Để chủ động phòng chống dịch, ngày 28/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID- 19). Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng.
Từ đó đến nay, trong khi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng toàn xã hội ra sức đẩy lùi dịch COVID- 19 thì không ít cá nhân đã lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch bệnh đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội. Hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Theo thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID- 19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh COVID- 19 đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ, đã gây nhiều tác động tiêu cực đối với dư luận xã hội và tâm lý của người bệnh, người được cách ly y tế.
Thông tin sai sự thật là hành vi trái pháp luật, ở mức độ nặng thì có thể bị xử lý như sau:
- Theo Điều 8, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.
- Theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện thì bị tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
+ Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước;
+ Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với ngành y tế phòng, chống dịch hiệu quả
Từ ngày 15/4/2020, các quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP sẽ được thay thế bởi Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Theo đó, tại Điều 101 Nghị định này quy định rõ hơn về mức phạt đối với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
+ Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
+ Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân.
+ Ngoài việc phạt tiền, người có hành vi vi phạm buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Đối với người có hành vi vi phạm như tung tin giả mạo, không đúng sự thật về dịch bệnh COVID- 19 trước ngày 15/4/2020, nhưng bị lập biên bản vi phạm hành chính từ ngày 15/4/2020 thì áp dụng Nghị định 15/2020/NĐ-CP để xử phạt (theo khoản 2 Điều 123 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Do vậy, mỗi cá nhân cần nâng cao trách nhiệm với những thông tin do mình đăng tải, chia sẻ lên môi trường mạng; cảnh giác, chọn lọc thông tin, không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở. Mọi người nên tiếp cận và chia sẻ thông tin từ các nguồn chính thống là góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID- 19.