên Công ty Điện lực Quảng Trị để lừa đảo

Mai Lâm |

 

Theo xác nhận của bà Hồ Thị Phi, Phó Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Quảng Trị, thời gian qua, đơn vị nhận được nhiều phản ánh của khách hàng trên địa bàn tỉnh về việc nhận được các cuộc điện thoại từ các số: 184411941431, 00194026912810, 0018449521510, +1(884)0094396, 119210454978, tự xưng là nhân viên điện lực thông báo khách hàng còn nợ tiền điện, yêu cầu chuyển tiền thanh toán nếu không sẽ bị cắt điện. Tuy nhiên, khi nhân viên điện lực kiểm tra trên hệ thống thì những khách hàng này đều không nợ tiền điện.

Khởi tố đối tượng dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trần Khôi |

Ngày 11/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phan Thị Tình (SN 1988), trú tại Khu phố 7, Phường 3, TP. Đông Hà để tiếp tục điều tra làm rõ về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 174 Bộ Luật Hình sự.

Giả mạo tài khoản mạng xã hội của lãnh đạo để lừa đảo

Trần Tuyền |

Ngày 28/3, theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Trị), thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nổi lên hoạt động các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tạo lập tài khoản giả mạo, chiếm đoạt tài khoản facebook, zalo của cán bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; người đứng đầu các huyện, thị xã, thành phố để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.