Từng làm nghề buôn bán hàng hóa tại Lào song ảnh hưởng của COVID-19, khiến công việc gặp nhiều khó khăn, anh Võ Đăng Tú, (sinh năm 1992) ở thôn Long Hợp, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tìm hiểu chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Sau hơn 1 năm chuyển đổi, mô hình nông nghiệp sạch của gia đình anh Tú đã mang lại thu nhập khá cao, trở thành địa chỉ cung cấp nông sản được nhiều người lựa chọn.
Đầu năm 2021, với sự hỗ trợ của gia đình, anh Tú tạm ngừng công việc kinh doanh để bắt tay xây dựng mô hình trồng rau, chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Trên khu đất rộng gần 1 ha của gia đình, anh Tú thuê nhân công cùng phương tiện cày xới, làm đất, đầu tư hệ thống bể chứa nước, hệ thống tưới nước tự động rồi trồng các loại rau màu như: cà tím, bắp cải, cải thảo, ớt sừng, dưa leo…
Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tích lũy kỹ thuật cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm, đến nay, vườn rau của gia đình anh Tú đã được nhiều người biết và tin tưởng sử dụng. Anh Tú chia sẻ: “Vốn là người thường xuyên qua lại biên giới để buôn bán, nhưng từ khi COVID-19 diễn biến phức tạp công việc ngưng trệ nên tôi thường xuyên ở nhà. Trong thời gian này, nghĩ đến đất đai của gia đình sẵn có nhưng chưa khai thác hiệu quả, tôi có ý định trồng thử nghiệm một số loại rau củ theo hướng hữu cơ. Đến khi bắt tay vào làm thì nhận thấy cây trồng phát triển rất nhanh do thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi nên tôi quyết định trồng các loại rau, cây ăn quả trên toàn bộ diện tích đất của gia đình”.
Tìm hiểu thị trường thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch ngày càng cao, anh Tú quyết tâm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp của gia đình với phương châm an toàn, chất lượng. Để có được sản phẩm như ý muốn, trên vườn rau của gia đình, hằng ngày anh đều bố trí nhân công chăm sóc. Cùng với đó, anh Tú thu mua thêm phân bò về ủ hoai, bón cho đất để tăng độ màu mỡ, tơi xốp. Anh còn tự làm các chế phẩm sinh học để phun tưới cho vườn rau.
Tuy có mất thời gian nhưng đổi lại cách chăm sóc vườn rau của anh không những thay thế được các loại phân thuốc hóa học mà còn giúp bảo vệ môi trường, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm rau xanh an toàn, tốt cho sức khỏe. Nhờ chủ động nguồn nước tưới, vườn rau của gia đình anh Tú cho thu hoạch quanh năm. Bình quân 3 tháng thu hoạch 1 đợt.
Mỗi vụ thu hoạch, anh Tú cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn rau các loại, riêng đợt cao điểm như vụ rau tết Nguyên đán, bán ra thị trường gần 14 tấn rau, tổng thu nhập gần 160 triệu đồng. Ngoài cung cấp rau sỉ cho các chợ trên địa bàn huyện, anh Tú còn xuất bán sản phẩm sang Lào thông qua các đại lý đầu mối thu mua hàng quen biết trước đây.
Rút kinh nghiệm trong thời gian trồng sau sạch, hiện nay anh Tú thực hiện phân luống, bố trí lại khu vườn để trồng các loại rau được thị trường ưa chuộng, đồng thời trồng xen các loại cây ăn quả như đu đủ, mít Thái, xoài… và xây dựng chuồng trại nuôi 100 con lợn để tận dụng tối đa phụ phẩm trong vườn. Vườn rau của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương.
Theo Bí thư Xã đoàn Tân Long Lê Văn Vũ, chuyển đổi ngành nghề, công việc để ổn định cuộc sống trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhất là đối với các bạn trẻ do còn thiếu kinh nghiệm trong sản xuất cũng như cuộc sống. Tuy nhiên, anh Tú đã vượt qua những rào cản đó bằng sự nỗ lực và tinh thần ham học hỏi nên khai thác được tiềm năng đất đai, lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để xây dựng mô hình nông nghiệp đúng xu thế thị trường, bước đầu thành công. Xã đoàn Tân Long sẽ lấy đây làm mô hình điểm để giới thiệu đoàn viên, thanh niên học tập, mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất trong lập thân, lập nghiệp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)