Tuy việc đào tạo “nghề” giám đốc hợp tác xã (HTX) nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng một cách bài bản vẫn còn khá mới mẻ, nhưng đây là vấn đề cần thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Qua 10 năm triển khai Luật HTX năm 2012 cho thấy, vai trò của người đứng đầu trong xây dựng, phát triển HTX nông nghiệp không đơn giản là sự thay đổi từ chức danh chủ nhiệm HTX sang chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc HTX, mà đây là sự thay đổi về tư duy, cách thức tổ chức điều hành, quản trị một đơn vị kinh tế gắn với văn hóa cộng đồng truyền thống. Và để làm tốt vai trò này, bắt buộc phải xem giám đốc HTX là một nghề và phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng bài bản.
Cách đây hơn 5 năm, sau khi hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình hoạt động HTX, trong câu chuyện với giám đốc một HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Hải Lăng về việc tìm đầu ra kết nối tiêu thụ gạo canh tác theo hướng hữu cơ do HTX triển khai thực hiện, ông cho tôi biết, đây chính là bài toán làm đau đầu những người quản lý. Để thuyết phục thành viên HTX thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là một quá trình, nhưng quan trọng hơn cả, chính ban giám đốc HTX phải đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm, phải tìm được đầu mối tiêu thụ ổn định để người dân yên tâm sản xuất.
Từ một chủ nhiệm HTX vốn quen làm theo lối cũ, thụ động, bản thân giám đốc HTX này đã phải tự đổi mới mình. Đó là vượt qua những e dè, bỡ ngỡ và khó khăn ban đầu, lên mạng internet mày mò tìm kiếm thông tin, liên hệ, kết nối, mang sản phẩm chào bán tại các cửa hàng phân phối lớn, siêu thị mini ở các tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh để tìm kiếm đầu mối tiêu thụ.
“Muốn có HTX kiểu mới, cần phải có tư duy mới, giám đốc HTX phải hiểu được giá trị truyền thống địa phương và có khả năng tiếp cận thông tin, điều hành tổ chức sản xuất theo nhu cầu của thị trường”- điều mà giám đốc HTX nông nghiệp này rút ra cho chính bản thân mình trong quá trình điều hành HTX hoạt động.
Đổi mới hoạt động kinh tế tập thể, HTX, trước hết phải đổi mới tư duy của người quản lý, điều hành, thật sự xem giám đốc HTX là một nghề. Bởi hiện nay cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng bền vững thì HTX đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất, liên kết các thành viên tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng, tiến tới chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tuy có vai trò quan trọng, quyết định thành công của HTX, nhưng theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện cả nước có gần 16.200 HTX nông nghiệp. Điểm chung của các HTX này là chức danh giám đốc vẫn còn hạn chế về kỹ năng quản trị, tổ chức hoạt động. Hiện còn trên 24.000 người (chiếm hơn 47%) cán bộ quản lý HTX nông nghiệp chưa được đào tạo, trong khi nhân lực là yếu tố quyết định hoạt động của HTX.
Tại Quảng Trị hiện có 294 hợp tác xã nông - lâm nghiệp và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp. Tổng số thành viên các HTX nông nghiệp gần 73.000 người, trong đó có khoảng 300 thành viên mới. Xét về trình độ chuyên môn, tỉ lệ cán bộ qua đào tạo đạt 21,09%/tổng số cán bộ HTX và đạt 28,18%/cán bộ quản lý HTX. Trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên có 148 người, đạt 6,86%; trung cấp có 309 người, đạt 14,23%. Đa số nhân sự quản lý HTX đều lớn tuổi, thậm chí đã hết tuổi lao động, chưa qua đào tạo nên không tránh khỏi lúng túng trong điều hành. Những hạn chế về trình độ, năng lực của người điều hành khiến nhiều HTX gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng như xây dựng chuỗi giá trị trong thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp.
Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo dài hạn cho cán bộ công tác tại các HTX. Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh liên kết với Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị và Học viện Ngân hàng - Phân viện tỉnh Phú Yên tổ chức đào tạo 38 học viên theo học chuyển tiếp. Ngoài ra, tỉnh cũng đã liên kết với Trường Đào tạo cán bộ Liên minh HTX Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX, bộ phận kiểm soát, kế toán về xây dựng kế hoạch kinh doanh gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực địa phương, lập kế hoạch thu hút vốn đầu tư… Tuy vậy, vẫn nảy sinh những vướng mắc như các HTX cử cán bộ, người đi học nhưng không chủ động được việc bố trí, sử dụng sau khi tốt nghiệp, nguyên nhân là do đại hội không bầu hoặc sau đào tạo họ tham gia công tác tại các xã, phường. Mặt khác, trên thực tế đội ngũ cán bộ HTX thường xuyên biến động lớn về số lượng và nhân sự, nên việc đào tạo phải làm thường xuyên mới đáp ứng yêu cầu.
Xuất phát từ nhu cầu đào tạo rất lớn đối với chức danh giám đốc HTX, năm 2020, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức đào tạo thí điểm nghề giám đốc HTX cho 154 học viên. Tiếp sau đó, các khóa đào tạo thí điểm giám đốc HTX cũng được tổ chức ở các tỉnh phía Nam. Sau thời gian thí điểm chương trình đào tạo này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề giám đốc HTX nông nghiệp để các trường trực thuộc tham khảo xây dựng chương trình đào tạo. Trong đó, các nội dung về phê duyệt kế hoạch trung hạn, phân bổ chỉ tiêu, đơn vị đào tạo theo đề xuất của địa phương.
Thực hiện Công văn số 1243/BNN-KTHT ngày 4/3/2022 về việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và đăng ký nhu cầu đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, đối với nhu cầu đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp cần rà soát, tổng hợp báo cáo để kịp thời tham gia khóa đào tạo do bộ tổ chức. Đây là cơ hội để trang bị những kiến thức cần thiết nhằm nâng cao năng lực cho giám đốc HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu về quản lý, điều hành HTX trong giai đoạn mới, tiến tới xây dựng HTX điển hình tiên tiến, HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị chủ lực địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)