Là huyện thuần nông, ngay sau ngày đất nước thống nhất, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong (Quảng Trị) ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, ngay sau khi có hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn, huyện Triệu Phong đầu tư phát triển mạnh hệ thống thủy lợi trên các cánh đồng nên rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp.
Hiện nay, hệ thống kênh Nam Thạch Hãn trên địa bàn huyện Triệu Phong có 16,3 km kênh chính, kênh cấp 1 hơn 31,2 km, kênh cấp 2 hơn 146 km, kênh nội đồng 442,02 km. Hệ thống kênh mương thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới cho toàn bộ cánh đồng trên địa bàn huyện. Diện tích gieo trồng của huyện đạt 16.059 ha, trong đó diện tích lúa 2 vụ trên 11.524 ha, giống lúa chất lượng cao chiếm 78,5%, năng suất lúa đạt bình quân 58,9 tạ/ha. Bên cạnh đó, năng suất, sản lượng các loại cây công nghiệp, cây thực phẩm ngắn ngày đều tăng.
Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Văn Linh cho biết, căn cứ tình hình thực tế huyện đã phát triển nông nghiệp trên cơ sở thế mạnh của từng vùng. Đối với vùng đồng bằng, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo bước đột phá và sức bật mới trong sản xuất. Điển hình có các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như sản xuất giống lúa chất lượng cao không chỉ tạo được bộ giống tốt mà còn giúp các địa phương trong huyện chủ động được nguồn giống trong sản xuất; mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, rau an toàn; thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa kết hợp với nhiều mô hình trang trại và gia trại có quy mô lớn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Vùng cát từ chỗ hoang hóa, nhờ tranh thủ tốt các chương trình, dự án để thực hiện chủ trương di giãn dân, trồng cây lâm nghiệp, nuôi trồng đa cây, đa con nên vùng đất này đã có bước phát triển nhanh, bền vững. Hiện nay, vùng cát đang trở thành vùng động lực phát triển của huyện vì không chỉ nhờ có tiềm năng, thế mạnh về đất đai mà còn có thêm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Đối với vùng gò đồi, bên cạnh việc thực hiện chủ trương di giãn dân xây dựng vùng kinh tế mới, xây dựng mô hình trang trại có quy mô lớn, huyện Triệu Phong thực hiện tốt chủ trương trồng mới 5 triệu ha rừng, nâng độ che phủ lên 42%. Tổng diện tích đất có rừng của huyện hơn 15.000 ha, trong đó đất rừng tự nhiên 1.026 ha, còn lại là đất rừng trồng. Chất lượng rừng trồng phát triển tốt, có hơn 1.040 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, VFCS, sản lượng gỗ khai thác hằng năm khoảng 210.000 m3. Bên cạnh đó, các xã vùng gò đồi, vùng cát từng bước cải tạo vườn tạp, đưa nhiều cây trồng có giá trị như bưởi thanh trà, cây chanh dây, cây dây thìa canh, cây tràm năm gân, tràm gió... vào trồng bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Đề cập định hướng của huyện về phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Văn Linh cho biết, huyện tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng; tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh liên kết trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tích cực chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, từng bước xây dựng “nền nông nghiệp sạch”. Sử dụng diện tích đất nông nghiệp linh hoạt theo hướng chuyên canh, luân canh phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất.
Làm tốt công tác giống, thủy lợi, bảo vệ thực vật, phòng, chống dịch bệnh cũng như đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, ngắn ngày thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Tập trung chỉ đạo tái đàn, khôi phục tổng đàn trong chăn nuôi. Khuyến khích chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp và chăn nuôi trang trại có sự liên kết bao tiêu sản phẩm, đồng thời quy hoạch vùng chăn nuôi xa khu dân cư nhằm bảo vệ môi trường. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả chương trình zêbu hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn đi đôi với phát triển mạnh đàn lợn nái ngoại và lợn nái F1 nhằm nâng cao số lượng và chất lượng đàn chăn nuôi.
Đối với vùng đồng bằng, tiếp tục cải tạo đồng ruộng, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn. Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu. Quy hoạch vùng sản xuất theo hướng phát triển lúa chất lượng cao nâng cao giá trị và phát triển bền vững dựa trên thế mạnh của hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng hiện có.
Đối với vùng gò đồi, tổ chức tốt việc khai thác, trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng theo chứng chỉ FSC, rừng gỗ lớn. Tiếp tục duy trì, bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn. Từng bước khôi phục các loại cây ăn quả có múi, mở rộng diện tích cây nguyên liệu, dược liệu cũng như đưa cây trồng mới có hiệu quả vào sản xuất.
Đối với vùng biển, cùng với phát triển nuôi trồng thủy hải sản, huyện mở rộng diện tích các loại cây trồng thích hợp tạo thu nhập cho người dân. Tiếp tục hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển; đẩy mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá và các ngành nghề truyền thống gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và chủ quyền biển, đảo. Đẩy mạnh đầu tư thâm canh các mô hình nuôi cá nước ngọt, phát triển các mô hình VAC, chuyên cá để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.
Tiếp tục khảo sát, tranh thủ nguồn vốn, vận động người dân xây dựng mô hình nuôi tôm thương phẩm, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mở rộng sản xuất, hoàn thiện sản phẩm để tham gia chương trình OCOP, xây dựng các sản phẩm chủ lực của địa phương. Xây dựng mối liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)