Hỗ trợ người dân để triển khai sản xuất vụ hè thu sớm

Thanh Trúc |

Gần một tháng sau đợt mưa lũ bất thường đầu tháng 4/2022 khiến nông dân các địa phương trong tỉnh thiệt hại nặng nề. Giữa bộn bề khó khăn chồng chất, tỉnh đã ban hành phương án khắc phục khẩn cấp thiệt hại sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân do mưa lũ bất thường và triển khai sản xuất vụ hè thu sớm.


Những ngày này, dọc theo cánh đồng liền vùng, liền thửa thuộc địa phận Khóm 3, thị trấn Diên Sanh (Hải Lăng) đã thấy nhiều máy cày khẩn trương hoạt động hết công suất. Nhưng khác với việc cày xới gốc rạ để làm đất, lên luống gieo vụ mới như những vụ mùa trước, lần này, người dân phải thuê máy cày để cày vùi nguyên cả cánh đồng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vừa qua.

Ông Trần Ngọc Sơn, ở thôn Diên Trường, thị trấn Diên Sanh (Hải Lăng) đứng quan sát rất lâu cảnh những chiếc máy cày cày xới từng vạt ruộng, trầm ngâm: “Người già ở làng tôi cứ nhắc mãi, sáu mươi năm làm ruộng chưa bao giờ thấy cảnh lũ dị thường vào tháng ba âm lịch, nông dân trắng tay. Đồng ruộng khu vực này sâu nên nước lũ ngâm lâu ngày, không cứu vãn được cây lúa đang ở giai đoạn ôm đòng, trổ bông, giờ phải vứt bỏ hết, thật xót xa. Nếu không có trận mưa lũ vừa rồi thì bây giờ người dân đã chuẩn bị thu hoạch vụ mùa”.

Gia đình ông Sơn có hơn hai sào ruộng bị hư hỏng hoàn toàn. Theo ông Sơn, trước đây, chi phí thuê máy cày xới gốc rạ sau thu hoạch là 150.000 đồng/sào, nhưng nay việc cày vùi thân lúa thêm nhiều công đoạn khó khăn hơn, đội chi phí lên 190.000 đồng/ sào. Người dân đứng trước nỗi lo nợ nần chồng chất khi đầu tư phân bón, giống, tiền công máy cày làm đất vụ cũ chưa thanh toán và chi phí để sản xuất vụ mới.
Khẩn trương cày vùi diện tích lúa bị hư hỏng để triển khai vụ hè thu sớm - Ảnh: T.T
Khẩn trương cày vùi diện tích lúa bị hư hỏng để triển khai vụ hè thu sớm - Ảnh: T.T
 

Là địa phương bị thiệt hại nặng nề, thời gian này, huyện Hải Lăng khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng để quyết định xử lý sớm đối với gần 2.200 ha lúa. Theo dõi nếu lúa khả năng cho năng suất từ 20 tạ/ha trở lên thì tăng cường chăm sóc để thu hoạch. Nếu xác định năng suất dưới 20 tạ/ha thì tiến hành vệ sinh đồng ruộng sớm nhằm chủ động sản xuất vụ hè thu. Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Xuân Viên, xã Hải Dương trăn trở, làm thế nào để HTX có thể có nguồn vốn vay để tạm ứng chi phí giống, phân bón cho người dân chuẩn bị bước vào vụ mới. “Giá phân bón, giống lúa, vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi người dân gần như mất trắng vụ mùa vừa qua cả lúa lẫn hoa màu nên chi phí để sản xuất vụ mới là nỗi lo lớn nhất hiện nay của nông dân”, ông Sinh chia sẻ.

Gần 800 tỉ đồng thiệt hại do mưa lũ bất thường vừa qua gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, giao thông, thủy lợi là con số thống kê ước tính cho đến nay, và các địa phương vẫn đang tiếp tục kiểm tra, đánh giá. Với phương châm kịp thời giúp người dân sớm tổ chức lại sản xuất, ổn định cuộc sống, tỉnh đã ban hành các phương án khắc phục khẩn cấp thiệt hại do mưa lũ đối với vụ đông xuân, triển khai vụ hè thu sớm. Theo đó, mục tiêu là hỗ trợ các địa phương tập trung khắc phục 3.498 ha cây trồng bị ngập nhẹ, nghiêng, đổ ngã, trong đó có 2.626 ha lúa, 872 ha hoa màu. Xử lý, cải tạo 12.057 ha diện tích cây trồng bị hư hại, không thể khôi phục được để tổ chức sản xuất vụ hè thu.

Huy động người dân tập trung cải tạo đồng ruộng, xử lý thân lá, tàn dư cây trồng trên ruộng. Tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, tiếp tục đẩy nhanh công tác tiêm phòng vắc xin để phòng, chống dịch bệnh bùng phát sau thiên tai. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đặc biệt đàn gia cầm tại các vùng bị ảnh hưởng do thiên tai nhằm ổn định sinh kế cho người dân. Đối với nuôi trồng thủy sản, yêu cầu các hộ nuôi tiến hành sửa chữa, củng cố bờ bao, hệ thống kênh cấp, tiêu nước… thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng các ao nuôi bị ngập nước trước khi sản xuất trở lại.

Cùng với việc sửa chữa, khắc phục các trạm bơm bị ngập nước, các tuyến kênh bị sạt lở, bồi lấp và các tuyến đê bị hư hỏng nhằm kịp thời cấp nước tưới, tiêu phục vụ, bảo vệ sản xuất, các địa phương chú trọng tổ chức ra quân làm thủy lợi. Đồng thời xây dựng phương án ứng phó với nắng hạn kéo dài trong điều kiện thời tiết bất lợi cho vụ hè thu để chủ động triển khai thực hiện khi hạn hán, thiếu nước xảy ra.

Theo khảo sát nhu cầu thực tế của các địa phương, để triển khai sản xuất vụ hè thu sớm và thu đông, cần 950 tấn giống lúa, hơn 180 tấn giống rau màu các loại. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thẩm định và trình Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh 900 tấn giống lúa. Tỉnh trích ngân sách hơn 8,5 tỉ đồng cấp cho các địa phương mua lượng giống còn thiếu hụt, hỗ trợ giống gà, thức ăn chăn nuôi, vắc xin, giống thủy sản... để người dân tổ chức sản xuất. Ngành nông nghiệp và các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các HTX, hộ gia đình có hợp đồng vay tín dụng đầu tư sản xuất vụ đông xuân bị thiệt hại theo hướng ngân sách tỉnh hỗ trợ 1 lần 100% lãi suất vay theo hợp đồng tín dụng, tối đa 9 tháng theo lãi suất thương mại.

Để đảm bảo sản xuất hiệu quả các vụ mùa tiếp theo, ngành chuyên môn và các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giá vật tư nông nghiệp, thị trường nông sản và hướng dẫn kịp thời các giải pháp để người dân chủ động áp dụng thích ứng linh hoạt, đảm bảo sản xuất thuận lợi, hiệu quả. Về lâu dài, tỉnh kiến nghị trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi, đê điều bị hư hỏng trong các đợt mưa lũ từ năm 2020 đến nay. Nghiên cứu giải pháp tiêu thoát lũ chủ động cho vùng trũng Hải Lăng, Triệu Phong, nâng cao khả năng thoát lũ của hệ thống An Tiêm, mở tuyến tiêu thoát thoát lũ mới...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Lê An |

Xác định khoa học công nghệ (KHCN) là khâu đột phá góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Quảng Trị đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng, chuyển giao các tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giúp tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện đời sống của người dân.

Nhiều định hướng lớn trong sản xuất nông nghiệp ở Triệu Phong

Tuấn Việt |

Là huyện thuần nông, ngay sau ngày đất nước thống nhất, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong (Quảng Trị) ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, ngay sau khi có hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn, huyện Triệu Phong đầu tư phát triển mạnh hệ thống thủy lợi trên các cánh đồng nên rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp.

Thu nhập khá từ sản xuất nông nghiệp sạch

Bích Liên |

Từng làm nghề buôn bán hàng hóa tại Lào song ảnh hưởng của COVID-19, khiến công việc gặp nhiều khó khăn, anh Võ Đăng Tú, (sinh năm 1992) ở thôn Long Hợp, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tìm hiểu chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Sau hơn 1 năm chuyển đổi, mô hình nông nghiệp sạch của gia đình anh Tú đã mang lại thu nhập khá cao, trở thành địa chỉ cung cấp nông sản được nhiều người lựa chọn.

Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp là “nghề” cần được đào tạo

Thanh Trúc |

Tuy việc đào tạo “nghề” giám đốc hợp tác xã (HTX) nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng một cách bài bản vẫn còn khá mới mẻ, nhưng đây là vấn đề cần thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Qua 10 năm triển khai Luật HTX năm 2012 cho thấy, vai trò của người đứng đầu trong xây dựng, phát triển HTX nông nghiệp không đơn giản là sự thay đổi từ chức danh chủ nhiệm HTX sang chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc HTX, mà đây là sự thay đổi về tư duy, cách thức tổ chức điều hành, quản trị một đơn vị kinh tế gắn với văn hóa cộng đồng truyền thống. Và để làm tốt vai trò này, bắt buộc phải xem giám đốc HTX là một nghề và phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng bài bản.