Là huyện miền núi, biên giới, Hướng Hoá (Quảng Trị) hội đủ các điều kiện về thời tiết, khí hậu, đất đai, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh với hệ thống hang động hoang sơ, kỳ bí và giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô… để phát triển nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo…
Phát huy những tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua, huyện Hướng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư (THĐT), tạo đà phát triển bền vững.
Những năm qua, được sự quan tâm của trung ương, tỉnh, nhiều chương trình, dự án được triển khai góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Xác định THĐT có vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh trật tự an toàn xã hội, huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp.
Cùng với quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như Chương trình hành động của tỉnh về THĐT, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh THĐT trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết: thời gian qua, huyện tập trung đẩy mạnh THĐT, tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn căn cứ theo nhiệm vụ tổ chức xúc tiến, kết nối, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của huyện. Chủ động mời gọi THĐT vào các lĩnh vực lợi thế như: sản xuất nông nghiệp sạch, dịch vụ, du lịch, thương mại và công nghiệp chế biến. Đồng thời, thực hiện hiệu quả quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021- 2030; kế hoạch sử dụng đất hằng năm; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, huyện xác định rõ lĩnh vực, sản phẩm phục vụ cho THĐT. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tập trung thu hút các dự án đầu tư liên kết tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa; ưu tiên các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao phát triển vùng nguyên liệu gắn với các sản phẩm đặc trưng như: cà phê, sắn nguyên liệu, chăn nuôi, dược liệu... Lĩnh vực công nghiệp, thu hút vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản gắn với trồng rừng sản xuất; các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển các dự án điện gió….
Giám đốc Công ty Solar Kesaf 1 Nguyễn Hoàng Lịch cho biết, huyện Hướng Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là hạ tầng giao thông khá hoàn thiện và là một trong những cửa ngõ đi vào các nước ASEAN; Khe Sanh, Hướng Hóa có thời tiết, khí hậu thuận lợi để phát triển trang trại chăn nuôi, trồng dược liệu công nghệ cao...
Chính vì thế tại thôn Xa Bai, xã Hướng Linh, công ty tiến hành đầu tư trang trại chăn nuôi, với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 70 tỉ đồng, trên diện tích 40 ha, với quy mô 12 nghìn con lợn thịt/ lứa/ 4 tháng. Hiện nay, công ty đang gấp rút thi công dự án. Sau khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương. Ngoài ra, công ty trồng cây dược liệu theo vòng tuần hoàn khép kín. Đây là một trong những dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được huyện Hướng Hóa THĐT.
Giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 41 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 41.686 tỉ đồng. Trong đó 3 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; 6 dự án dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 2 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; 1 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và 29 dự án năng lượng.
Trong 2 năm 2021, 2022, mặc dù ảnh hưởng của COVID- 19, nhưng huyện cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, lập dự án và đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió. Trong năm 2022 có 3 nhà đầu tư đăng ký với số vốn 3.186,2 tỉ đồng và 2 doanh nghiệp được cấp quyết định chủ trương đầu tư với số vốn 40,8 tỉ đồng. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã đóng góp rất lớn cho ngân sách tỉnh và địa phương cũng như phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
Để tiếp tục THĐT hiệu quả, đồng hành với doanh nghiệp, thời gian tới, huyện Hướng Hóa triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp; phát huy vai trò vận động, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác THĐT; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về THĐT trên địa bàn; tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư.
Tiếp tục rà soát, đề nghị bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách của trung ương, tỉnh và cải cách hành chính; phát huy các nguồn lực đầu tư; thực hiện chính sách ưu đãi trong sử dụng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, phù hợp yêu cầu THĐT; tiếp tục triển khai chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; sử dụng nhiều thành tựu công nghệ sinh học và gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tập trung ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm, dự án lớn có tác dụng thúc đẩy phát triển lan tỏa kinh tế - xã hội trong huyện; đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động đầu tư, xây dựng xã hội an toàn, thân thiện với nhà đầu tư, gắn với giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)